Thời gian gần đây, dư luận bức xúc trước chiêu trò photoshop, "fake bill" tiền ủng hộ đồng bào bị ảnh hưởng bởi bão số 3 và lũ lụt của một số người, trong đó có nhiều cá nhân, doanh nghiệp, đặc biệt có người nổi tiếng.
Đơn cử như trường hợp được ủy quyền thay mặt Câu lạc bộ (CLB) Cán bộ Hội dự nguồn thuộc Hội Sinh viên Trường Cao đẳng C.T TP HCM, ủng hộ số tiền 11.232.000 đồng nhưng cựu sinh viên tên H.T chỉ chuyển 1.123.200 đồng, thấp hơn mức công bố 10.108.800 đồng. Sau đó H.T nhờ bạn photoshop chỉnh sửa thành 11.232.000 để đưa lên group báo cáo CLB.
Tuy nhiên, sau khi Mặt trận Tổ quốc Việt Nam công khai sao kê thì sự việc trên bị phát hiện. Cựu sinh viên H.T đã nhận thức được sai lầm của mình và đã chuyển toàn bộ số tiền còn lại vào tài khoản của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam vào ngày 14/9.
|
|
CLB Cán bộ Hội dự nguồn thông tin về sự việc cựu sinh viên H.T nhờ bạn photoshop chỉnh sửa thành 11.232.000 để đưa lên group báo cáo CLB. |
Không chỉ trường hợp nêu trên mà từ khi Mặt trận Tổ quốc Việt Nam công bố danh sách sao kê tiền của các mạnh thường quân ủng hộ, cư dân mạng đã phát hiện nhiều cá nhân, doanh nghiệp “phông bạt” khi photoshop biên lai giao dịch chuyển khoản ủng hộ đồng bào bị ảnh hưởng bởi bão Yagi số tiền lớn, thậm chí rất lớn để khoe lên mạng xã hội.
Liên quan đến việc photoshop, "fake bill" tiền ủng hộ đồng bào bị ảnh hưởng bởi bão số 3 và lũ lụt của một số người, Luật sư Trần Hữu Lộc (Đoàn luật sư Đồng Nai), cho rằng: việc đăng tải các hình ảnh chuyển khoản ngân hàng đã qua chỉnh sửa lên mạng xã hội mà chưa ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự, an toàn xã hội thì người đưa thông tin sai sự thật về việc chuyển tiền từ thiện này có thể bị xử phạt vi phạm hành chính.
Cụ thể, về hành vi như trên sẽ bị xử phạt: "Vi phạm các quy định về trách nhiệm sử dụng dịch vụ mạng xã hội; trang thông tin điện tử được thiết lập thông qua mạng xã hội" theo quy định tại Điều 101 Nghị định số 15/2020 của Chính phủ được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 14/2022 của Chính phủ". Mức phạt tiền đối với hành vi vi phạm của tổ chức là từ 10 đến 20 triệu đồng, đối với cá nhân là từ 5 đến 10 triệu đồng.
Cũng theo luật sư Lộc, tùy thuộc vào tính chất hành vi, người nhận được tài sản của người khác thông qua kêu gọi quyên góp rồi dùng thủ đoạn gian dối như chỉnh sửa số tiền quyên góp để chiếm đoạt một phần hay toàn bộ số tiền, tài sản quyên góp đó thì người có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Cụ thể, trường hợp người đó sau khi kêu gọi và nhận được tiền quyên góp từ người khác mà dùng thủ đoạn gian dối để chỉnh sửa hình ảnh chuyển tiền nhằm mục đích một phần hoặc toàn bộ số tiền quyên góp thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội "Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản" .
Trường hợp việc gian dối đó được lên kế hoạch, chuẩn bị sẵn từ trước rồi mới kêu gọi nhận quyên góp thì có thể bị truy cứu về "Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản".
“Nhân dân miền Bắc đang gặp nhiều khó khăn do bão lũ càn quét suốt thời gian qua. Việc đồng bào cả nước hướng về miền Bắc, đóng góp một phần công sức, tiền bạc để cùng nhân dân và chiến sĩ nơi đây chống chọi, khắc phục hậu quả của thiên tai là việc làm đáng trân trọng, thể hiện tinh thần đùm bọc, sẻ chia truyền thống của dân tộc.
Tuy nhiên, việc lợi dụng tình thình thiên tai, bão lũ để “phông bạt”, PR của một số cá nhân hiện nay là việc làm trước hết có dấu hiệu vi phạm pháp luật, sau đó còn là hành vi vi phạm nghiêm trọng đạo đức, gây khó khăn cho cơ quan chức năng trong việc thống kê, phân phát, đồng thời tạo ra dư luận xấu, làm xói mòn niềm tin giữa người với người trong xã hội. Do đó, hành vi này rất đáng trách, đáng lên án”, luật sư Lộc nêu quan điểm./.