Chiếm đoạt tài liệu bí mật Nhà nước, được hiểu là hành vi lấy các tài liệu được xác định là bí mật Nhà nước làm của riêng bằng bất kỳ thủ đoạn nào (tài liệu bí mật Nhà nước là một dạng vật chất đã ghi nhận những thông tin ở dạng thành văn bản, âm thanh, hình ảnh có chứa đựng các nội dung được xác định là bí mật Nhà nước).
Tội cố ý làm lộ bí mật nhà nước; tội chiếm đoạt, mua bán, tiêu hủy tài liệu bí mật nhà nước được quy định tại Điều 337 Bộ luật hình sự 2015 như sau:
“1. Người nào cố ý làm lộ hoặc mua bán bí mật nhà nước, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 110 của Bộ luật này, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm.
2. Phạm tội trong những trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
a) Bí mật nhà nước thuộc độ tối mật;
b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
c) Gây tổn hại về quốc phòng, an ninh, đối ngoại, kinh tế, văn hóa.
3. Phạm tội trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm:
a) Có tổ chức;
b) Bí mật nhà nước thuộc độ tuyệt mật;
c) Phạm tội 02 lần trở lên;
d) Gây tổn hại về chế độ chính trị, độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ.
4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.”.
Khách thể
Hành vi nêu trên xâm phạm đến chế độ bảo mật Nhà nước trong các lĩnh vực chính trị, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, kinh tế, khoa học công nghệ và các lĩnh vực khác.
Ngoài ra còn gián tiếp xâm phạm đến an ninh đối nội và an ninh đối ngoại của Nhà nưốc Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, đe dọa sự ổn định của chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam.
Mặt khách quan
Mặt khách quan của tội này có một trong các dấu hiệu sau:
+ Đối với tội cố ý làm lộ bí mật Nhà nước. Được thể hiện qua hành vi làm cho người khác biết được những tin tức, tài liệu, vật… là bí mật Nhà nước (như đưa tài liệu cho người khác xem, dùng lời nói, chữ viết nhằm tiết lộ, cung cấp tài liệu bí mật Nhà nước cho người khác biết), không cản ngăn người khác xem tài liệu bí mật Nhà nước, cố tình để sơ hở, để quên tài liệu bí mật Nhà nước ở nơi làm việc để tạo điều kiện cho người khác xem, biết được…
+ Đối với tội chiếm đoạt tài liệu bí mật Nhà nước. Được thể hiện qua hành vi dùng vũ lực đe dọa hoặc các thủ đoạn khác (như trộm, lừa đảo…), để chiếm đoạt tài liệu bí mật Nhà nước thành của riêng mình.
+ Đối với tội tiêu hủy tài liệu bí mật Nhà nước. Được thể hiện qua hành vi làm cho tài liệu bí mật Nhà nước bị mất đi toàn bộ nội dung không thể khôi phục lại được như xé nát, đốt cháy, ngâm nước cho mục rã…
Chủ thể
Chủ thể của tội phạm nêu trên là bất kỳ người nào có năng lực trách nhiệm hình sự. Riêng đối với tội cố ý làm lộ bí mật Nhà nước thì chủ thể là người có trách nhiệm trong việc bảo vệ, quản lý hoặc sử dụng các bí mật Nhà nước.
Mặt chủ quan
Người phạm tội thực hiện tội phạm này với lỗi cố ý, tuy nhiên không nhằm mục đích chống chính quyền nhân dân (tức không thuộc trường hợp quy định tại Điều 110 của Bộ luật Hình sự).
Hình phạt
Mức hình phạt của tội phạm này được chia thành 4 khung, cụ thể như sau:
+ Khung một (khoản 1)
Có mức phạt tù từ 02 năm đến 07 năm. Được áp dụng đối với trường hợp phạm tội có đủ dấu hiệu cấu thành cơ bản của tội này nêu ở mặt khách quan.
+ Khung hai (khoản 2)
Phạm tội trong những trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
+ Bí mật nhà nước thuộc độ tối mật;
+ Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
+ Gây tổn hại về quốc phòng, an ninh, đối ngoại, kinh tế, văn hóa.
+ Khung ba (khoản 3)
Phạm tội trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm:
– Có tổ chức;
– Bí mật nhà nước thuộc độ tuyệt mật;
– Phạm tội 02 lần trở lên;
– Gây tổn hại về chế độ chính trị, độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ.
+ Hình phạt bổ sung (khoản 4)
Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Luật sư: Nguyễn Văn Lâm (Đoàn Luật sư Hà Nội).