Như Báo Bảo vệ pháp luật đã đưa tin, khoảng 6h sáng ngày 26/5, nhiều học sinh đi trong khuôn viên trường THCS Bạch Đằng, quận 3, TP HCM thì bị một cây phượng bật gốc, đè trúng. Nhiều em học sinh bị thương được đưa vào bệnh viện cấp cứu nhưng một HS đã tử vong.

Nhận tin báo, Công an quận 3 cùng các đơn vị chức năng có liên quan có mặt khám nghiệm hiện trường, điều tra nguyên nhân vụ việc.

leftcenterrightdel
 Ủy viên Bộ chính trị, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Thiện Nhân, bật khóc khi đến chia buồn cùng gia đình em N.T.K. - học sinh tử vong trong vụ cây phượng bị bật gốc ở trường THCS Bạch Đằng. Ảnh: Đậu Tiến Đạt

Về vụ việc này, luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng văn phòng Luật sư Chính Pháp (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết: Trong mùa mưa bão, khi giông bão, mưa lớn, gió mạnh thì cây có thể gãy cành, bật gốc gây ra các vụ tai nạn cho xe cộ và người, dẫn đến thiệt hại về người và của. Tuy nhiên, vụ việc một cây phượng cổ thụ trong sân trường bất ngờ đổ xuống đè trúng hàng chục học sinh khiến một học sinh tử vong như vậy là chuyện hết sức bất thường. Bởi vậy, cơ quan điều tra sẽ vào cuộc xác minh làm rõ nguyên nhân và hậu quả của vụ việc làm căn cứ giải quyết theo quy định của pháp luật.

Cơ quan chức năng sẽ xác định sự việc cây đổ khiến hàng chục học sinh thương vong, có học sinh tử vong như vậy là “sự biến” hay “hành vi” theo quy định pháp luật.

Trong trường hợp kết luận của các cơ quan chức năng xác định, việc cây đổ là do nguyên nhân khách quan, không có lỗi trong việc quản lý, chăm sóc. Việc cây đổ là không thể lường trước được, do yếu tố tác động từ thiên nhiên hoặc từ phía trong thân cây mà bình thường không thể biết được thì sẽ không xem xét trách nhiệm hình sự đối với những người có nhiệm vụ thẩm quyền trong vụ việc này.

Còn trường hợp có căn cứ, cho thấy lãnh đạo nhà trường hoặc đơn vị được giao trông nom quản lý cây xanh này đã không làm hết trách nhiệm như: Trồng cây cổ thụ khi cây này đã quá to, bộ rễ không thể phát triển được khiến cây có nguy cơ đổ nhưng không có giải pháp phòng chống; Hoặc trong quá trình thi công sân trường đã cắt bỏ những rễ cái khiến cây có nguy cơ đổ; Hay di chuyển cây từ vị trí này sang vị trí khác đã cắt bỏ dễ chính của cây, khi trồng xuống không đủ diện tích đất để cây phát triển; trong quá trình trông nom, chăm sóc, quản lý không phát hiện ra những hiện tượng sâu đục, mục ruỗng có thể đổ hoặc phát hiện nhưng không có giải pháp khắc phục...

Trong trường hợp phát hiện có căn cứ xác định người quản lý cây này có lỗi trong việc phát hiện, xử lý những tình huống có thể gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của người khác thì người có lỗi sẽ bị xem xét trách nhiệm hình sự về tội vô ý làm chết người, tội vi phạm quy định an toàn nơi đông người hoặc tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng... tùy thuộc vào yếu tố lỗi, chức năng nhiệm vụ thẩm quyền của người vi phạm.

“Vấn đề này cơ quan điều tra sẽ phải làm rõ, nếu có lỗi, dù lỗi vô ý gây ra hậu quả nghiêm trọng là chết người thì người có lỗi phải chịu trách nhiệm hình sự: - luật sư Cường nói.

leftcenterrightdel
 Luật sư Đặng Văn Cường.

Luật sư Đặng Văn Cường cho biết thêm, pháp luật quy định chủ sở hữu cây xanh có trách nhiệm chăm sóc, quản lý cây xanh, trong trường hợp gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe, tài sản cho người khác thì phải bồi thường thiệt hại theo quy định pháp luật.

Cụ thể, khoản 3, Điều 11 Nghị định 64/2010/NĐ-CP, của Chính phủ quy định: Cây xanh phải được định kỳ chăm sóc, kiểm tra và xác định tình trạng phát triển để có biện pháp theo dõi, bảo vệ và xử lý kịp thời các tác động ảnh hưởng đến sự phát triển của cây.

Khi đó, việc chăm sóc, cắt tỉa cây phải tuân theo thủ tục, quy trình kỹ thuật đồng thời phải bảo đảm an toàn cho người, phương tiện và công trình.

Điều 604 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định: Chủ sở hữu, người chiếm hữu, người được giao quản lý phải bồi thường thiệt hại do cây cối gây ra. Bởi vậy, nếu có thiệt hại về người, tài sản... cho người, tài sản khi cây cối đổ, gãy và gây ra thì cá nhân, đơn vị chủ sở hữu, chiếm hữu, được giao chăm sóc cây xanh phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại theo quy định pháp luật.

Những thiệt hại đối với tài sản là giá trị tài sản bị hư hỏng. Thiệt hại đối với sức khỏe là tiền chi phí cứu chữa, tiền công người chăm sóc, tiền tổn thất về tinh thần. Đối với nạn nhân thiệt mạng thì thiệt hại là tiền chi phí cứu chữa trước khi chết, tiền chi phí mai táng theo phong tục địa phương và một khoản tiền tổn thất về tinh thần cho những người thân của nạn nhân...

Trong trường hợp cây phượng đổ nêu trên thì nhà trường phải có trách nhiệm bồi thường toàn bộ thiệt hại cho các em học sinh bị thương tích và thiệt mạng theo các quy định pháp luật.

Nhà trường chỉ không phải bồi thường thiệt hại cho các nạn nhân và gia đình nạn nhân nếu việc cây đổ là sự kiện bất khả kháng hoặc do lỗi hoàn toàn của các em học sinh. Vấn đề này được quy định tại điều 584 Bộ luật Dân sự năm 2015.

Bởi vậy, trong quá trình xác minh làm rõ nguyên nhân vụ việc, cơ quan điều tra sẽ kết luận sự việc có phải là bất khả kháng hay không. Nếu là bất khả kháng thì sẽ loại trừ trách nhiệm hình sự và trách nhiệm bồi thường thiệt hại. Còn trường hợp không phải là bất khả kháng không phải là “sự biến” nằm ngoài ý chí chủ quan của con người mà là do hành vi thiếu trách nhiệm, có lỗi của người quản lý thì sẽ xem xét trách nhiệm hình sự và bồi thường thiệt hại theo quy định pháp luật.

Trưởng văn phòng Luật sư Chính Pháp nhận định, đây là thiệt hại rất lớn và gây hoang mang lo lắng cho nhiều bậc phụ huynh cũng như cán bộ nhà trường khi mà các em phải học cả thời điểm những tháng hè, trong mùa mưa bão. Trong khi đó việc trồng cây xanh, bảo quản cây xanh ở nhiều nơi còn qua loa, hình thức và nhiều sai sót.

Hằng năm những vụ cây độ gây thiệt hại đến người và tài sản vẫn xảy ra rất nhiều. Bởi vậy qua sự việc này công ty quản lý cây xanh cũng như các cơ quan, đơn vị có cây xanh đặc biệt là những cây cổ thụ cần phải hết sức cảnh giác, cần kiểm tra, ra soát và có những hình thức xử lý trước mùa mưa bão để đảm bảo an toàn cho con người và tài sản, tránh những vụ việc tai nạn đau lòng như vụ này xảy ra.

Lưu Ly