Dâm ô đối với trẻ em là hành vi của người đã thành niên dùng mọi thủ đoạn có tính chất dâm dục đối với người dưới 16 tuổi nhằm thỏa mãn dục vọng của mình nhưng không có ý định giao cấu với nạn nhân
Đối với người phạm tội: Chủ thể của tội phạm này có thể là nam hoặc nữ, nhưng chủ yếu là nam và là người từ đủ 18 tuổi trở lên.
Hành vi dâm ô được thể hiện đa dạng như: Sờ mó, hôn hít bộ phận sinh dục của nạn nhân; dùng bộ phận sinh dục của mình chà xát với bộ phận sinh dục của nạn nhân hoặc bắt nạn nhân sờ mó, hôn hít bộ phận sinh dục của mình nhằm thỏa mãn dục vọng, nhưng không có ý định giao cấu với nạn nhân. Nếu có ý định giao cấu với nạn nhân nhưng không giao cấu được thì không phải là hành vi dâm ô mà tùy từng trường hợp cụ thể mà người phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội hiếp dâm trẻ em, tội cưỡng dâm trẻ em hoặc tội giao cấu với trẻ em.
Đối với người bị hại: Người bị hại phải là người dưới 16 tuổi, có thể là nữ hoặc nam, nhưng chủ yếu là trẻ em nữ. Nạn nhân có thể bị người phạm tội cưỡng ép buộc phải thực hiện hành vi dâm ô, nhưng cũng có thể đồng tình với người phạm tội để người phạm tội thực hiện hành vi dâm ô hoặc tự nguyện thực hiện hành vi dâm ô với người phạm tội...
Các yếu tố cấu thành tội dâm ô đối với trẻ em:
Mặt khách quan:
Mặt khách quan của tội này được thể hiện qua các dấu hiệu sau đây:
a) Có hành vi kích dục đối với trẻ em như sờ, bóp, hoặc dùng các bộ phận nhạy cảm về tình dục (như dương vật) cọ sát vào cơ thể hoặc bộ phận sinh dục của trẻ em.
b) Có hành vi buộc trẻ em sờ, bóp, cọ xát... vào những bộ phận kích thích tính dục hoặc bộ phận sinh dục của người phạm tội hoặc của người khác.
Cần lưu ý: Các hành vi nêu trên đều chưa và không có mục đích giao cấu với trẻ em.
Mặt khách thể:
Hành vi nêu trên đã xâm phạm đến quyền được bảo vệ về thân thể, nhân phẩm, danh dự và sự phát triển bình thường về tâm sinh lý của trẻ em.
Mặt chủ quan:
Người phạm tội thực hiện tội phạm với lỗi cố ý.
Mặt chủ thể:
Chủ thể của tội dâm ô đối với trẻ em là bất kỳ người nào đã thành niên và có năng lực trách nhiệm hình sự.
Về hình phạt:
Mức hình phạt của tội phạm này được chia làm ba khung, cụ thể như sau:
a) Khung một (khoản 1): Có mức phạt tù từ sáu tháng đến ba năm. Được áp dụng đối với trường hợp tội phạm có đủ yếu tố cấu thành cơ bản của tội này nêu ở mặt khách quan và chủ quan.
b) Khung hai (khoản 2): Có mức phạt tù từ ba năm đến bảy năm. Được áp dụng đối với một trong các trường hợp phạm tội sau đây:
- Phạm tội nhiều lần: Được hiểu là phải có từ hai lần trở lên phạm tội dâm ô với trẻ em. Mỗi lần phạm tội có đầy đủ các yếu tố cấu thành tội dâm ô. Đồng thời các lần phạm tội đó chưa lần nào bị truy cứu trách nhiệm hình sự và còn trong thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự. Cũng được coi là phạm tội nhiều lần nếu một người dâm ô từ hai lần trở lên đối với một trẻ em.
- Đối với nhiều trẻ em: Được hiểu là trong một lần phạm tội, người phạm tội đã có hành vi dâm ô với hai trẻ em trở lên.
- Đối với trẻ em mà người phạm tội có trách nhiệm chăm sóc, giáo dục, chữa bệnh (như giáo viên đối với học sinh, bác sĩ đối với bệnh nhân là trẻ em...).
- Gây hậu quả nghiêm trọng: Được hiểu là từ việc dâm ô với trẻ em đã làm phát sinh những hậu quả nghiêm trọng khác đối với trẻ em (như do hành vi dâm ô của người phạm tội mà trẻ em đó đã phạm tội hiếp dâm, để thỏa mãn tính dục hoặc gây ra sự sa đọa, dâm dục, bỏ bê việc học hành và ảnh hưởng đến sự phát triển bình thường đối với nhiều học sinh là trẻ em...).
Tái phạm nguy hiểm:
c) Khung ba (khoản 3): Có mức phạt tù từ bảy năm đến mười hai năm. Được áp dụng đối với các trường hợp phạm tội gây ra hậu quả rất nghiêm trọng (giống như trường hợp gây hậu quả nghiêm trọng nêu ở trên nhưng mức độ, phạm vi hậu quả rất lớn so với hậu quả nghiêm trọng như gây bất bình, căm phẫn của quần chúng ở một vùng nhất định) hoặc đặc biệt nghiêm trọng (như hậu quả gây ra làm hàng loạt trẻ em bị hư hỏng dẫn đến dư luận của cả nước bất bình căm phẫn ... ).
Hình phạt bổ sung (khoản 4):
Ngoài việc bị áp dụng một trong các hình phạt chính nêu trên, tùy từng trường hợp cụ thể người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.