Từ đó góp phần giảm áp lực về nguồn cung cho hệ thống, đảm bảo cung cấp điện và góp phần bảo vệ môi trường, tiết kiệm chi phí cho gia đình, doanh nghiệp.
Đa dạng giải pháp khuyến khích sử dụng điện mặt trời mái nhà
Huyện Côn Đảo (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) là một trong những địa phương chưa được sử dụng điện lưới quốc gia. Vì vậy, từ năm 2017, toàn bộ phần mái trụ sở Điện lực Côn Đảo đã được lắp đặt hệ thống điện mặt trời mái nhà với công suất khoảng 100kWp. Ông Đoàn Văn Tranh - Giám đốc Điện lực Côn Đảo cho biết: “Tổng công suất sử dụng điện mặt trời của tòa nhà chưa tới 50%, sản lượng điện dư thừa được hòa vào điện lưới điện Côn Đảo”. Hệ thống điện mặt trời mái nhà trên đã mở ra hướng cấp điện cho các huyện đảo, xã đảo xa đất liền, khi lưới điện quốc gia chưa thể “vươn” tới.
Huyện Côn Đảo là một trong những địa phương đã thu được lợi ích thiết thực từ việc sử dụng điện mặt trời mái nhà. Theo đánh giá của các chuyên gia, các tỉnh thành khu vực phía Nam có số giờ nắng trung bình hàng năm khá cao, khoảng 2.000 - 2.600 giờ/năm, có tiềm năng rất lớn về phát triển điện mặt trời. Trong đó, điện mặt trời mái nhà được coi là nguồn điện phù hợp vì lắp đặt nhanh, không tốn đất, không tốn chi phí truyền tải, lại tiết kiệm điện trực tiếp cho các hộ gia đình và doanh nghiệp sử dụng.
|
|
EVNSPC hỗ trợ lắp đặt miễn phí công tơ hai chiều đo đếm điện năng cho hộ dân/doanh nghiệp ký hợp đồng mua hệ thống điện mặt trời. |
Hệ thống điện mặt trời trên mái nhà gồm các tấm pin nhận năng lượng từ ánh sáng mặt trời và chuyển hóa thành năng lượng điện. Vào ban đêm, không có năng lượng mặt trời, các thiết bị điện trong nhà sử dụng điện lưới. Sáng sớm hoặc chiều tối, năng lượng mặt trời yếu, thiết bị điện sử dụng một phần điện năng lượng mặt trời và một phần điện lưới. Khi mức năng lượng mặt trời đạt đỉnh, hệ thống sẽ phát công suất tối đa. Nếu các thiết bị điện sử dụng không hết, phần điện dư phát lên lưới điện và được ghi nhận bằng công tơ đo đếm hai chiều để bán lại cho ngành điện.
Thực hiện tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ từ Quyết định 11/2017/QĐ-TTg về cơ chế khuyến khích phá triển dự án điện mặt trời tại Việt Nam, thời gian qua, EVNSPC đã triển khai nhiều giải pháp để đẩy mạnh phát triển điện mặt trời áp mái cho các khách hàng sử dụng điện.
Ông Nguyễn Phước Đức - Tổng Giám đốc EVNSPC cho biết, EVNSPC hiện có trên 8,3 triệu hộ sử dụng điện sinh hoạt, là tiềm năng lớn phát triển điện mặt trời áp mái. Thực hiện chủ trương của Thủ tướng Chính phủ, đến nay, EVNSPC đã tập trung mọi nguồn lực, từ nhân sự đến thủ tục hành chính nhằm khuyến khích dạng điện năng này.
Xác định nhiệm vụ quan trọng là làm sao cho các hộ gia đình hiểu rằng chính sách của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương và các giải pháp của ngành điện là đúng đắn trong bối cảnh các nguồn điện truyền thống dần cạn kiệt, tình trạng biến đổi khí hậu đang dần ảnh hưởng mạnh đến đời sống và việc tận dụng các nguồn năng lượng tái tạo mà nước ta có tiềm năng lớn để phát điện là đúng đắn, EVNSPC đã thực hiện nhiều giải pháp như nghiên cứu quy trình thủ tục để làm sao đơn giản, dễ hiểu và tiết kiệm tối đa thời gian cho khách hàng.
Bên cạnh đó, hỗ trợ một phần kinh phí cho khách hàng tham gia lắp đặt điện mặt trời mái nhà nhằm kích cầu, đẩy nhanh quá trình lắp đặt và sử dụng hệ thống. Ngoài ra, đào tạo đội ngũ tư vấn kỹ thuật, tư vấn viên để sẵn sàng tư vấn cho khách hàng khi có nhu cầu. Đặc biệt kết nối nhà sản xuất thiết bị điện mái nhà và khách hàng để việc thực hiện dự án đạt hiệu quả hơn, giúp nhà sản xuất gặp được gặp khách hàng, khách hàng tìm hiểu được những công nghệ an toàn, chính hãng để có lựa chọn tốt nhất cho mình.
|
|
Doanh nghiệp tham gia giới thiệu hệ thống ĐMTMN năm 2019 do EVNSPC tổ chức ở Tây Ninh. |
Các Công ty Điện lực cũng sẵn sàng lắp đặt (miễn phí) công-tơ hai chiều đo đếm điện năng, ký kết hợp đồng mua lượng điện dư từ hệ thống điện mặt trời mái nhà của hộ dân/doanh nghiệp phát lên lưới điện; thực hiện (miễn phí) các hồ sơ liên quan việc đấu nối vào lưới điện, ghi chỉ số, thanh toán tiền điện mặt trời mái nhà đến khách hàng hàng tháng.
“Không dừng lại ở đó, EVNSPC còn tham gia tích cực vào quá trình sau lắp đặt bằng cách hỗ trợ khách hàng sửa chữa hoặc báo nhà sản xuất để kịp thời khắc phục các sự cố xảy ra trên thiết bị, giúp khách hàng yên tâm khi sử dụng” - ông Nguyễn Phước Đức nhấn mạnh.
Ngoài đối tượng là hộ gia đình, một lượng khách hàng lớn của EVNSPC là các doanh nghiệp sản xuất tại các khu công nghiệp. Với đối tượng này, EVNSPC phối hợp với ban quản lý các khu công nghiệp để tuyên truyền cho doanh nghiệp thấy được các lợi ích của việc sử dụng điện mặt trời mái nhà, từ đó lắp đặt và sử dụng.
Các giải pháp đồng bộ, quyết liệt đã mang lại lợi ích thiết thực khi đến thời điểm này, đã phát triển được 14.300 khách hàng, tổng công suất lắp đặt đạt trên 310 MWp. Đến nay, khách hàng của Tổng công ty đạt 61%, công suất đạt 50% cả nước. Từ một khái niệm còn mơ hồ, đến nay, điện mặt trời đã trở nên quen thuộc trong đời sống người dân, mang lại lợi ích kép khi vừa giúp tiết kiệm tiền điện, bảo vệ môi trường, vừa giúp giảm áp lực lên lưới điện quốc gia.
Đến hết tháng 6/2020 Tổng công ty đã phát triển 6.535 khách hàng, tổng công suất tấm pin lắp đặt là190.470 kWp. Sản lượng khách hàng phát lên lưới tính đến ngày hết tháng 6/2020 là 126,59 triệu kWh. Đến tháng 6/2020 toàn Tổng công ty đã thanh toán tiền mua điện MTMN cho 4.159 khách hàng với sản lượng điện thanh toán là 86,97 triệu kWh tương ứng số tiền đã trả cho khách hàng là 195,65 tỷ đồng (Trong năm 2020 sản lượng thanh toán là 38,33 triệu kWh tương ứng số tiền đã trả cho khách hàng là 87,3 tỷ đồng).
Nhân rộng số lượng khách hàng
Thành công là vậy, song so với 8,3 triệu khách hàng của EVNSPC, con số 14.300 khách hàng sử dụng điện mặt trời mái nhà còn quá khiêm tốn. Do đó, EVNSPC sẽ tiếp tục tập trung khai thác hiệu quả các khách hàng có tiềm năng để nhân rộng số lượng khách hàng lắp điện mặt trời mái nhà bằng các giải pháp đồng bộ và lâu dài.
Theo đó, ông Nguyễn Phước Đức chia sẻ, giải pháp quan trọng là tập trung hơn nữa quy trình thủ tục sao cho khách hàng dễ tiếp cận, nắm bắt và tiết kiệm thời gian nhất có thể để lắp đặt điện mặt trời mái nhà. Bên cạnh đó, đối với các nhà sản xuất, hiện nay, công nghệ phát triển nên giá thành các thiết bị điện mặt trời áp mái cũng đã giảm, nhưng rào cản lớn nhất là người dân chưa nắm được chất lượng từng loại, nên khó khăn trong việc lựa chọn thiết bị để sử dụng.
Do đó, đối với các nhà đầu tư, cần có giải pháp tuyên truyền quảng bá để chung tay cam kết sản xuất và kinh doanh các sản phẩm đảm bảo chất lượng và tuổi thọ như cam kết. Ngoài ra, cần có một đơn vị độc lập để đánh giá chất lượng các thiết bị được bán cho người tiêu dùng, từ đó giúp người tiêu dùng mua được sản phẩm có chất lượng tốt nhất.
Ngoài ra, chính sách để hỗ trợ kịp thời giá điện cũng cần sớm ban hành theo Quyết định 13/2020/QĐ-TTg về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời tại Việt Nam. EVNSPC đang chờ có hướng dẫn để tiếp tục triển khai kịp thời, hiệu quả chủ trương phát triển điện mặt trời mái nhà/.