Liệu với việc thực hiện tái cơ cấu triệt để cả về tổ chức, quản lý và kinh doanh có giúp Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) “lấy lại những gì đã mất và trở thành người hùng số một” trên thị trường công nghệ, viễn thông như một thời?
Nhiều tồn tại
Mô hình lâu nay của VNPT còn rất nhiều tồn tại, cồng kềnh trong cả quản lý, cơ cấu tổ chức và kinh doanh (đối với mạng VinaPhone khi gắn chặt với VNPT tỉnh thành) và đây được coi là những nút thắt mà VNPT phải “gỡ bỏ” để thay đổi, phát triển.
Tổng giám đốc VNPT Trần Mạnh Hùng thừa nhận, với mô hình trước đây, VNPT bị chồng chéo rất nhiều nguồn lực. Khi phân công nhiệm vụ không rõ ràng thì về nguyên tắc tất cả mọi người đều chọn việc dễ làm, việc khó không làm, chính vì thế đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến VNPT trì trệ.
Mặt khác, lãnh đạo VNPT cho rằng, mô hình trước khi tái cơ cấu có quá nhiều đầu mối trung gian, mỗi khi “ông” nhân viên bán hàng khó khăn thì lại phải chạy lên “ông” trưởng phòng, rồi từ trưởng phòng lại lên “ông” trung tâm, từ trung tâm lại lên công ty, công ty lại lên tổng công ty… chạy lòng vòng một hồi mới xuống cấp đơn vị thực hiện. “Như thế thì rất khó mà cạnh tranh được,” Tổng giám đốc VNPT cho hay.
Một tồn tại nữa là tại chi nhánh VNPT ở mỗi tỉnh, thành phố, giám đốc thường đảm trách luôn cả về mặt kỹ thuật lẫn kinh doanh, vì thế khi bộ phận kinh doanh phía dưới trình các hoạt động chi phí cho kinh doanh, tiếp thị, biển hiệu… thì giám đốc chi nhánh thường chần chừ, không quyết đoán và tâm lý dồn đầu tư vào hạ tầng hơn là cho kinh doanh, tiếp thị.
Mạnh tay cải tổ
Mặc dù thừa nhận có những khó khăn nhất định sau khi đề án tái cơ cấu được Chính phủ phê duyệt, đặc biệt là việc tách MobiFone-đơn vị làm ăn hiệu quả nhất của VNPT ra khỏi tập đoàn, nhưng Tổng giám đốc VNPT Trần Mạnh Hùng lại cho rằng, đây chính là thời cơ để VNPT thay đổi triệt để. Và, ban lãnh đạo, Hội đồng thành viên VNPT cũng quyết tâm tái cơ cấu trên mọi phương diện, ở cả mô hình tổ chức, quản lý và kinh doanh.
Trước đó, ông Mai Liêm Trực, nguyên Thứ trưởng Bộ Bưu chính Viễn thông (nay là Bộ Thông tin và Truyền thông) và nguyên Tổng giám đốc VNPT từng cho rằng, việc tách MobiFone ra khỏi VNPT thì trong một vài năm trước mắt, VNPT sẽ có nhiều khó khăn về mặt tài chính. Tuy nhiên, về lâu dài thì nếu được tổ chức tốt, thì VNPT sẽ sớm vượt qua được những khó khăn và sẽ tốt dần lên.
Theo ông Hùng, với mô hình mới theo nội dung tái cơ cấu, VNPT sẽ phân bổ lại nguồn lực, không chồng chéo. Việc phân rõ trách nhiệm sẽ giúp năng suất lao động nâng cao.
Cụ thể, trong mô hình mới, VNPT sẽ tách bạch theo từng khối, từng lĩnh vực, trong đó gồm ba trụ cột là khối hạ tầng (VNPT - NET); khối kinh doanh (VNPT - VinaPhone, chuyên phụ trách kinh doanh, bán hàng) và khối VAS (VNPT - Media, phụ trách mảng giá trị gia tăng).
Việc phân bổ nguồn lực, tài lực như trên, theo ông Hùng là sẽ tiết kiệm chi phí hơn rất nhiều và quan trọng nhất của tái cơ cấu là mô hình tổ chức của VNPT sẽ trở nên nhanh, gọn, tránh việc xin cho, tránh qua nhiều cấp trung gian.
“Khi tách bạch kinh doanh riêng, hạ tầng riêng, và dịch vụ riêng, 'ông' nào chuyên 'ông' đấy, như thế mới chuyên sâu và hiệu quả được”, ông Trần Mạnh Hùng nói.
Mặt khác, theo ông, mô hình kinh doanh cũng thay đổi hoàn toàn, chỉ tập trung vào một đầu mối, trong đó chia thành nhiều các các trung tâm kinh doanh chuyên biệt.
Vị Tổng giám đốc VNPT cho biết, bước đi trước mắt của tập đoàn là sẽ đánh giá, xem xét xem VNPT yếu ở điểm gì, yếu ở khâu nào sẽ phải chỉnh lại, cơ cấu lại, từ hệ thống lại nguồn nhân lực, mạng lưới kinh doanh đến hạ tầng, chất lượng dịch vụ.
“Cơ hội trên thị trường viễn thông Việt Nam cho VNPT còn rất nhiều, đặc biệt là mảng dịch vụ công nghệ thông tin, vấn đề là mình có tổ chức được lực lượng, có làm được không thôi,” ông Trần Mạnh Hùng chốt lại./.
Theo Vietnam+