(BVPL) - Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) vừa có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả đánh giá công tác quản lý và hỗ trợ thay thế xe công nông và các loại xe tự chế thuộc diện bị đình chỉ tham gia giao thông. Để có các phương tiện thay thế các loại phương tiện trên, đáp ứng yêu cầu thực tế của xã hội, Bộ GTVT đã kiến nghị Chính phủ cho phép xây dựng các qui định, thủ tục kiểm định đối với xe mô tô ba bánh chở hàng và xe bốn bánh có gắn động cơ.

 


Để giải quyết nhu cầu thay thế các phương tiện bị cấm lưu hành, Bộ Tài chính cần có cơ chế hỗ trợ người dân thay thế các phương tiện bị đình chỉ tham gia giao thông bằng các phương tiện phù hợp và có cơ chế ưu đãi chuyển đổi phương tiện cho các hộ gia đình thương bệnh binh, người khuyết tật. Đối với Bộ Công thương, cần chỉ đạo các đơn vị sản xuất, lắp ráp ôtô, xe gắn máy nghiên cứu, sản xuất phương tiện thay thế hợp lý xe bị đình chỉ tham gia giao thông.

Để thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với các loại phương tiện, Bộ GTVT đề xuất cho phép đến thời điểm ngày 1/4/2014 sẽ hoàn thiện các qui định về kiểm tra an toàn kỹ thuật và môi trường để thực hiện thủ tục kiểm định đối với xe môtô ba bánh chở hàng, xe chở hàng 4 bánh có gắn động cơ. Bên cạnh đó, nghiên cứu, hướng dẫn việc đào tạo, sát hạch và cấp GPLX cho đối tượng sử dụng loại xe này.

Loay hoay tìm phương tiện thay thế

Theo Vụ Khoa học - Công nghệ (Bộ GTVT), từ năm 2009 đến nay, Chính phủ đã cho phép thí điểm lắp ráp xe 4 bánh có gắn động cơ ở dạng CKD, SKD. Sau thời gian thí điểm, cho thấy loại xe này tiết kiệm nhiên liệu, bảo dưỡng, sửa chữa thuận tiện và khá thuận tiện trong việc phục vụ vận tải tại các vùng nông thôn, nơi có đường nhỏ hẹp, ôtô không đi được. Đặc biệt, loại phương tiện này có giá thành đầu tư thấp (khoảng 60 triệu đồng) nên phù hợp với điều kiện của bà con nông dân. Tuy nhiên, trong quá trình sử dụng, một số chủ phương tiện đã tự ý cải tạo, thay đổi kích thước thùng xe, hệ thống truyền động và lốp xe nhằm tăng tải trọng hàng hóa theo thiết kế dẫn đến tốc độ lưu thông trên đường rất chậm gây ùn tắc và mất ATGT. Nhưng do chưa có qui định loại xe này phải kiểm định lưu hành và cấp sổ kiểm định nên cơ quan chức năng không có cơ sở để xử lý hành vi tự ý cải tạo phương tiện đối với chủ xe vi phạm.

Lý giải nguyên nhân này, một số chuyên gia cho rằng, do đây là một loại phương tiện “đặc biệt”, không phải là môtô cũng không phải là ôtô nên rất khó để kiểm định. Để kiểm định cần phải xây dựng một bộ tiêu chuẩn kỹ thuật riêng. Đến nay cũng chưa có văn bản pháp luật nào qui định về loại phương tiện này, trong khi để cho phép lưu hành thì lại liên quan đến rất nhiều lĩnh vực như: qui định kiểm soát, xử lý khi tham gia giao thông; thuế nhập khẩu; đào tạo, sát hạch, cấp GPLX… Vì vậy, cần rà soát toàn bộ những văn bản và kiểm tra những yếu tố kỹ thuật phù hợp để xây dựng một bộ qui chuẩn riêng cho loại xe này.

Về kiến nghị nghiên cứu bổ sung việc đào tạo, sát hạch, cấp GPLX cho người sử dụng loại phương tiện này, ông Nguyễn Văn Quyền, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết: “Vì đến nay chưa xác định và xếp loại xe bốn bánh tự hành là xe môtô hay ôtô nên cũng chưa thể xác định sẽ cấp GPLX như thế nào. Về nguyên tắc, đã là xe bốn bánh thì về mặt đào tạo, sát hạch phải từ hạng B trở lên. Tuy nhiên, xe tự hành bốn bánh lại được thiết kế trên cơ sở hệ thống máy móc, tải trọng là xe ba bánh. Mặc dù vậy, nhiều ý kiến cho rằng, nếu cấp GPLX theo diện xe ôtô thì sẽ tốn kém trong khi người sử dụng phương tiện này chủ yếu là nông dân, người có thu nhập thấp nên cấp GPLX hạng A3, A4 thì hợp lý hơn. Để quyết định việc này thì các cơ quan chức năng cần phải ngồi lại với nhau để thống nhất việc xếp loại phương tiện này vào loại nào và cần những phương pháp đào tạo, sát hạch như thế nào để bảo đảm được ATGT”.
 

Nhóm PV

.