(BVPL) - Là một trong những dự án lớn nhất của tỉnh Ninh Thuận về cả quy mô lẫn tổng mức đầu tư của tỉnh, thế nhưng đến nay Dự án Khu du lịch Bình Tiên do Công ty cổ phần Đầu tư và Du lịch Bình Tiên thực hiện phải thi công trong tình trạng cầm chừng vì  thiếu điện, khát nước. Đồng thời, đây là dự án được Chính phủ khuyến khích đầu tư, nhưng chủ đầu tư dự án vẫn chưa được bàn giao 100% diện tích mặt bằng đất. Người dân và doanh nghiệp ở đây đang ngóng Chính phủ và tỉnh Ninh Thuận cần khẩn cấp đầu tư hệ thống điện, nước cho khu vực này, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp đầu tư vào Ninh Thuận.
 
Dự án ưu đãi nhưng không có… nước
 
Sau khi được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư tháng 3/2005, tháng 8/2005, UBND tỉnh Ninh Thuận cấp phép đầu tư Dự án Khu du lịch Bình Tiên cho Công ty Cổ phần Đầu tư và Du lịch Bình Tiên (gọi tắt là Cty Bình Tiên), với tổng mức đầu tư hơn 550 tỷ đồng.Tháng 10/2009,UBND tỉnh Ninh Thuận phê duyệt điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án lên 2.579 tỷ đồng, nguồn vốn của chủ đầu tư và vốn vay. Đây là dự án nhóm A đầu tư vào vùng đặc biệt khó khăn với quy mô trên 190 ha đất, đầu tư các hạng mục như khách sạn tiêu chuẩn 5 sao sân golf 18 lỗ tiêu chuẩn quốc tế, bến du thuyền… Tuy nhiên, đến nay dự án không thể hoàn thành được vì thiếu nước và không có đủ điện, mặt bằng chưa được giao đầy đủ.
 
Phối Dự án du lịch Bình Tiên
Phối Dự án du lịch Bình Tiên
 
Theo thông báo số 720/TB-STNMT, ngày 8/3/2016 của Sở Tài Nguyên và Môi Trường tỉnh Ninh Thuận khẳng định: Cty Bình Tiên được hưởng mức ưu đãi cao nhất theo quy định của Chính phủ và các quy định cụ thể của UBND tỉnh Ninh Thuận. Ngày 26/12/2012 Chủ đầu tư đã được bàn giao mặt bằng giai đoạn một của dự án là 157,29 ha. Đối với giai đoạn hai của dự án gồm 33,09 ha đất Vườn quốc gia Núi Chúa có quyết định thu hồi từ ngày 21/4/2011, nhưng đến nay chủ đầu tư chưa  được bàn giao do chưa hoàn thành xong công tác bồi thường thiệt hại. Được biết, từ năm 2014 đến nay việc bồi thường do Trung tâm phát triển Quỹ đất tỉnh Ninh Thuận thực hiện. Mặc dù, doanh nghiệp chưa nhận được đủ 100% diện tích đất của dự án gồm 190,7 ha, nhưng ông Lê Ngọc Thạch – phó giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường tỉnh Ninh Thuận lại cho rằng Cty Bình Tiên đã vi phạm tiến độ sử dụng đất mà không quan tâm đến các yếu tố khách quan khác của dự án.
 
Theo ông Nguyễn Nam Linh, giám đốc điều hành Cty Bình Tiên cho biết: Dự án trên là dự án nhóm A và theo quy định của Luật Đầu tư, thì dự án được hưởng các ưu đãi  như được giao mặt bằng sạch (Nhà nước giải tỏa, đền bù), được cung cấp hệ thống kỹ thuật điện, nước, đường giao thông đến chân hàng rào dự án và các ưu đãi luật định khác. Tuy nhiên, suốt từ giai đoạn đầu đầu tư đến nay, biết được tỉnh Ninh Thuận còn nhiều khó khăn, nên Cty Bình Tiên luôn chủ động hỗ trợ ứng trước các khoản kinh phí cho tỉnh, từ công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, đến việc xây dựng tái định cư và di dân, đều được dự án thực hiện kịp thời. Đến nay Cty Bình Tiên đã chi phí và đầu tư vào đây gần 400 tỷ (trong đó đầu tư cho bà con thôn Bình Tiên tổng số tiền là: trên 70 tỷ đồng/ 64 hộ dân) rồi mà dự án của chúng tôi vẫn không có nước và điện đảm bảo.    
 
Bãi biển Bình Tiên, một trong những khu biển đẹp nhất cả nước
Bãi biển Bình Tiên, một trong những khu biển đẹp nhất cả nước
 
Để xử lý được bài toán đầu tư phát triển một dự án du lịch thành công tại Ninh Thuận, thì yếu tố giải quyết nguồn nước cấp cho du lịch là điều cốt tử. Bởi Ninh Thuận là vùng đất khô hạn nhất nước, do vậy muốn phát triển dự án thì yếu tố nguồn nước phải được ưu tiên và giải quyết đầu tiên. Chính vì vậy, ngay trong báo cáo quy hoạch của dự án, Cty Bình Tiên đã quy hoạch nguồn nước cấp cho dự án khu du lịch Bình Tiên được lấy từ nguồn nước ngọt suối Chà Là. Năm 2006, dự án đã xin chủ trương đầu tư nguồn nước ngọt suối Chà Là và được UBND tỉnh Ninh Thuận chấp thuận chủ trương cho phép doanh nghiệp được đầu tư, tự bỏ vốn xây dựng Dự án công trình khai thác nước ngọt suối Chà Là phục vụ cấp nước sinh hoạt cho thôn Bình Tiên và du lịch. Cty Bình Tiên đã đầu tư gần 3 tỷ đồng, mời các chuyên gia hàng đầu Việt Nam để nghiên cứu đánh giá nguồn nước bền vững cấp cho dự án và tư vấn lập dự án đầu tư công trình. Dự án đã hoàn thành hồ sơ thiết kế kỹ thuật, đã được Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn thẩm định, có ý kiến trình UBND tỉnh xem xét. 
 
Thế nhưng, năm 2010 cơ quan chức năng (EDO)  của Ninh Thuận có thông báo tạm dừng dự án khai thác nguồn nước ngọt suối Chà Là của Cty Bình Tiên và giao cho Cty Thành Trung đảm nhận lập dự án cấp nước cho các khu du lịch phía bắc tỉnh Ninh Thuận ( trong đó có dự án du lịch Bình Tiên). Ban đầu khi trình bày ý tưởng xin chủ trương, Cty Thành Trung đầu tư hệ thống cấp nước công suất 20.000m3/ngày đêm. Gần đây, Cty Thành Trung lại có thông báo sẽ chỉ xây dựng nhà máy cấp nước công suất 2.000m3/ngày đêm. 
 
Tuy nhiên, hơn 5 năm nay dự án cấp nước, giải hạn cho Bình Tiên của Cty Thành chưa có giọt nước nào. Gần đây, do những hành vi trái pháp luật đặc biệt nghiêm trọng trong quả lý kinh tế, hai lãnh đạo Cty Thành Trung là Chủ tịch HĐQT Tạ Bá Long và ông Hoàng Công Hợp – giám đốc Cty Thành Trung đã bị khởi tố, bắt tạm giam. Do vậy, dự án cấp nước của Cty Thành Trung tại Bình Tiên – Ninh Thuận chắc chắn sẽ là khu đất trống, không thực hiện được, nước vẫn tắc. 
 
Điện mờ mịt, dự án không lối thoát
 
Theo quy hoạch Tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Ninh Thuận được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 22/7/2011, thì khu vực phía Bắc tỉnh Ninh Thuận được quy hoạch phát triển các khu du lịch trọng điểm, trong đó có khu du lịch Bình Tiên. Tuy nhiên, hệ thống hạ tầng gồm điện, nước cho đến nay chưa được quy hoạch và xem xét đầu tư, nhằm tạo điều kiện và thúc đẩy các dự án phát triển.
 
Hiện tại, Dự án khu du lịch Bình Tiên và bà con thôn Bình Tiên đang sử dụng tạm thời đường điện 0,6KV do Điện lực Cam Ranh (Khánh Hòa) cấp. Đường điện này chỉ mang tính tạm thời đủ phục vụ cho 63 hộ dân và ban quản lý dự án. Do vậy, việc đầu tư một hệ thống điện cao thế 110KV/25KVA cho khu vực thôn Bình Tiên và các khu du lịch phía Bắc tỉnh Ninh Thuận nói chung theo đúng Quy hoạch phát triển tổng thể của tỉnh đến năm 2020, tầm nhìn 2030 là hết sức cần thiết và cấp bách.
 
Ông Nguyễn Nam Linh, đại diện Cty Bình Tiên cho biết: Nguồn nước và điện cấp cho dự án không được đảm bảo, gây bất an cho nhà đầu tư khi đầu tư hàng nghìn tỷ vào đây. Khu du lịch Bình Tiên khi đầu tư hoàn thành trên 2600 tỷ đồng mà nguồn điện, nước không được ổn định lâu dài, thì thiệt hại đối với dự án là vô cùng lớn, khoảng 700 tỷ/năm. Trong khi để phát triển du lịch, thì nguồn nước sinh hoạt và điện mang ý nghĩa sống còn và hết sức quan trọng tại vùng đất khô hạn nhất nước này. Ông Linh cũng cho biết: Để cùng tỉnh tháo gỡ khó khăn này, Cty Bình Tiên cũng đang đề nghị UBND tỉnh Ninh Thuận cho phép doanh nghiệp được tiếp tục đầu tư vào dự án cấp nước sạch mà doanh nghiệp đã nghiên cứu ở đây.
 
 Do vậy, để “giải cứu” cho các doanh nghiệp đầu tư vào Bình Tiên – Ninh Thuận, UBND tỉnh Ninh Thuận cần có giải pháp khẩn cấp đầu tư điện, nước vào địa bàn xã Công Hải. UBND tỉnh cũng cần tạo điều kiện thuận lợi, gia hạn đầu tư cho doanh nghiệp yên tâm đầu tư vào vùng đất khó khăn của Ninh Thuận. Không chỉ vậy, Chính phủ và UBND tỉnh Ninh Thuận cần có cơ chế ưu đãi tín dụng, thuế đặc thù cho các nhà đầu tư chân chính.  Có như thế cuộc sống của người dân nơi đây mới phát triển ổn định, diện mạo Bình Tiên mới được thay đổi. Bãi biển Bình Tiên sẽ  hút được hàng vạn du khách mỗi mùa, bởi đây là một trong những bãi biển đẹp nhất cả nước.
 
Nhóm PV
.