Hiệp định Đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) được bộ trưởng thương mại 12 quốc gia thành viên hoàn tất thỏa thuận vào ngày 5-10. Nếu được Quốc hội các nước thành viên thông qua, đây sẽ là thỏa thuận thương mại lớn nhất lịch sử, đem lại nhiều cơ hội lẫn thách thức cho các thành viên.
Với Việt Nam, giới doanh nghiệp đã ngóng chờ TPP từ lâu, rất nhiều doanh nghiệp đã có những bước chuẩn bị đáng kể cho sân chơi lớn này. Thỏa thuận TPP hoàn tất trước ngày doanh nhân Việt Nam (13-10) hơn 1 tuần, và có lẽ đây là ngày kỷ niệm đáng nhớ của nhiều doanh nhân khi đứng trước rất nhiều cơ hội lẫn những thách thức, lo âu.
Ông Nguyễn Văn Thứ, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH thực phẩm G.C (Khu công nghiệp Giang Điền, huyện Trảng Bom): Cần xây dựng thương hiệu quốc gia
Vào TPP, thị trường rộng, nhu cầu tiêu dùng tăng là cơ hội tốt nên doanh nghiệp rất hồ hởi đón nhận thông tin Việt Nam gia nhập TPP. Lợi thế của G.C và những doanh nghiệp trong ngành chế biến nông sản là có nguồn nguyên liệu trong nước. Nhưng ở đây, các nước không mở cửa cho hàng Việt Nam vô điều kiện mà có rào cản kỹ thuật với tiêu chuẩn cao về chất lượng, yêu cầu về lao động…
Đón đầu TPP, các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), nhất là của các nước Trung Quốc, Hàn Quốc không tham gia TPP đang đầu tư rất mạnh vào Việt Nam. Họ mang vốn, công nghệ, chuyên gia vào và tổ chức sản xuất rất nhanh để được hưởng ưu đãi từ TPP nên áp lực cạnh tranh là cực kỳ lớn. Để Việt Nam không trở thành công xưởng gia công của thế giới, Nhà nước cần hỗ trợ doanh nghiệp trong nước phát triển từ đầu tư cải tiến công nghệ sản xuất đến việc tiếp cận thị trường các nước. Ở đây, việc xây dựng được thương hiệu quốc gia có ý nghĩa đặc biệt quan trọng.
Ông Nguyễn Quang Vũ, Tổng giám đốc Công ty TNHH Nam Bình (huyện Vĩnh Cửu): Tìm cơ hội ngay trên sân nhà
Về tổng quan, doanh nghiệp trong ngành giày da, may mặc có nhiều thuận lợi hơn so với những ngành khác khi gia nhập TPP. Tuy nhiên, “miếng bánh ngon” này hiện vẫn chủ yếu thuộc về khối doanh nghiệp FDI với quy mô sản xuất và thị trường lớn. Doanh nghiệp trong nước chủ yếu vẫn gia công chứ chưa vào chuỗi từ khâu nguyên liệu, sản xuất, thị trường để được hưởng lợi lớn như các doanh nghiệp FDI.
Khó khăn lớn nhất hiện nay là công nghiệp phụ trợ của Việt Nam còn quá yếu, nên doanh nghiệp nội gặp khó khăn trong nguyên liệu đầu vào vì không được nhập khẩu từ Trung Quốc, Đài Loan như trước. Việt Nam cũng còn yếu về logistics, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, tổ chức thị trường... Tuy nhiên, chúng tôi cũng đã chuẩn bị sẵn sàng để đón cơ hội khi TPP đi vào thực tế. Từ năm 2008, chúng tôi đã đưa vào dây chuyền sản xuất mới với quy mô sản xuất được mở rộng. Prowin đã đăng ký độc quyền về nhãn hiệu ở hơn 10 nước khác nhau và bắt đầu có sản phẩm bán tại một số nước. Tuy vậy, doanh nghiệp vẫn xác định nội địa vẫn là thị trường chính cần tập trung, thị trường Việt Nam cũng chính là thị trường thế giới và doanh nghiệp nội có lợi thế sân nhà để cạnh tranh. Đặc biệt, chương trình người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam rất hiệu quả, tạo ý thức chuộng hàng Việt của người tiêu dùng trong nước.
Mặt khác, tôi nghĩ TPP được ký kết cũng chưa tác động ngay đến thị trường nội địa, vì từ lâu các thương hiệu lớn giày da thế giới đã có mặt tại Việt Nam nhưng họ chỉ mới tập trung ở phân khúc nhỏ là thị trường cao cấp.
Ông Akira Motomiya, Tổng giám đốc Công ty TNHH sản phẩm máy tính Việt Nam: Mở rộng thị trường
Công ty TNHH sản phẩm máy tính Việt Nam chuyên thiết kế, sản xuất và lắp ráp linh kiện điện tử. Sản phẩm bảng mạch in điện tử của công ty có mặt ở hầu hết các sản phẩm điện tử dân dụng, như: điện thoại di động, máy tính bảng, camera, laptop, máy tính để bàn…
Hàng hóa của công ty hầu hết là xuất khẩu sang nhiều thị trường trên thế giới. Gần đây, Việt Nam ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do, khi tới đây TPP chính thức có hiệu lực và Cộng đồng kinh tế ASEAN hình thành sẽ là cơ hội tốt để công ty tăng lượng hàng xuất khẩu và mở rộng thị trường vào những quốc gia trên. Mới đây, công ty đã hợp tác với Tập đoàn Mitani Sangyo (Nhật Bản) đưa ra thị trường thêm một số sản phẩm mới.
Ông Phạm Minh Đạo, Giám đốc Sở Nông nghiệp - phát triển nông thôn: Làm sản phẩm theo “lệnh” của thị trường
Điều đầu tiên khi ngành nông nghiệp vào hội nhập là cần phải thay đổi tư duy sản xuất. Cụ thể, gần đây nhất là sự kiện Nhật Bản mở cửa cho trái xoài Việt Nam, nhưng họ chỉ chọn xoài Cát Chu trong khi diện tích giống này ở Đồng Nai rất ít. Ở đây phải nghĩ đến việc sản xuất theo nhu cầu thị trường. Mặt khác, nếu vẫn giữ nếp sản xuất phân tán, nhỏ lẻ như hiện nay sẽ khó ứng dụng công nghệ, đưa cơ giới hóa vào sản xuất thì sản phẩm không đồng nhất, giá thành cũng không đủ sức cạnh tranh. Vì vậy cần tổ chức lại khâu sản xuất theo quy mô lớn, đảm bảo chất lượng, nhất là vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm.
Đồng Nai đã có quy hoạch sản xuất nông nghiệp với hàng loạt chương trình, như: xây dựng vùng chuyên canh; làm cánh đồng lớn theo chuỗi liên kết... Vấn đề hiện nay là triển khai nó vào thực tế, trong đó thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, tham gia chuỗi liên kết với nông dân để nông sản có đầu ra bền vững được tỉnh đặc biệt quan tâm. Riêng với chăn nuôi, hiện giá thành của Việt Nam còn cao có nguyên nhân nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi phụ thuộc vào nhập khẩu quá lớn. Vì vậy, xây dựng liên kết chuỗi trong chăn nuôi phải tính đến việc chủ động tự sản xuất được nguồn nguyên liệu này.
Chúng ta vẫn nói “thương trường như chiến trường”, phải “biết địch, biết ta”. Hiện cả doanh nghiệp và nông dân đang còn mù mờ cả thông tin về doanh nghiệp ngoại lẫn lợi thế cạnh tranh của mình nên còn rất nhiều thứ phải làm khi hội nhập. Tôi nghĩ, giai đoạn đầu vào TPP có thể có nhiều khó khăn, nhưng tôi tin khi vào thực tiễn, doanh nghiệp, nông dân sẽ biết cần phải làm gì.
Ông Nguyễn Văn Hoàng, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Đồng Tiến (TP.Biên Hòa): Chúng tôi háo hức chờ cơ hội mới
Thời gian qua, Đồng Tiến liên tục đầu tư xây dựng thêm nhà xưởng, mở rộng sản xuất để tăng sản lượng phục vụ cho xuất khẩu. Hoa Kỳ là một trong những thị trường xuất khẩu lớn của công ty nên việc Việt Nam đàm phán xong TPP là tin vui lớn. Khi TPP có hiệu lực, thuế suất nhập khẩu vào Hoa Kỳ sẽ giảm về 0% giúp hàng may mặc của công ty cũng như các doanh nghiệp Việt tăng khả năng cạnh tranh so với hàng hóa của những nước không tham gia TPP. Bên cạnh đó, đây còn là cơ hội lớn cho ngành dệt may mở rộng thị trường xuất khẩu sang các nước cùng tham gia TPP.
Tôi cho rằng, TPP không chỉ mang lại lợi thế cho hàng xuất khẩu mà các doanh nghiệp còn có cơ hội nhập khẩu nguyên liệu sản xuất, máy móc từ các nước tham gia TPP. Hơn một năm nay, các đơn hàng lớn từ nước ngoài có xu hướng dịch chuyển dần về Việt Nam để đón đầu các hiệp định thương mại tự do và TPP. Cùng với các đơn hàng lớn dịch chuyển về Việt Nam, trong đó có Đồng Nai thì các doanh nghiệp nước ngoài đến Việt Nam đầu tư vào công nghiệp hỗ trợ ngày càng đông nhằm cung ứng nguồn nguyên liệu cho các doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu. Đây là thuận lợi lớn cho doanh nghiệp Đồng Nai tăng tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm, giảm nhập khẩu, dễ dàng đáp ứng các yêu cầu về quy định xuất xứ hàng hóa để hưởng các ưu đãi về thuế.
Theo Báo Đồng Nai