Tham dự buổi làm việc có Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Đào Việt Ánh; lãnh đạo các đơn vị trực thuộc liên quan.Tại buổi làm việc, lãnh đạo Trung tâm CNTT đã báo cáo tóm tắt kết quả, tiến độ thực hiện một số nhiệm vụ chính trong triển khai Đề án 06 của Chính phủ đến thời điểm hiện tại.
Theo đó, với nhiệm vụ kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa Cơ sở dữ liệu (CSDL) quốc gia về dân cư với CSDL quốc gia về bảo hiểm; Triển khai kỹ thuật đảm bảo từng bước sử dụng thẻ Căn cước công dân (CCCD), ứng dụng Định danh điện tử quốc gia (VNEID) thay thế thẻ BHYT giấy để khám bệnh, chữa bệnh BHYT: Tính đến 12/9/2022, hệ thống của BHXH Việt Nam đã xác thực 50.545.888 thông tin nhân khẩu có trong CSDL quốc gia về bảo hiểm với CSDL quốc gia về dân cư. Đồng thời, BHXH Việt Nam cũng đã cung cấp, chia sẻ trên 60.317.337 lượt bản ghi thông tin BHXH, BHYT cho CSDL quốc gia về dân cư phục vụ triển khai ứng dụng. Đến thời điểm này, toàn quốc cũng đã có 11.190 cơ sở khám chữa bệnh (KCB) BHYT thực hiện tra cứu thông tin thẻ BHYT bằng CCCD phục vụ KCB BHYT (chiếm khoảng 88% tổng số cơ sở KCB BHYT trên toàn quốc) với 1.797.501 lượt tra cứu.
|
|
Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh chủ trì buổi làm việc |
Triển khai tích hợp, cung cấp dịch vụ công (DVC) trực tuyến trên Cổng DVC Quốc gia
BHXH Việt Nam hiện đã cung cấp thành công DVC Gia hạn thẻ BHYT theo hộ gia đình có giảm trừ mức đóng trên Cổng DVC BHXH Việt Nam, tích hợp trên Cổng DVC quốc gia. Tính đến ngày 12/9/2022, đã có 119 lượt gia hạn thẻ BHYT theo hộ gia đình có giảm trừ mức đóng được hệ thống của BHXH Việt Nam tiếp nhận và giải quyết. Với DVC liên thông đăng ký khai sinh - đăng ký thường trú - cấp thẻ BHYT cho trẻ dưới 6 tuổi; Liên thông đăng ký khai tử - Xóa đăng ký thường trú - Trợ cấp mai táng phí, BHXH Việt Nam đang tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các đơn vị để tham gia hoàn thiện quy trình, hoàn thiện tài liệu kỹ thuật xây dựng phần mềm liên thông. Với DVC Giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp, tính đến 12/9/2022, BHXH Việt Nam đã tiếp nhận từ Cổng DVC quốc gia để xác nhận và trả quá trình đóng BHTN cho 20.035 trường hợp phục vụ giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp cho người lao động.
Triển khai ứng dụng công nghệ xác thực sinh trắc dự trên thông tin sinh trắc được tích hợp trên CCCD gắn chíp và trên dữ liệu cảu CSDL quốc gia về dân cư:
BHXH Việt Nam đang phối hợp với Bộ Công an triển khai các công nghệ xác thực sinh trắc dựa trên thông tin sinh trắc được tích hợp trên CCCD gắn chíp và trên dữ liệu của CSDL Quốc gia về dân cư để hạn chế và ngăn chặn trục lợi khi đóng, hưởng các chế độ BHXH, BHYT, BHTN.
Lãnh đạo Trung tâm CNTT cũng báo cáo về việc triển khai Quyết định số 422/QĐ-TTg ngày 04/4/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Danh mục DVC trực tuyến tích hợp, cung cấp trên Cổng DVC quốc gia năm 2022; cùng việc phối hợp triển khai Sổ sức khoẻ điện tử. Tất cả các công việc đều được BHXH Việt Nam triển khai khẩn trương, quyết liệt, đảm bảo thời hạn.
Thí điểm triển khai hệ thống đặt lịch trực tuyến hỗ trợ cá nhân, tổ chức đến làm việc tại cơ quan BHXH
Về việc này, lãnh đạo Trung tâm CNTT cho biết, sẽ mở tính năng này trên ứng dụng di động VssID-BHXH số, trên Cổng DVC của BHXH Việt Nam và Tổng đài 19009068. Các cá nhân, tổ chức có thể sử dụng tài khoản giao dịch điện tử để đăng nhập đặt yêu cầu, hoặc khai báo một số thông tin để đặt lịch làm việc.
Tại buổi làm việc, ông Dương Tuấn Đức - Giám đốc Trung tâm Giám định BHYT và Thanh toán đa tuyến đã trình bày về việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong công tác giám định BHYT với sự cần thiết, xu hướng và kinh nghiệm quốc tế. Theo ông Đức, triển khai ứng dụng này, BHXH Việt Nam có lợi thế về nguồn dữ liệu lớn luôn được cập nhật, bổ sung, nhất là trong công tác giám định BHYT với trên 15 tỷ bản ghi của hơn 1 tỷ lượt khám chữa bệnh những năm qua. Từ nguồn dữ liệu này, hệ thống CNTT có thể phân loại, tạo ra các giáo trình để AI học tập, hệ thống, phân tích từ đó góp phần hỗ trợ đắc lực cho công tác quản lý, cảnh báo rủi ro, lạm dụng trong công tác giám định BHYT của Ngành.
Tại buổi làm việc, lãnh đạo các đơn vị liên quan đã phát biểu cho ý kiến về từng nhiệm vụ, nội dung công việc cho thấy sự nỗ lực rất lớn trong triển khai Đề án 06, cơ bản hoàn thành yêu cầu, tiến độ được giao. Việc triển khai ứng dụng công nghệ xác thực sinh trắc dự trên thông tin sinh trắc được tích hợp trên CCCD gắn chíp và trên dữ liệu cảu CSDL quốc gia về dân cư được đánh giá có nhiều lợi ích lớn khi áp dụng và hệ thống “Một cửa” và xử lý văn bản, công vụ của Ngành.
Việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong công tác giám định BHYT, các ý kiến đánh giá cáo về mặt ý tướng, có tính thực tiễn và có thể triển khai. Tuy nhiên cần thận trọng nghiên cứu, học hỏi kinh nghiệm quốc tế, làm thí điểm.
Kết luận buổi làm việc, Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh đánh giá cao các kết quả đạt trong thực hiện Đề án 06 của các đơn vị trực thuộc; đồng thời yêu cầu, tiếp tục nỗ lực, cố gắng hoàn thành các nhiệm vụ được giao, phấn đấu hết năm 2022, kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa CSDL quốc gia về bảo hiểm với CSDL quốc gia về dân cư đạt tối thiểu 95%.
Trong triển khai AI vào công tác giám định BHYT, Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh đánh giá đây là vấn đề mới với không chỉ trong nước mà còn cả quốc tế. Tuy nhiên, cần nghiên túc nghiên cứu, tìm hiểu để triển khai, nếu không muốn tụt hậu trong tương lai. Trước mắt cần tăng cường học hỏi kinh nghiệm quốc tế, chuyên gia trong lĩnh vực này; đánh giá tính khả thi và thực hiện thí điểm ở quy mô nhỏ.
Đánh giá việc triển khai ứng dụng công nghệ xác thực sinh trắc dự trên thông tin sinh trắc được tích hợp trên CCCD gắn chíp và trên dữ liệu của CSDL quốc gia về dân cư có nhiều lợi ích lớn khi áp dụng và hệ thống “Một cửa” và xử lý văn bản, công vụ của Ngành, vì vậy, Tổng Giám đốc yêu cầu, thời gian tới cần nhanh chóng triển khai.
Về thí điểm triển khai hệ thống đặt lịch trực tuyến hỗ trợ cá nhân, tổ chức đến làm việc tại cơ quan BHXH, Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh yêu cầu triển khai ngay vì các hệ thống, nền tảng ứng dụng CNTT của Ngành đã đáp ứng được yêu cầu này. Trước mắt, sẽ triển khai thí điểm tại 4 địa phương lớn là: Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai./.