|
|
Thủ tướng cho rằng, vụ AVG đã làm mất nhiều cán bộ |
Thủ tướng cũng nhìn nhận, thứ hạng Việt Nam về các lĩnh vực của Bộ còn thấp, thậm chí có xu thế tụt hạng. ICT đáng lẽ là lĩnh vực đầu tầu cả thì tốc độ tăng trưởng những năm gần đây chậm lại nhiều. Lĩnh vực ICT vẫn chưa đi đầu về công nghệ, về cách mạng 4.0.
Vai trò của một số Sở TT&TT còn mờ nhạt, chưa đóng góp nhiều cho địa phương. Nhân Hội nghị, Thủ tướng nêu rõ hiện nay chưa có chủ trương sáp nhập Sở TT&TT vào bất cứ Sở nào.
Đặc biệt, Thủ tướng bày tỏ băn khoăn về việc mạng xã hội còn nhiều bất cập, chưa được quản lý tốt. Cùng với đó, chúng ta có 17.000 nhà báo nhưng chưa đồng tâm, hiệp lực phát triển đất nước.
Từ các phân tích nêu trên, Thủ tướng đã chỉ ra các định hướng, trả lời các kiến nghị của Bộ TT&TT trên từng lĩnh vực cụ thể.
Thủ tướng cũng đã đồng ý để Bộ nghiên cứu, báo cáo Chính phủ mô hình trung tâm hoặc tổ hợp báo chí Nhà nước.
Đối với lĩnh vực viễn thông, Thủ tướng đề nghị xử lý triệt để vấn đề sim rác. Thủ tướng nêu rõ, Chủ tịch, Tổng giám đốc các công ty, các doanh nghiệp viễn thông di động phải chịu trách nhiệm cá nhân về sim rác. Sim rác không xử lý được thì hậu quả rất khôn lường.
Ngoài ra, về vấn đề an toàn, an ninh mạng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhất trí mục tiêu đưa Việt Nam trở thành nước mạnh về lĩnh vực này. Không để mạng của các cơ quan Đảng, Nhà nước bị tấn công, lấy cắp thông tin. Cần giám sát các đợt tấn công mạng, phát hiện các lỗ hổng an ninh mạng trên toàn quốc và chủ động cảnh báo cho các cơ quan.
Đáng nói, Thủ tướng bày tỏ, với vai trò quản lý Nhà nước về báo chí, Bộ TT&TT phải làm sao để báo chí nước ta góp phần tạo đồng thuận, tạo niềm tin xã hội, không được làm giảm đi sức mạnh quốc gia, niềm tự hào, ý chí vươn lên, đoàn kết một lòng. Triển khai nghiêm túc quy hoạch phát triển và quản lý báo chí đến năm 2025 sau khi được Thủ tướng phê duyệt. Phải ứng dụng công nghệ trong công tác quản lý báo chí tốt hơn nữa. Bộ TT&TT phải sử dụng đồng bộ các biện pháp về pháp lý, kinh tế, kỹ thuật để xử lý các vi phạm của mạng xã hội.
Người đứng đầu Chính phủ cũng bày tỏ sự lo ngại về một số biểu hiện gần đây của báo chí như tống tiền doanh nghiệp, một số tờ báo tổ chức “đánh hội đồng” doanh nghiệp và cán bộ có liên quan, moi móc đời tư, vi phạm quyền con người, quyền công dân, vi phạm bảo vệ thương hiệu Việt Nam hay đưa tin giật gân, câu khách, không có động cơ trong sáng..., Thủ tướng cho rằng, cần đưa ra các nguyên tắc xử sự, quy tắc nghề nghiệp, chế tài xử lý minh bạch, công khai hơn để chấn chỉnh tình trạng này. Phát triển báo chí, quản lý báo chí để phục vụ sự nghiệp đổi mới, đưa Việt Nam sánh vai với cường quốc năm châu là việc quan trọng của quản lý Nhà nước về báo chí.