|
|
Tại Hội nghị, đại diện các Bộ, ngành, địa phương đã đưa ra nhiều kiến nghị đối với Chính phủ ( ảnh: Quang Hiếu/VGP) |
Cụ thể, theo ông Nguyễn Thành Phong- Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh, bên cạnh đồng tình với những đánh giá của Chính phủ về kết quả thực hiện phát triển kinh tế - xã hội năm 2018 và phương hướng nhiệm vụ 2019, từ thực tế địa phương, ông cho rằng Chính phủ cần sớm trình Quốc hội Luật đầu tư công sửa đổi do luật cũ còn nhiều hạn chế, vướng mắc, chưa phù hợp tình hình thực tế địa phương. Đồng thời, nên điều chỉnh theo hướng phân cấp cho địa phương, xác định trách nhiệm của người đứng đầu trong thực hiện dự án đầu tư công,
Ông Phạm Vũ Hồng - Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang kiến nghị cần sớm ban hành Nghị định và Thông tư hướng dẫn Luật Quy hoạch, ban hành Nghị định về sử dụng tài sản công trong thanh toán dự án BOT.
Còn theo Bộ trưởng Bộ Tài nguyên & môi trường Trần Hồng Hà, hiện nay dư địa trong lĩnh vực đất đai vẫn còn nhiều, cần kiểm tra, thanh tra toàn bộ đất đai có nguồn gốc nông lâm trường để có thể khơi thông cho phát triển và giải quyết đất đai cho đồng bào dân tộc, di dân tự do. Hiện 97% đất đai đã được cấp sổ đỏ, 3% còn lại là có tiềm năng trong giao dịch, cần tiếp tục nghiên cứu nhiều cơ chế để hoàn thiện về đền bù đất đai, GPMB. Ông cho biết thêm, Thủ tướng sẽ sớm phê duyệt NĐ sửa đổi NĐ về môi trường, có quy định hài hòa với các nước tiên tiến trên thế giới, phòng ngừa từ xa nhập khẩu phế liệu, chứ không để xảy ra mới xử lý dẫn đến lúng túng...
Sau khi nghe các ý kiến của các bộ, ngành và địa phương, phát biểu kết luận Hội nghị Chính phủ với địa phương, Thủ tướng nêu rõ cũng cần nhìn nhận các tồn tại, bất cập “chứ không phải bệnh thành tích”. Đó là sức chống chịu của nền kinh tế còn hạn chế, cần chủ động nghiên cứu, xử lý. Nhiều địa phương, nhiều ngành chậm thay đổi mô hình tăng trưởng. Các nguồn lực chưa được giải phóng để tạo điều kiện cho phát triển. Sản xuất kinh doanh còn gặp khó khăn.
Đặc biệt, còn tồn tại nhiều vấn đề xã hội bức xúc, “đây là kinh tế-xã hội chứ không phải kinh tế ‘trừ’ xã hội”. Còn tình trạng quan liêu, xa dân, tham nhũng, đặc quyền, đặc lợi, đặc biệt là tham nhũng vặt. “Đến xã, đến huyện xin giấy tờ có cần phong bì, phong bao không? Những câu hỏi nhức nhối như vậy của người dân chúng ta phải khắc phục”.
Ngoài ra, Thủ tướng cũng cho rằng, một số vấn đề xã hội khác như bạo lực học đường, tệ nạn xã hội, xã hội đen, tín dụng đen… là những vấn đề cần có biện pháp xử lý, trấn áp mạnh mẽ.
|
|
Thủ tướng cho rằng, cùng chủ trương, cùng cơ chế chính sách mà nơi này làm rất tốt, nơi khác lại trì trệ ( ảnh: Quang Hiếu/VGP) |
Về kỷ luật, kỷ cương hành chính, một số cơ quan Trung ương và không ít địa phương còn giải quyết công việc không nghiêm, còn chậm trễ, nhiều việc còn kéo dài để doanh nghiệp kêu ca.
Đặc biệt, người đứng đầu Chính phủ cho rằng, môi trường đầu tư kinh doanh, cải cách hành chính còn bất cập, Thủ tướng đặt vấn đề tại sao cùng thể chế như nhau mà các tỉnh gần nhau thì có tỉnh chỉ số PCI rất cao, có tỉnh rất thấp, cùng chủ trương, cùng cơ chế chính sách mà nơi này làm rất tốt, nơi khác lại trì trệ… Từ đó để thấy, cấp ủy, chính quyền, cá nhân người đứng đầu ở đâu tập trung lãnh đạo, chỉ đạo điều hành quyết liệt, cụ thể, sâu sắc, đổi mới, sáng tạo, chủ động, linh hoạt, dám nghĩ, dám làm, cùng với sự gương mẫu, trách nhiệm vì lợi ích chung thì ở đó đạt được kết quả tốt hơn.
Cũng theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, để năm 2019 đạt kết quả cao hơn năm 2018 là việc khó, do đó, cần triển khai nghiêm túc, sáng tạo, kịp thời, quyết liệt những nội dung của Nghị quyết 01 và 02.
Đối với vấn đề phân cấp, phân quyền gắn với trách nhiệm như các đại biểu ý kiến trước đó, Thủ tướng cho biết sẽ giao Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân chủ trì cùng các bộ có liên quan trình Chính phủ tiếp tục giao việc phân cấp, phân quyền mạnh mẽ cho TPHCM và các tỉnh có liên quan. “Không để các địa phương phải ôm tài liệu ra bộ này, bộ khác xin việc này việc khác, xếp hàng chờ đợi. Phương thức quản lý đó lạc hậu rồi, anh cần phân cấp trao quyền mạnh mẽ. Còn anh làm sai, làm trái pháp luật thì chúng ta phải tăng cường kiểm tra, đôn đốc”, Thủ tướng nói.
Bên cạnh đó, Thủ tướng nhấn mạnh cần đẩy mạnh phòng chống tham nhũng, làm trong sạch bộ máy, nhưng không có nghĩa là chúng ta kìm hãm sự phát triển. Năm 2019, phải rà soát lại toàn bộ các thể chế, các quy định pháp luật, bảo đảm công khai minh bạch, tạo môi trường không tham nhũng, bảo vệ doanh nghiệp, doanh nhân làm ăn chân chính và những cán bộ, công chức, viên chức yên tâm cống hiến cho sự nghiệp chung của đất nước. Không vì chống tham nhũng mà trì trệ trong hành động.
Đối với vấn đề đầu tư theo hình thức BT mà nhiều địa phương nêu, Thủ tướng cho biết sẽ lấy ý kiến các thành viên Chính phủ và Nghị quyết sắp ban hành sẽ làm cơ sở để giải quyết ách tắc trong vấn đề này. Thủ tướng nêu rõ tinh thần giải quyết về mặt định hướng, nguyên tắc, chứ không phải công nhận mặt bất cập của vấn đề này.