Nhằm tiếp tục nghiên cứu và tuyên truyền về chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, ngày 12/1, UBND huyện Hoàng Sa (TP.Đà Nẵng) tổ chức Hội thảo "Nghiên cứu và truyền thông giáo dục về quần đảo Hoàng Sa".

Hội thảo có sự góp mặt của 70 chuyên gia, nhà khoa học, các cơ quan quản lý liên quan tham dự với 25 tham luận tập trung vào ba nội dung chính: Nội dung cơ bản liên quan đến chiến lược biển, đảo Việt Nam; công bố những nghiên cứu, tư liệu mới liên quan đến quá trình chiếm hữu, thực thi chủ quyền Việt Nam ở quần đảo Hoàng Sa; nghiên cứu, thực trạng và các giải pháp nhằm tuyên truyền, giáo dục về quần đảo Hoàng Sa trong giai đoạn hiện nay.

leftcenterrightdel
 70 chuyên gia, nhà khoa học tham dự Hội thảo "Nghiên cứu và truyền thông giáo dục về quần đảo Hoàng Sa"

Phát biểu tại hội thảo, Chủ tịch UBND huyện Hoàng Sa – ông Võ Ngọc Đồng cho biết, trong nhiều năm qua, những nghiên cứu về biển, đảo Việt Nam trên Biển Đông nói chung được các nhà khoa học và người dân quan tâm. Nhiều công trình nghiên cứu đã góp phần phục vụ cho công tác giáo dục, tuyên truyền về biển, đảo Việt Nam, trong đó có quần đảo Hoàng Sa.

Tuy nhiên, việc truyền thông giáo dục thiết thực, hiệu quả về Hoàng Sa đến với nhiều đối tượng khác nhau, làm sao nhận thức sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân về chủ quyền của Việt Nam tại quần đảo Hoàng Sa vẫn là vấn đề cấp thiết cần được tổ chức mạnh mẽ, sâu rộng và liên tục hơn nữa.

Tham gia tại hội thảo, ngoài công bố những vấn đề, tư liệu trong công tác nghiên cứu về Hoàng Sa, các đại biểu đã thảo luận đưa ra những giải pháp nhằm truyền thông, giáo dục hiệu quả về quần đảo Hoàng Sa.

TS. Nguyễn Thanh Minh, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển - Bộ Quốc phòng cho rằng tình hình biển Đông hiện nay diễn biến hết sức phức tạp, Việt Nam có đủ tư liệu trong nước, quốc tế và cả từ Trung Quốc để khẳng định rằng Hoàng Sa - Trường Sa là của Việt Nam. Do đó, Việt Nam phải luôn kiên trì đấu tranh, khẳng định mạnh mẽ và thể hiện ý chí quyết tâm cao nhất trong việc bảo vệ chủ quyền và quyền tài phán của mình trên các vùng biển và hải đảo của tổ quốc.

leftcenterrightdel
 TS Nguyễn Thanh Minh (Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển) nêu ý kiến tại hội thảo.

TS Minh cũng nói thêm, đấu tranh nhưng phải bằng tính chính danh trong xu thế hòa bình, giải quyết các tranh chấp bằng con đường pháp lý, bằng biện pháp hòa bình để góp phần giữ gìn môi trường hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển trong khu vực. Hợp tác hòa bình cùng phát triển là nguyên tắc chủ đạo…

PGS.TS Trần Nam Tiến (Trường ĐH KHXH&NV TP.HCM) cũng cho rằng các bằng chứng lịch sử, pháp lý mà Việt Nam thu thập được hiện nay rất phong phú, đủ sức để khẳng định chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. 

Theo TS Trần Nam Tiến, trong lịch sử, giai đoạn 1945 - 1954, với tư cách là đại diện Nhà nước Việt Nam về đối ngoại, Cộng hòa Pháp đã tiếp tục thực thi và bảo vệ chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa và Trường Sa, cụ thể là trong giai đoạn 1945-1950.

Sau khi ra đời, Quốc gia Việt Nam - vốn là sản phẩm do người Pháp tạo ra, vẫn tiếp tục thực thi và bảo vệ chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, cụ thể là giai đoạn 1950 - 1954. Trong đó, sự kiện Thủ tướng kiêm Ngoại trưởng Quốc gia Việt Nam Trần Văn Hữu có tuyên bố về chủ quyền không thể chối cãi của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa tại Hội nghị hòa bình San Francisco 1951 được xem là sự kiện quan trọng, có tiếng vang lớn trên trường quốc tế.

leftcenterrightdel
 Tư liệu Hoàng Lê Cảnh Hưng bản đồ 皇黎景興版圖 mới phát hiện tại Nhật Bản có ghi chép về quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam được nhóm nghiên cứu của TS. Trần Trọng Dương (Viện Nghiên cứu Hán Nôm) công bố tại Hội thảo.

“Tuyên bố khẳng định chủ quyền lâu đời của người Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa không gặp sự phản đối hay bảo lưu của nước khác đã cho thấy cộng đồng quốc tế đã thừa nhận thực tế này như một sự hiển nhiên.”, PGS.TS Trần Nam Tiến khẳng định.

TS Tiến cũng cho rằng ngoài vấn đề tuyên truyền trong nước thì rất cần đẩy mạnh xuất bản và công bố rộng rãi các tư liệu, tài liệu, các nghiên cứu liên quan đến chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa, Trường Sa ra quốc tế…

Ngoài ra, các đại biểu cũng cho rằng, trong khi Việt Nam là chủ thể đích thực của Hoàng Sa vẫn còn những hạn chế nhất định trong công tác tuyên truyền thì phía Trung Quốc lại đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền phi lý và phi pháp của mình. Do đó, cần phải xác định tuyên truyền, giáo dục về quần đảo Hoàng Sa là sứ mệnh thiêng liêng của mọi người dân Việt Nam.

leftcenterrightdel
 Các đại biểu tham gia trồng cây bàng vuông tại Nhà trưng bày Hoàng Sa.

Nhiều đại biểu cũng đã đưa ra các giải pháp để công tác nghiên cứu phải được chuyển hóa hiệu quả vào công tác tuyên truyền, tạo nhận thức sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân về chủ quyền của Việt Nam tại quần đảo Hoàng Sa với nhiều tham luận sâu như tăng cường công tác giáo dục cho học sinh hai cấp và sinh viên trên địa bàn thành phố, tăng cường tuyên truyền và bảo tồn những lễ hội văn hóa về biển của các địa phương như: Lễ hội Nghinh Ông, Lễ Cầu ngư, Lễ hội khao lề thế lính Hoàng Sa… đẩy mạnh thông tin đối ngoại đến với bạn bè và dư luận quốc tế, tạo sự đồng tình, ủng hộ của bạn bè quốc tế đối với Việt Nam, Xây dựng “bảo tàng thông minh” góp phần tuyên truyền hiệu quả về chủ quyền Việt Nam đối với Hoàng Sa…

Mộc Lan