Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 đề nghị: Giữ quy định như Dự thảo về vị trí, chức năng của Viện kiểm sát nhân dân
Cập nhật lúc 11:27, Thứ tư, 23/10/2013 (GMT+7)
(BVPL) - Sáng ngày 22/10, ông Phan Trung Lý, Chủ nhiệm Ủy ban pháp luật của Quốc hội khóa XIII đã thay mặt Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 (Ủy ban DTSĐHP) đọc báo cáo giải trình về việc tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.
Theo kết quả phiếu xin ý kiến của đại biểu Quốc hội về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 tại kỳ họp thứ 5, có 278/357 đại biểu Quốc hội tán thành và đa số ý kiến của nhân dân đồng ý với Chương quy định về Chính phủ của Dự thảo. Đồng thời, có ý kiến cụ thể đối với một số vấn đề. Trong đó có ý kiến đề nghị tách Chương Tòa án nhân dân và Viện kiểm sát nhân dân thành 2 chương. Ủy ban DTSĐHP nhận thấy, hoạt động của Viện kiểm sát gắn liền chủ yếu với hoạt động của Tòa án. Trong các bản Hiến pháp trước đây của Nhà nước ta quy định về Tòa án nhân dân và Viện kiểm sát nhân dân luôn đặt trong một chương. Hiến pháp một số nước có quy định về Viện kiểm sát thì Viện kiểm sát cũng được bố cục trong chương với Tòa án (Nga, Trung Quốc...). Hơn nữa, tuy cùng chương, nhưng quy định về Tòa án nhân dân và Viện kiểm sát nhân dân được phân biệt rõ ở các điều khác nhau. Do đó, Ủy ban DTSĐHP đề nghị Quốc hội cho giữ quy định như Dự thảo.
Có ý kiến bổ sung một điều quy định chung về Tòa án nhân dân và Viện kiểm sát nhân dân hoặc giữ nguyên Điều 126 của Hiến pháp hiện hành. Ủy ban DTSĐHP nhận thấy, Điều 126 của Hiến pháp 1992 quy định về những nhiệm vụ chung của Tòa án nhân dân và Viện kiểm sát nhân dân. Tuy nhiên, các cơ quan này có chức năng khác nhau, nên có nhiệm vụ, quyền hạn khác nhau; vì thế, nhiệm vụ của Tòa án nhân dân và Viện kiểm sát nhân dân đã được quy định thành hai điều riêng là Điều 102 (quy định về Tòa án nhân dân) và Điều 107 (quy định về Viện kiểm sát nhân dân) cho phù hợp. Do đó, Ủy ban DTSĐHP đề nghị Quốc hội cho giữ kết cấu như Dự thảo. Về vị trí của Viện kiểm sát nhân dân, Ủy ban DTSĐHP nhận thấy, vấn đề này đa số các ý kiến nhất trí với quy định của Dự thảo. Do đó, Ủy ban DTSĐHP đề nghị Quốc hội cho giữ quy định như Dự thảo là phù hợp.
Đối với quy định về chức năng của Viện kiểm sát nhân dân (Điều 107): Có nhiều ý kiến đề nghị bổ sung quy định Viện kiểm sát có chức năng kiểm sát việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật, kiểm sát việc xử phạt vi phạm hành chính (kiểm sát chung) và thực hiện các nhiệm vụ khác do luật định.
Về sự độc lập của Kiểm sát viên (Điều 109), Ủy ban DTSĐHP nhận thấy, hoạt động thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp của Kiểm sát viên không chỉ tuân theo pháp luật mà còn chịu sự chỉ đạo của Viện trưởng, mọi hoạt động của Viện kiểm sát nhân dân đều đặt dưới sự lãnh đạo của Viện trưởng. Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân phải chịu trách nhiệm về toàn bộ hoạt động của Viện kiểm sát do mình lãnh đạo trước Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao. Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao chịu trách nhiệm về hoạt động của toàn ngành Kiểm sát trước Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước. Chính vì thế, để thực hiện nguyên tắc tập trung thống nhất lãnh đạo trong ngành Kiểm sát, Ủy ban DTSĐHP đề nghị Quốc hội cho giữ quy định nội dung này như trong Dự thảo.
Ngọc Đức (lược ghi)
.