leftcenterrightdel
Thủ tướng mong muốn có các giải pháp phù hợp phát triển thị trường lao động trong thời gian tới. Ảnh: VGP

Theo Bộ Lao động-Thương binh - Xã hội, thị trường lao động Việt Nam đã có bước phát triển vượt bậc cả về quy mô và chất lượng, từng bước hiện đại, đầy đủ và hội nhập quốc tế. Khuôn khổ thể chế, chính sách ngày càng hoàn thiện; quy mô và chất lượng cung lao động tăng lên; cơ cấu lao động chuyển dịch tích cực, thu nhập, tiền lương của người lao động được cải thiện, năng suất lao động và tính cạnh tranh của lực lượng lao động được nâng lên.

Cụ thể, quy mô lực lượng lao động ngày càng tăng, nguồn cung được đảm bảo với trên 51,6 triệu người. Chất lượng lao động ngày càng nâng cao, tỉ lệ qua đào tạo tăng qua từng năm, tỉ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt 26,2%. Cơ cấu lao động tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực, giảm tỉ trọng lao động trong khu vực nông nghiệp, tăng tỉ trọng lao động trong khu vực công nghiệp và dịch vụ. Vấn đề giải quyết việc làm được đẩy mạnh, góp phần duy trì tỉ lệ thất nghiệp chung của cả nước luôn dao động trong khoảng 2,2-2,3%.

Tuy nhiên, thị trường lao động nước ta còn chưa phát triển kịp với tốc độ và yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, tính thích ứng, chủ động, linh hoạt kém, nhất là trước những "cú sốc" như đại dịch COVID-19 đã bộc lộ những bất cập.

Tại Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ: Cùng với xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm phát triển thị trường lao động, xác định phát triển nguồn nhân lực là một trong ba khâu đột phá chiến lược. Đồng thời, xác định lao động, việc làm là một trong những nội dung rất quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội.

Trong những năm qua, thị trường lao động ở Việt Nam đã có những bước phát triển cả về chiều rộng và chiều sâu, ngày càng hội nhập, từng bước tiệm cận với thị trường lao động khu vực và thế giới. Tuy nhiên, thị trường lao động Việt Nam vẫn còn manh mún, chưa chuyên nghiệp, thiếu tính linh hoạt, chưa thật bền vững; công tác nghiên cứu, dự báo, khớp nối cung cầu và cập nhật hệ thống thông tin thị trường lao động chưa thực sự hiệu quả và chuyên nghiệp. Từ đầu năm 2020 đến nay, dịch COVID-19 bùng phát và diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng nặng nề tới thị trường lao động trong nước và thị trường xuất khẩu lao động.

leftcenterrightdel
Theo Bộ Lao động, Thương binh - Xã hội, thị trường lao động nước ta còn chưa phát triển kịp với tốc độ và yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Ảnh:VGP

Trước tình hình đó, cùng với những giải pháp phòng, chống dịch bệnh, Đảng, Nhà nước đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, ban hành và triển khai thực hiện nhiều chủ trương, chính sách liên quan tới thị trường lao động. Nhờ đó, sau khi chuyển sang "thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19", thị trường lao động đã từng bước được phục hồi và phát triển, góp phần quan trọng vào sự khởi sắc của nền kinh tế, xã hội nước ta. Quy mô lực lượng lao động, tỉ lệ tham gia lao động và số người có việc làm tiếp tục tăng. Tỉ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm trong độ tuổi lao động giảm dần.

Thủ tướng cũng rằng, phát triển thị trường lao động vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức, cả trước mắt và lâu dài để đáp ứng yêu cầu phục hồi, phát triển nhanh, bền vững kinh tế - xã hội trong giai đoạn hiện nay. Trên tinh thần đó, Hội nghị hôm nay với chủ đề "Phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, bền vững và hội nhập" để cùng nhau đánh giá những kết quả đạt được của thị trường lao động trong những năm qua, đồng thời thẳng thắn nhìn nhận những tồn tại, hạn chế, khó khăn, thách thức và những vấn đề đang đặt ra hiện nay để có các giải pháp phù hợp phát triển thị trường lao động trong thời gian tới, nhất là chủ động ứng phó với những tình huống đột xuất, bất ngờ, những cú sốc trên thị trường do tác động từ bên ngoài hoặc nội tại nền kinh tế.

Vừa qua, Chính phủ đã tổ chức hội nghị về phát triển thị trường vốn, sau đó đã kiểm soát tình hình tốt hơn và thị trường có chiều hướng lành mạnh hơn, hiệu quả, bền vững hơn; tiếp đó, tổ chức hội nghị về thị trường bất động sản, để thị trường có những bước tiến và các bất cập đang dần được khắc phục. Như vậy, Chính phủ ra tuyên bố ổn định và phát triển các loại thị trường – một trong "4 ổn định" trong trọng tâm, chỉ đạo điều hành của Chính phủ hiện nay, theo cách tiếp cận thị trường, rất linh hoạt, phù hợp tình hình.

Người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh: Việt Nam đang tiếp tục xây dựng và hoàn thiện: Nền kinh tế thị trường, định hướng XHCN; Xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; Nền dân chủ xã hội chủ nghĩa. Quan điểm xuyên suốt là lấy con người là trung tâm, là chủ thể, là mục tiêu, động lực, nguồn lực cho sự phát triển; phát huy tối đa trí tuệ, tài năng, phẩm chất, đạo đức của con người Việt Nam; không hy sinh tiến bộ, công bằng xã hội, an sinh xã hội, môi trường để đổi lấy tăng trưởng kinh tế đơn thuần.

Do đó, Thủ tướng đề nghị các đại biểu phát huy tinh thần thẳng thắn, cởi mở, xây dựng, cầu thị, phát biểu ngắn gọn, đi thẳng vào vấn đề, trong đó tập trung vào một số nội dung chính như: Làm thế nào để nâng cao nhận thức của xã hội về vai trò phát triển thị trường lao động và nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế- xã hội nhanh, bền vững? Đổi mới và hoàn thiện cơ chế, chính sách về thị trường lao động theo hướng nào để tăng cường quản lý nhà nước và bảo đảm các điều kiện cần thiết cho thị trường lao động phát triển hài hòa, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu thực tế?  Những kinh nghiệm trong nước, quốc tế và các giải pháp phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, bền vững, hội nhập; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để tăng cường thu hút đầu tư chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa? Giải pháp nào để chủ động ứng phó với những khó khăn, thách thức hiện nay, nhất là những tác động do đại dịch COVID-19 gây ra?

Đặc biệt, là với nền kinh tế quy mô còn khiêm tốn, nhưng có độ mở lớn, sức chống chịu có hạn, Việt Nam chịu tác động lớn bởi các yếu tố nêu trên, chỉ cần một biến động nhỏ ở bên ngoài có thể tác động lớn đến trong nước. Do đó, chúng ta luôn ở tư thế tích cực, chủ động, linh hoạt ứng phó với các diễn biến mới một cách hiệu quả.

Minh Nhật