Thủ tướng Phạm Minh Chính lưu ý những vấn đề này tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai công tác tư pháp năm 2022 do Bộ Tư pháp chủ trì, được kết nối trực tuyến tới 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trên cả nước hôm nay (21/12).

leftcenterrightdel
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Hội nghị triển khai công tác tư pháp. Ảnh:VGP 

Theo Thủ tướng, chất lượng xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật tuy đã  được nâng cao nhưng vẫn còn hạn chế, vẫn còn tình trạng phải “trình đi trình lại”. Tiến độ xây dựng nhiều văn bản chưa bảo đảm. Việc đầu tư về nguồn lực cho xây dựng và hoàn thiện thể chế chưa tương xứng với yêu cầu của một khâu đột phá chiến lược. Một số địa phương, cơ quan đơn vị chưa thực sự coi trọng công tác này. Có nơi, có lúc nhận thức chưa đúng về tầm quan trọng, vai trò, vị trí của công tác xây dựng và thực thi pháp luật.

Dự báo tình hình năm 2022 có khó khăn, thách thức và thời cơ, thuận lợi đan xen, nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn thời cơ và thuận lợi. Năm 2022 cũng là năm bản lề hết sức quan trọng để thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII và đại hội Đảng các cấp. Đòi hỏi của nhân dân, của thực tiễn cũng cao hơn về môi trường pháp lý. Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu, phải chuẩn bị tâm thế để chuẩn bị, thực hiện nhiệm vụ năm 2022 tốt hơn năm 2021.

Do đó, Thủ tướng nêu rõ, trước hết, phải nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế, để có môi trường pháp lý phù hợp, giải quyết các vấn đề thực tiễn đặt ra, phát huy giá trị con người Việt Nam, lấy con người là trung tâm, là chủ thể trong xây dựng và thực thi pháp luật, mục tiêu cuối cùng là ấm no, hạnh phúc của nhân dân.

Bám sát đường lối, chủ trương của Đảng mà cụ thể là Nghị quyết Đại hội XIII, các nghị quyết, kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, bám sát thực tiễn, tôn trọng thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo để cụ thể hóa, thể chế hóa.

Thủ tướng nhấn mạnh, phải tháo gỡ được những khó khăn, nút thắt về thể chế. Trong nền pháp quyền xã hội chủ nghĩa thì mọi hoạt động phải tuân thủ pháp luật, nếu thể chế chưa phù hợp, chưa đi vào thực tiễn, thực tiễn đòi hỏi thì phải mạnh dạn đề xuất, xây dựng, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện.

 “Chúng tôi rất chia sẻ, cảm thông với những khó khăn, phức tạp trong công việc này, yêu cầu là không bảo thủ, không trì trệ. Những vấn đề đã “chín”, đã rõ, được thực tiễn chứng minh là đúng, thực hiện có hiệu quả, được đa số đồng tình thì tiếp tục thực hiện; những vấn đề chưa có quy định hoặc vượt quy định thì mạnh dạn thí điểm, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, mở rộng dần, không cầu toàn, không nóng vội”- Thủ tướng chia sẻ.

Đồng thời, tăng cường hơn nữa vai trò lãnh đạo của các cấp ủy Đảng và vai trò thực thi của các cấp chính quyền, đồng thời mở ra môi trường đổi mới sáng tạo, huy động trí tuệ tập thể, sự đóng góp, ủng hộ của người dân và doanh nghiệp, các chuyên gia, nhà khoa học trong xây dựng, phổ biến, thực thi và giám sát pháp luật.

Đầu tư hơn nữa cho công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế, coi đây là đầu tư cho sự phát triển, tăng cường đội ngũ cán bộ, nâng cao chất lượng nhân lực làm công tác này; bố trí cơ sở vật chất, không gian làm việc phù hợp, đầu tư về tài chính ngang tầm nhiệm vụ, có chế độ đãi ngộ tương xứng với người làm công tác tư pháp, pháp chế, cân đối, hài hòa, hợp lý với các ngành khác.

Thủ tướng cũng lưu ý việc tăng cường tiến độ, chất lượng thi hành án dân sự. Tiếp tục thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 04-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế.

Tăng cường phân cấp, phân quyền, cá thể hóa trách nhiệm đi đôi với phân bổ nguồn lực hợp lý và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Tăng cường hợp tác quốc tế. Đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, lợi ích nhóm ngay từ khi xây dựng thể chế, đặt lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích của nhân dân lên trên hết, trước hết.

Ngoài ra, phải nâng cao hiệu quả phối hợp với các bộ, các ngành, các địa phương, phát huy trí tuệ tập thể, đặc biệt là của Hội Luật gia, Đoàn Luật sư và các chuyên gia, nhà khoa học, tham khảo kinh nghiệm quốc tế trong xây dựng và hoàn thiện thể chế. 

Thủ tướng cho biết, Chính phủ, Thủ tướng rất khuyến khích các bộ, ngành, địa phương mạnh dạn đề xuất để cụ thể hóa, thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước, đồng thời giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn. Thủ tướng lấy ví dụ, mở rộng một khu công nghiệp cũng phải xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ thì rất khó để đẩy nhanh hơn nữa tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước…

 

Minh Nhật