Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh điều này tại Hội nghị tổng kết công tác ngoại giao vắc xin chiều hôm nay (30/11).
|
|
Thủ tướng cho hay, chúng ta không thể lơ là, chủ quan, mất cảnh giác, tiếp tục nỗ lực chống dịch, ưu tiên kiểm soát dịch bệnh COVID-19 và các dịch bệnh khác. Ảnh:VGP |
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, hội nghị hôm nay nhằm nhìn lại những việc đã làm được cũng như chưa làm được thời gian qua, xác định nguyên nhân, rút ra những bài học kinh nghiệm quý để không chỉ áp dụng cho công tác ngoại giao vắc xin mà tiếp tục mở rộng sang lĩnh vực ngoại giao kinh tế; Triển khai Chỉ thị số 15-CT/TW ngày 10/8/2022 của Ban Bí thư về công tác ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển đất nước đến năm 2030, nhằm tận dụng và phát huy hiệu quả mọi cơ hội, tiềm lực và các công cụ phục vụ phục hồi nhanh và phát triển bền vững.
Đồng thời. Thủ tướng nêu rõ: Đến thời điểm này, chúng ta đã kiểm soát được dịch COVID-19. Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng cảm ơn, ghi nhận, biểu dương, đánh giá cao đóng góp của ngành Ngoại giao trong thực hiện ngoại giao vắc xin, đóng góp vào thành công của chiến lược vắc xin và kiểm soát dịch bệnh COVID-19.
“Ở thời điểm ban đầu, khó khăn của chúng ta là có tiền và chấp nhận chịu mọi rủi ro khi mua vắc xin nhưng vẫn không có được vắc xin do tiếp cận vắc xin không bình đẳng ở thời điểm đó. Tháng 5/2021, chúng ta mới nhận được lô vắc xin đầu tiên từ COVAX nhưng đến tháng 10/2021, chúng ta đã đã có khoảng 97,5 triệu liều vắc xin và đây là thành công lớn nhờ đưa ra chiến lược vắc xin rất kịp thời gồm 3 thành tố là quỹ vắc xin, ngoại giao vắc xin và chiến dịch tiêm chủng.”- Thủ tướng nói.
|
|
Thủ tướng cũng chỉ ra 6 nguyên nhân và 6 bài học kinh nghiệm từ ngoại giao vắc xin. Ảnh:VGP |
Theo Thủ tướng, nhờ kiểm soát được dịch bệnh, chúng ta đã chuyển sang giai đoạn phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn (về thu – chi, xuất – nhập khẩu, cân đối lương thực, thực phẩm, cân đối năng lượng, cung cầu lao động); giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, thúc đẩy và mở rộng hội nhập và đối ngoại có hiệu quả.
Thủ tướng nêu rõ, việc kiểm soát được dịch bệnh có những nguyên nhân chủ quan và khách quan nhưng quan trọng nhất là chúng ta đã đề ra chiến lược vắc xin phù hợp, đúng đắn, hiệu quả.
Tại Hội nghị hôm nay, Thủ tướng chỉ rõ 6 nguyên nhân để thực hiện thành công hoạt động ngoại giao vắc xin như: Thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa, là bạn tốt, đối tác tin cậy, thành viên có trách nhiệm của công đồng quốc tế, vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển trong khu vực và trên thế giới. Đường lối đối ngoại đúng đắn đã giúp chúng ta tranh thủ được sự ủng hộ của bạn bè, đối tác quốc tế…
Sự lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp một cách quyết liệt, quyết đoán, trách nhiệm, "tinh thần là không câu nệ, không ngại ngùng gì cả, miễn là có vắc xin bằng mọi cách, mọi biện pháp như mua, vay, mượn, ứng trước… ở đâu có vắc xin cũng tiếp cận, không phân biệt châu lục, địa bàn, chế độ chính trị…"
Cùng với đó là sự chung tay, giúp đỡ chân thành, tận tình, tình cảm của bạn bè quốc tế và chúng ta cũng thể hiện trách nhiệm, sự chân thành với cộng đồng quốc tế trong phòng chống dịch. Có những nước đề nghị giữ kín thông tin việc hỗ trợ Việt Nam, bán vắc xin với giá thấp hơn, phân phối vắc xin nhiều hơn cho Việt Nam…
Thủ tướng cũng nêu rõ 6 bài học kinh nghiệm từ hoạt động ngoại giao vắc xin như: Nắm chắc diễn biến tình hình, xuất phát từ tình hình thực tiễn để xác định nhiệm vụ, giải pháp phù hợp, hiệu quả; Vận động cấp cao có ý nghĩa quyết định nhưng công tác tham mưu, tư vấn, vận động, tạo điều kiện và sự đeo bám, thúc đẩy quan hệ của các cơ quan đại diện ngoại giao và tinh thần, trách nhiệm của các đồng chí cấp dưới là hết sức quan trọng.
Tiếp đó là, sự đoàn kết, thống nhất, đồng lòng của cả hệ thống chính trị, Nhân dân và doanh nghiệp, bởi có vắc xin mà không tiêm được thì cũng rất khó khăn. Ngoài ra, ngoại giao vắc xin cho chúng ta có thêm những kinh nghiệm quý trong vận động ngoại giao và thực hiện ngoại giao kinh tế...
Về nhiệm vụ sắp tới, Thủ tướng nêu rõ, WHO dự báo đại dịch chưa kết thúc và tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, virus có thể tiếp tục biến đổi và hiệu lực miễn dịch của vắc xin suy giảm theo thời gian, khoảng một nửa dân số thế giới chưa được tiêm vắc xin. Chúng ta không thể lơ là, chủ quan, mất cảnh giác, tiếp tục nỗ lực chống dịch, ưu tiên kiểm soát dịch bệnh COVID-19 và các dịch bệnh khác.
Do đó, chúng ta phải tiếp tục thúc đẩy ngoại giao vắc xin; chúng ta đã chuẩn bị kinh phí để tiếp tục mua vắc xin và việc mua được vắc xin cũng là nhờ ngoại giao vắc xin. Cùng với đó, phải tiếp tục đẩy mạnh tiêm chủng, nhất là cho các đối tượng nguy cơ cao, các em học sinh và các đối tượng theo quy định của Bộ Y tế một cách an toàn, khoa học, hiệu quả. Đồng thời, đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao để làm chủ công nghệ sản xuất vắc xin.