leftcenterrightdel
Công điện của Thủ tướng yêu cầu tăng cường công tác tiêm vắc xin phòng COVID-19.

Cụ thể, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam vừa ký Công điện số 664/CĐ-TTg ngày 25/7/2022 của Thủ tướng Chính phủ gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ về tăng cường công tác tiêm vắc xin phòng COVID-19.

Để bảo vệ và duy trì bền vững thành quả phòng chống dịch thời gian qua, tạo điều kiện tập trung phát triển kinh tế - xã hội, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu:

Đối với Bộ Y tế: Tiếp tục bảo đảm cung ứng, phân bổ đầy đủ, phù hợp, kịp thời vắc xin phòng COVID-19 theo nhu cầu của các địa phương, không để tình trạng thiếu vắc xin. Đôn đốc, hỗ trợ, hướng dẫn và kiểm tra việc tổ chức tiêm vắc xin phòng COVID-19 tại các địa phương.

Xây dựng chiến lược truyền thông về tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 trọng điểm, có bằng chứng khoa học, tập trung vào tiêm vắc xin cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi, các đối tượng có nguy cơ cao. Cung cấp thông tin đầy đủ, khách quan, khoa học, bằng nhiều hình thức đa dạng, dễ tiếp thu về lợi ích, hiệu quả của vắc xin, nhất là trong việc ngăn ngừa chuyển nặng, tử vong khi mắc COVID-19 để người dân nâng cao nhận thức và chủ động tích cực tiêm vắc xin phòng COVID-19.

Trong thời gian qua, các cấp ủy đảng, chính quyền đã tập trung chỉ đạo sát sao công tác tiêm vắc xin phòng COVID-19. Đến nay, Việt Nam đã đạt được kết quả tích cực với hơn 240 triệu liều vắc xin đã được tiêm với tỷ lệ bao phủ mũi 1, mũi 2 cho đối tượng từ 12 tuổi trở lên cao, được nhân dân và quốc tế ghi nhận, đánh giá cao. Kết quả tiêm vắc xin đã góp phần quan trọng trong việc kiểm soát dịch bệnh trên phạm vi toàn quốc, nhất là giảm thiểu tình trạng bệnh chuyển nặng, nhập viện và tử vong, tạo điều kiện để phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Phối hợp chặt chẽ với Bộ Giáo dục - đào tạo, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tuyên truyền tới phụ huynh, học sinh lợi ích của vắc xin phòng COVID-19 nhằm tạo sự đồng thuận trong công tác tiêm chủng cho trẻ em, nhất là nhóm trẻ từ 5 tuổi đến dưới 12 tuổi để đảm bảo điều kiện an toàn cho học sinh đến trường trong năm học mới.

Đồng thời, tiếp tục nghiên cứu, đánh giá và theo dõi hiệu quả của vắc xin phòng COVID-19 để có thông tin khoa học, chính xác cung cấp cho người dân; đẩy mạnh việc cấp hộ chiếu vắc xin cho người dân.

Đối với Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19, Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trực tiếp chỉ đạo và chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về kết quả tiêm vắc xin trên địa bàn, khẩn trương chỉ đạo thực hiện nghiêm các nhiệm vụ:

Tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong công tác phòng, chống dịch COVID-19. Triển khai quyết liệt các giải pháp đẩy mạnh công tác tiêm chủng để đảm bảo không bỏ sót đối tượng cần tiêm chủng, tăng tỷ lệ bao phủ vắc xin cho người dân.

Bên cạnh đó, tăng tốc độ tiêm chủng cho trẻ em từ 5 tuổi đến dưới 12 tuổi đảm bảo hoàn thành trong tháng 8 năm 2022; hoàn thành sớm nhất việc tiêm mũi 3, mũi 4 cho người dân từ 18 tuổi trở lên và đẩy nhanh tiêm mũi 3 cho người từ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi theo hướng dẫn của Bộ Y tế; chú trọng hoàn thành sớm việc tiêm vắc xin cho các lực lượng y tế, công an, quân đội, giáo viên, người làm việc trong lĩnh vực giao thông vận tải, người cung cấp dịch vụ thiết yếu, người làm việc tại các cơ sở dịch vụ du lịch, trung tâm thương mại, siêu thị, chợ, người làm việc trong các doanh nghiệp, khu công nghiệp; giao chỉ tiêu và tiến độ thực hiện đến tận cấp xã. Đẩy mạnh công tác thông tin truyền thông về tiêm vắc xin, lợi ích, hiệu quả của vắc xin.

Tăng cường kiểm tra, giám sát, đôn đốc triển khai tiêm chủng trên địa bàn, không để tình trạng vắc xin không được sử dụng kịp thời, gây lãng phí. Lãnh đạo cấp ủy, chính quyền địa phương chịu trách nhiệm trước lãnh đạo cấp trên về kết quả tiêm vắc xin trên địa bàn.

Về phía Bộ Giáo dục - đào tạo, Công điện nêu rõ: khẩn trương rà soát, lập danh sách học sinh thuộc độ tuổi tiêm chủng từ 5 đến dưới 18 tuổi chưa tiêm chủng hoặc tiêm chủng chưa đầy đủ; chuẩn bị cơ sở vật chất, nhân lực, thông báo và phối hợp với cơ sở tiêm chủng tại địa phương để tổ chức các điểm tiêm chủng tại trường học hoặc các địa điểm phù hợp khác, bảo đảm an toàn.

Tăng cường công tác tuyên truyền, mời các chuyên gia, nhà tư vấn chuyên môn để tư vấn cho cha mẹ hoặc người giám hộ hợp pháp của học sinh về tác dụng, lợi ích của việc tiêm chủng, những phản ứng có thể gặp sau tiêm chủng và trách nhiệm bảo đảm quyền được tiêm chủng của trẻ em để tạo sự đồng thuận, vận động các em và phụ huynh, người chăm sóc trẻ đưa con em đi tiêm chủng phòng dịch COVID-19 đầy đủ, kịp thời; đặc biệt quan tâm đến các em mắc bệnh lý nền, béo phì... để phối hợp với ngành Y tế thực hiện phương án tiêm chủng bảo đảm an toàn cho trẻ em, học sinh.

Ngoài ra, đối với các bộ, ngành khác: quán triệt và chỉ đạo đẩy nhanh hơn nữa việc tiêm vắc xin cho cán bộ, chiến sĩ, quân nhân, công chức, viên chức, người lao động, học sinh, sinh viên trong toàn ngành đảm bảo hoàn thành tiêm hết các đối tượng theo hướng dẫn của Bộ Y tế…

 

Minh Nhật