Phát biểu mở đầu phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Trưởng Đoàn giám sát cho biết, Đoàn giám sát đã phối hợp với Tổng Thư ký Quốc hội trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết về danh sách ủy viên và đại biểu mời tham gia Đoàn giám sát. Đoàn giám sát đã họp 4 phiên, thông qua Kế hoạch giám sát và Đề cương báo cáo; tiến hành lấy ý kiến chuyên gia, các bộ ngành.

leftcenterrightdel
 Quang cảnh phiên họp (ảnh: VPQH cung cấp).

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nhấn mạnh, đây là chuyên đề giám sát rất rộng, các nội dung không gắn với nhau nhiều. Việc huy động nguồn lực phòng, chống COVID-19 – nội dung này tương đối độc lập với nội dung giám sát về chính sách pháp luật với y tế cơ sở và y tế dự phòng.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, bước đầu Đoàn giám sát đã thống kê 103 văn bản của Đảng, của Quốc hội, của Chính phủ liên quan đến huy động nguồn lực phòng, chống COVID-19 và 59 văn bản về y tế cơ sở, y tế dự phòng (bao gồm văn bản của Đảng, của Quốc hội, của Chính phủ, của Thủ tướng và của các bộ) làm căn cứ triển khai giám sát.

leftcenterrightdel
 Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định phát biểu tại phiên họp (ảnh: VPQH cung cấp).

Phát biểu tại Phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu một số thuận lợi của Đoàn giám sát, đó là Chính phủ đang nghiên cứu sửa đổi Luật Khám bệnh, chữa bệnh trong đó có tổng kết thực hiện Luật, trong đó có nội dung về y tế cơ sở, giúp giảm thời gian nghiên cứu, khảo sát cho Đoàn giám sát. Kiểm toán Nhà nước đã kiểm toán việc huy động, quản lý và sử dụng nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19.

Cùng với đó, Thanh tra Chính phủ và các cơ quan kiểm tra, điều tra, báo cáo của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội về nội dung này. Vì vậy trên cơ sở kết quả kiểm tra, thanh tra, Đoàn giám sát của Quốc hội đi sâu xem xét, đánh giá theo chức năng, nhiệm vụ của Quốc hội.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ lưu ý, Đoàn giám sát cần tổng hợp chủ trương, pháp luật, chính sách liên quan đến nội dung giám sát để có cơ sở, căn cứ để đánh giá, trong đó xác định văn bản gốc để làm căn cứ thực hiện giám sát. Bên cạnh đó, cần làm sâu sắc hơn việc tổ chức thực hiện các Luật trong lĩnh vực y tế, như Luật Khám bệnh, chữa bệnh; Luật Dược; Luật Bảo hiểm y tế; ngân sách chi cho y tế dự phòng; việc thực hiện huy động nguồn lực theo nghị quyết của Trung ương và các nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội liên quan đến y tế cơ sở, y tế dự phòng…

leftcenterrightdel
 Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại phiên họp (ảnh: VPQH cung cấp).

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, mục tiêu cuối cùng giám sát của Quốc hội là trách nhiệm giải trình của cơ quan hành pháp, của Chính phủ. Trách nhiệm giải trình của Chính phủ và các cơ quan liên quan đã thực hiện đúng chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước hay chưa, kết quả đạt được, vấn đề còn hạn chế, yếu kém, trách nhiệm của các cơ quan như thế nào, nếu sai phạm đề xuất các cơ quan khác vào cuộc.

Chủ tịch Quốc hội lưu ý, giám sát cần gắn trách nhiệm giải trình, Quốc hội sẽ kết luận bằng nghị quyết giám sát – đây là mục tiêu chung của các cuộc giám sát của Quốc hội, không chỉ riêng của Đoàn giám sát về “Việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng”. Giám sát tối cao của Quốc hội không phải là làm thay cho cơ quan điều tra, thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, mà chủ yếu là giám sát tổng hợp, trên cơ sở kết quả của kiểm toán, thanh tra, Đoàn giám sát của Quốc hội phân tích, đánh giá sâu sắc thêm vấn đề.

Đối với việc huy động, quản lý và sử dụng nguồn lực phòng chống dịch COVID-19 có nguồn lực trong nước và nước ngoài, Chủ tịch Quốc hội lưu ý, đối việc huy động nguồn lực nước ngoài cần chú trọng giám sát việc tiếp nhận, mua vắc xin, trang thiết bị y tế, việc phân phối, sử dụng. Bên cạnh đó, cũng cần tập trung giám sát việc nghiên cứu, sản xuất, chế biến, chế tạo vật tư, vắc xin, thiết bị sản xuất trong nước, vấn đề tự lực, tự cường trong phòng chống dịch. Việc giám sát cần có trọng tâm, trọng điểm, tránh lãng phí nguồn lực, trong đó chú trọng quan tâm đến việc sử dụng nguồn lực của nhà nước.

leftcenterrightdel
 Các đại biểu tham dự phiên họp (ảnh: VPQH cung cấp).

Về việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Đoàn giám sát tập trung vào mô hình tổ chức, trong đó làm rõ mô hình Trung tâm y tế huyện trực thuộc đơn vị nào, cấp chính quyền địa phương hay Sở Y tế; xem xét nhân lực đối với hệ thống y tế xã có phù hợp với điều kiện xảy ra dịch bệnh và hoạt động bình thường hay không; hiệu quả của mô hình y tế phường, xã gắn với mô hình bác sỹ gia đình.

Đối với việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế dự phòng, việc giám sát cần làm rõ thực trạng địa phương bố trí vốn cho y tế dự phòng như thế nào (có đảm bảo bố trí ít nhất 30% ngân sách y tế dành cho y tế dự phòng). Đoàn giám sát lý giải nguyên nhân vì sao gói hỗ trợ trong Nghị quyết 43/2022/QH15 tăng cường đầu tư cho y tế dự phòng lại không sử dụng hết, do không có nhu cầu, không quan tâm bố trí hay do không chuẩn bị đầu tư kịp; đồng thời kiến nghị đầu tư cho y tế cơ sở và y tế dự phòng trong thời gian tới…

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng đề nghị Đoàn giám sát đánh giá rõ rủi rõ trong từng lĩnh vực để làm trọng tâm giám sát kể cả trong ban hành chính sách và tổ chức thực hiện. Đoàn giám sát xác rõ mục tiêu của hoạt động giám sát, phạm vi, vấn đề trọng tâm trọng điểm, không dàn đều, gắn với trách nhiệm giải trình. Triệt để sử dụng các tài liệu đã có của các cơ quan kiểm tra, thanh tra, kiểm toán; thời gian triển khai ngắn nên chủ yếu tiến hành giám sát tổng hợp; giám sát phải tránh chồng chéo với các cuộc thanh tra kiểm tra; giám sát không làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của hệ thống y tế và các cơ quan liên quan…

Vũ Cảnh