Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu yêu cầu này tại Hội nghị công bố và triển khai quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 diễn ra ngày 20/4.
|
|
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Hội nghị. Ảnh:VGP |
Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng nêu rõ: Quy hoạch tổng thể quốc gia (QHTTQG) có ý nghĩa rất quan trọng và được xây dựng dựa trên định hướng QHTTQG đã được Hội nghị lần thứ 6 Ban chấp hành Trung ương khóa XIII thông qua tại Kết luận số 45-KL/TW ngày 17/11/2022, coi đây là nhiệm vụ chính trị rất quan trọng có ý nghĩa chiến lược, cơ bản, lâu dài, nhưng cũng là vấn đề rất rộng lớn, rất mới, rất khó, rất nhạy cảm và chưa có tiền lệ.
QHTTQG lần đầu tiên được xây dựng ở nước ta, là quy hoạch vừa mang tính tổng thể, vừa mang tính chiến lược, bao trùm mọi lĩnh vực kinh tế- xã hội và được lập cho 10 năm (trước đây chỉ có Chiến lược phát triển kinh tế- xã hội của cả nước). Do đó, việc QHTTQG được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết số 81/2023/QH15 là một bước quan trọng và có thể được đúc kết lại trong 12 chữ "Tư duy mới - Tầm nhìn mới - Cơ hội mới - Giá trị mới"…
Cũng theo Thủ tướng, sau khi được Quốc hội thông qua, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì phối hợp với các Bộ, ngành và địa phương xây dựng Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 81/2023/QH15 ngày 09/01/2023 của Quốc hội và Kế hoạch thực hiện QHTTQG thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, trình Chính phủ ban hành, triển khai.
“Sau khi các quy hoạch được phê duyệt, phải có các dự án, đề án cụ thể, bố trí nguồn lực để thực hiện, mang lại hiệu quả cân đong đo đếm được, góp phần xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả, vì mục tiêu đất nước hùng cường, thịnh vượng, nhân dân ngày càng ấm no, hạnh phúc”- Thủ tướng nói.
Người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh, việc triển khai Luật Quy hoạch là nhiệm vụ chính trị quan trọng của các cấp chính quyền, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy. Thủ tướng cũng cơ bản đồng tình, đánh giá cao báo cáo và các ý kiến rất tâm huyết, đầy trách nhiệm và thiết thực, sát thực tiễn của đại diện lãnh đạo các bộ ngành, địa phương. Qua đó cho thấy, thời gian qua, việc triển khai các nhiệm vụ, công việc theo Luật Quy hoạch đã có những tiến bộ nhất định.
Tuy nhiên, tiến độ lập, thẩm định và phê duyệt quy hoạch vẫn chưa được như kế hoạch đề ra; chất lượng cần được nâng cao hơn nữa; công tác tư vấn cũng gặp những khó khăn cần khắc phục để bảo đảm chất lượng, sát tình hình của các bộ, ngành, lĩnh vực, địa phương; vấn đề kinh phí cho công tác quy hoạch có những quy định chưa hợp lý; công tác thẩm định cần đổi mới để nhanh hơn, chất lượng hơn, tiếp thu, giải trình rõ ràng, khẩn trương; một số vướng mắc về pháp lý cần tiếp tục giải quyết, xử lý.
Thủ tướng cho rằng, nguyên nhân cơ bản nhất là còn một số vướng mắc về pháp lý; tác động của dịch bệnh COVID-19 trong những năm qua; trong khi đây là vấn đề lớn, mới, khó, nhạy cảm và chưa có tiền lệ; có nơi, có lúc vẫn chưa thực sự cố gắng.
Đồng thời, nhấn mạnh một số bài học kinh nghiệm quan trọng, như sự lãnh đạo, chỉ đạo thống nhất, tập trung, tích cực, hiệu quả của cấp ủy, tổ chức đảng; sự đồng tình, ủng hộ, vào cuộc của các chủ thể liên quan, nhất là HĐND các cấp; sự nỗ lực, cố gắng của UBND các cấp, đặc biệt là chủ tịch UBND cần vào cuộc nghiêm túc, sát sao, nhất là trong tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc với đơn vị tư vấn và chủ động làm việc với các bộ, ngành; tất cả đều phải nỗ lực, cố gắng, xem đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng của năm 2023.
|
|
Khai trương Hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu quốc gia về quy hoạch. Ảnh:VGP |
Các bộ, cơ quan ngang bộ và địa phương nghiêm túc kiểm điểm, rút kinh nghiệm và khẩn trương khắc phục các hạn chế, yếu kém; tăng cường kỷ luật, kỷ cương, tập trung cao độ chỉ đạo để thực hiện tốt công tác quy hoạch đảm bảo chất lượng, tiến độ theo nhiệm vụ được Chính phủ giao tại Nghị quyết số 108/NQ-CP ngày 26/8/2022.
Thủ tướng yêu cầu các bộ, cơ quan ngang bộ khẩn trương rà soát các văn bản pháp luật và các văn bản hướng dẫn để kịp thời sửa đổi, bổ sung hoặc trình cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch, trong đó có quy định về kinh phí cho công tác quy hoạch theo hướng có thể sử dụng kinh phí chi thường xuyên. Nội dung nào thuộc thẩm quyền thuộc Chính phủ thì Chính phủ thực hiện, thuộc các bộ, ngành thì các bộ, ngành thực hiện; thuộc thẩm quyền thuộc Quốc hội thì báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định.
Văn phòng Chính phủ phối hợp với Bộ Tư pháp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Chính phủ sửa đổi Nghị định số 37/2019/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quy hoạch phù hợp tình hình hiện nay theo trình tự rút gọn, nhanh nhất có thể.
Các bộ, ngành và địa phương tập trung mọi nguồn lực, đẩy nhanh tiến độ lập, trình thẩm định và trình phê duyệt quy hoạch thời kỳ 2021-2030 theo nhiệm vụ được phân công.
Các bộ, cơ quan ngang bộ và địa phương tăng cường sự phối hợp và chia sẻ thông tin đầy đủ, kịp thời, chính xác, thống nhất trong việc xây dựng và tổ chức thực hiện định hướng quy hoạch và thực hiện chính sách liên quan để đảm bảo sự đồng bộ của các cấp quy hoạch trong hệ thông quy hoạch quốc gia.
Đồng thời, bố trí nguồn lực, đề xuất các cơ chế chính sách để thực hiện hiệu quả các mục tiêu quy hoạch, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với việc thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm 2021-2030, các kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của từng bộ, ngành và địa phương.
Chịu trách nhiệm việc quản lý, thanh quyết toán nguồn vốn tuân thủ theo đúng quy định của pháp luật về đầu tư công, pháp luật về ngân sách Nhà nước; chịu trách nhiệm trong việc lựa chọn nhà thầu, quản lý hợp đồng đảm bảo chặt chẽ, hiệu quả và tuân thủ theo đúng quy định của pháp luật về đấu thầu.
Thường xuyên tổ chức đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ nâng cao năng lực của cán bộ trong công tác lập, thẩm định, thực hiện và quản lý quy hoạch; các tỉnh, thành phố lập tổ công tác chuyên trách do chủ tịch UBND trực tiếp chỉ đạo để làm nhiệm vụ này.
Thủ tướng yêu cầu đổi mới công tác thẩm định bảo đảm nhanh chóng, kịp thời. Các bộ cho ý kiến đúng thời hạn đối với các quy hoạch, ý kiến thẩm định quy hoạch, ý kiến rà soát quy hoạch đúng thời hạn tại văn bản xin ý kiến của bộ, ngành, địa phương, hội đồng thẩm định theo quy định của pháp luật về quy hoạch. Cả trung ương và địa phương cần phải vào cuộc, đổi mới cách làm.
Đối với bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tiếp tục hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc phát sinh liên quan đến bố trí không gian phát triển theo quy hoạch để phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định, phê duyệt. Vấn đề quan trọng nhất là đất đai phải được sử dụng hiệu quả, khả thi, không được để "treo", không để người dân bức xúc.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành và địa phương liên quan theo dõi, đôn đốc và kiểm tra tình hình triển khai thực hiện nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết số 108/NQ-CP ngày 26/08/2022; tiếp tục vận hành Hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu quốc gia để phục vụ hiệu quả cho công tác lập, thẩm định, quản lý quy hoạch theo quy định của Luật Quy hoạch.
Các địa phương theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn chủ động xử lý các vấn đề liên quan một cách quyết liệt, tích cực, chủ động, mạnh mẽ hơn. Đặc biệt, Thủ tướng yêu cầu các các bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ cần phối hợp đồng bộ, chặt chẽ, hiệu quả với các địa phương, trong đó ưu tiên hơn với hai thành phố Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh với khối lượng công việc nhiều, tính chất phức tạp để giải quyết các vấn đề ách tắc trong phát triển kinh tế-xã hội nói chung và công tác quy hoạch nói riêng…