Chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác bảo vệ môi trường, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu nhận định cụ thể về những yếu kém trong quản lý nhà nước, làm rõ trách nhiệm của Trung ương, địa phương, không để tình trạng “cha chung không ai khóc” phải nói đi nói lại mãi…

Sáng nay, 24/8, hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác bảo vệ môi trường diễn ra tại Văn phòng Chính phủ với sự tham gia của 63 điểm cầu tại các tỉnh thành trong cả nước. Tham dự cuộc họp có Phó Thủ tướng Trương Hoà Bình, Vũ Đức Đam, Trịnh Đình Dũng.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, thời gian qua, tình trạng ô nhiễm môi trường, vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường diễn ra phức tạp với nhiều sự cố nghiêm trọng gây bất ổn xã hội.

 

 Thủ tướng: Cứ nói thẳng sự thật, nêu thẳng sự thật và đóng góp cho các cơ quan nhà nước về giải pháp khả thi để giải quyết vấn đề môi trường
Thủ tướng: Cứ nói thẳng sự thật, nêu thẳng sự thật và đóng góp cho các cơ quan nhà nước về giải pháp khả thi để giải quyết vấn đề môi trường


Theo Thủ tướng, tình trạng ô nhiễm môi trường bùng phát gần đây là do tích tụ từ lâu trong quá trình phát triển, giờ bắt đầu bộc lộ.

Ô nhiễm nước, ô nhiễm không khí nghiêm trọng xảy ra ở các đô thị, khu công nghiệp, làng nghề diễn ra trên diện rộng chứ không chỉ một vài điểm. Nhiều vụ khiếu kiện đông người về môi trường tạo ra những điểm nóng về trật tự xã hội.

Từ thực tế đó, người đứng đầu Chính phủ cho rằng, đã đến lúc buộc phải thay đổi tư duy phát triển, không đánh đổi kinh tế lấy môi trường để gây ảnh hưởng cuộc sống bình yên của người dân. Theo đó, Thủ tướng, Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo để giải quyết vấn đề. Thực trạng môi trường đặt ra những thách thức, bộc lộ sự yếu kém trong quản lý mà chưa có giải pháp giải quyết cơ bản ở các địa phương cũng như cơ quan trung ương.

Thủ tướng nhấn mạnh, cuộc họp quan trọng này là để tạo nhận thức rõ hơn, có hành động cụ thể hơn để cải thiện về tình hình môi trường ở Việt Nam.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu đánh giá thực chất tình trạng ô nhiễm môi trường trong các lĩnh vực để nhận định rõ hơn những yếu kém trong công tác quản lý nhà nước dẫn đến thực trạng hiện nay, đặc biệt là những yếu kém về hệ thống cơ quan quản lý nhà nước từ Bộ TN-MT tới các Sở TN-MT và các cơ quan chức năng liên quan.

Thủ tướng chỉ rõ, ngay ở Bộ TN-MT, trách nhiệm của các Cục thế nào hiện cũng chưa rõ. “Giờ cần phải làm rõ hơn trách nhiệm cụ thể của từng cơ quan để tránh tình trạng cha chung không ai khóc cứ phải nói đi nói lại mãi” – Thủ tướng yêu cầu.

Nêu rõ điểm hạn chế, Việt nam là nước đang phát triển, chậm phát triển, có nhiều vấn đề đặt ra về công nghệ, thách thức với quá trình phát triển và bảo vệ môi trường, Thủ tướng lưu ý, các ý kiến thảo luận cần đặc biệt tập trung vào những biện pháp trước mắt, lâu dài để giải quyết vấn đề, để bảo vệ cuộc sống bình yên của nhân dân.

“Cứ nói thẳng sự thật, nêu thẳng sự thật và đóng góp cho các cơ quan nhà nước về giải pháp khả thi để giải quyết vấn đề” – Thủ tướng khẳng định, ông đã yêu cầu, sau cuộc họp này, Bộ TN-MT, Văn phòng Chính phủ có chỉ thị đến các địa phương để báo cáo cấp uỷ, các sở ngành luên quan để có chế tài hợp lý tiếp tục cải thiện vấn đề môi trường.

Nguồn nước bị đe doạ trực tiếp

Đánh giá về thực trạng môi trường, Bộ trưởng TN-MT Trần Hồng Hà nhận định, môi trường đất, nước, không khí của Việt Nam nhìn chung còn khá tốt. Tuy nhiên, nguồn nước mặt ở một số nơi bị ô nhiễm, nhất là các khu đô thị., xung quanh các khu công nghiệp, làng nghề. Chất lượng nước biển cũng bị ô nhiễm cục bộ tại một số khu vực như vùng biển ven bờ từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên-Huế do sự cố môi trường vừa qua.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, tại khu vực đô thị, vấn đề ô nhiễm môi trường chủ yếu là do ô nhiễm bụi do hoạt động giao thông, ô nhiễm không khí, nước mặt tại một số khu vực tập trung các ngành công nghiệp.

Theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, khu vực FDI hiện đóng vai trò chủ yếu trong xuất khẩu của Việt Nam. Các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài chiếm khoảng 70% kim ngạch xuất khẩu và 59% kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam. Xét về mặt tăng trưởng, 70% tốc độ tăng trưởng của nước ta hiện nay được đóng góp bởi các doanh nghiệp FDI.

Tuy nhiên, FDI có chiều hướng dịch chuyển dòng vốn vào các ngành tiêu tốn năng lượng và tài nguyên, nhân lực, không thân thiện với môi trường như luyện kim, sửa chữa tàu biển, dệt may, da giày, khai thác và tận thu khoáng sản không gắn với chế biến sâu, sản xuất bột giấy, sản xuất hóa chất, chế biến nông sản thực phẩm… chưa đạt được mục tiêu thu hút công nghệ cao, công nghệ nguồn và chuyển giao công nghệ. Một số FDI vi phạm pháp luật gây ô nhiễm môi trường như Công ty Vedan, Miwon, Formosa, khói búi ô nhiễm của nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 2, Công ty Lee&Men…
 

 Bộ trưởng Trần Hồng Hà: FDI đã gây nên những tác hại rất lớn đối với môi trường
Bộ trưởng Trần Hồng Hà: FDI đã gây nên những tác hại rất lớn đối với môi trường


Theo ông Hà, cơ chế thu hút FDI bằng mọi giá, đánh đổi với chi phí cơ hội về môi trường… Việt Nam có xu hướng nới lỏng các tiêu chuẩn bảo vệ môi trường nhằm cạnh tranh với các nước khác trong quá trình thu hút nguồn vốn. Chính vì vậy, FDI đã gây nên những tác hại rất lớn đối với môi trường, ví dụ như Công ty Vedan, Miwon, sự cố môi trường biển do Formosa gây ra tại 4 tỉnh miền Trung; khói bụi gây ô nhiễm của nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 2, nhà máy giấy gây ô nhiễm ở Hậu Giang.

Ngoài ra các nhà đầu tư nước ngoài lợi dụng những hạn chế của Việt Nam về các quy chuẩn kỹ thuật để tuồn những công nghệ lạc hậu, thâm dụng tài nguyên, thâm dụng năng lượng vào lao động nhằm tối đa hóa lợi nhuận.

Ông Hà cũng cảnh báo, đang xuất hiện ngày càng nhiều dự án đầu tư có quy mô lớn được cấp phép song thiếu tính toán về quy hoạch, chưa được đánh giá đầy đủ các tác động tới môi trường. Việc kiểm soát, phòng ngừa, ứng phó với các sự cố môi trường trong các dự án đầu tư chưa được quan tâm thực hiện.

 

Theo Dân trí

.