Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh vấn đề này tại Hội nghị trực tuyến Nâng cao công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân; chủ động thích ứng linh hoạt, góp phần phục hồi nhanh, phát triển bền vững, do Bộ Y tế tổ chức hôm nay (21/8).

leftcenterrightdel
 Thủ tướng đánh giá cao những kết quả của ngành Y tế thời gian qua, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19. Ảnh:VGP

Người đứng đầu Chính phủ cho biết, hơn 2 năm qua, chúng ta phải bước vào cuộc chiến chống dịch COVID-19 - cuộc chiến không tiếng súng nhưng đầy cam go, vô vàn thách thức, chưa từng có tiền lệ. Một lần nữa, hàng trăm nghìn y, bác sĩ, cán bộ, nhân viên y tế không quản gian lao, ngày đêm bám trụ trên tuyến đầu, chiến đấu với dịch bệnh; những "chiến sĩ áo trắng" tạm gác việc nhà, việc mình, sẵn sàng đối diện với hiểm nguy, quyết tâm ngăn chặn, đẩy lùi dịch bệnh.

Những hi sinh, vất vả, nhọc nhằn của ngành Y tế đã góp phần quan trọng để chúng ta kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, tạo điều kiện thuận lợi cho kinh tế, xã hội phục hồi và khởi sắc trên hầu hết các lĩnh vực. Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được đảm bảo, tăng trưởng đang ở mức cao. Sản xuất nông nghiệp, công nghiệp tiếp tục phục hồi và phát triển. An sinh xã hội được quan tâm; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được cải thiện. Trật tự an toàn xã hội được bảo đảm; quốc phòng, an ninh được giữ vững; đối ngoại và hội nhập quốc tế được đẩy mạnh.

Tuy nhiên, Thủ tướng cũng thẳng thắn nhìn nhận, ngành Y tế vẫn còn những hạn chế, khuyết điểm, bất cập như: Hệ thống thể chế, chính sách trong lĩnh vực y tế còn bất cập, nhiều quy định chưa rõ ràng, rườm rà về thủ tục hành chính, chưa bao quát được hết các khía cạnh (như trong việc mua sắm, đấu thầu thuốc, trang thiết bị y tế, đầu tư…). Năng lực của hệ thống y tế, nhất là y tế cơ sở, y tế dự phòng còn hạn chế. Tình trạng quá tải ở các bệnh viện tuyến cuối, tuyến trung ương vẫn là vấn đề nhức nhối. Người dân vẫn chưa thật sự hài lòng với chất lượng và sự phục vụ của ngành Y, nhất là y tế công lập. Công nghiệp dược, thiết bị y tế chưa đáp ứng yêu cầu, tính chủ động chưa cao, còn phụ thuộc vào nước ngoài. Nguồn nhân lực chất lượng cao còn hạn chế, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo.

Thu nhập, chế độ, chính sách đãi ngộ đối với cán bộ y tế còn bất cập, đời sống một bộ phận cán bộ y tế còn nhiều khó khăn…Tình trạng thiếu thuốc điều trị, trang thiết bị, vật tư, sinh phẩm y tế ở một số bệnh viện, địa phương chưa được xử lý dứt điểm. 

Nhiều vụ việc vi phạm pháp luật, tiêu cực, nhất là trong mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế phục vụ phòng, chống dịch, lợi dụng dịch bệnh để trục lợi gây dư luận bức xúc trong xã hội. Giá dịch vụ y tế chậm điều chỉnh, chưa tính đủ chi phí thực tế…

Về một số nhiệm vụ, giải pháp trong tâm thời gian tới, cơ bản nhất trí với Báo cáo và nhiều ý kiến phát biểu của các đồng chí dự họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính lưu ý thêm một số nội dung sau:

Tiếp tục phát huy vai trò nòng cốt, cùng các bộ, ngành, địa phương tiếp tục bám sát tình hình dịch COVID-19; triển khai đồng bộ, hiệu quả chương trình phòng chống dịch COVID-19 và các nội dung về y tế trong chương trình phục hồi và phát triển theo chủ trương của Đảng, các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ; chủ động, sẵn sàng cho mọi tình huống, dứt khoát không để dịch bệnh bùng phát trở lại. Nâng cao nhận thức về yêu cầu tiêm vắc xin tập trung đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc xin an toàn, khoa học, hiệu quả; Tiếp tục triển khai hiệu quả 03 trụ cột chống dịch là xét nghiệm, cách ly, điều trị; thực hiện nghiêm 2K+ vắc xin, thuốc + điều trị + công nghệ + ý thức người dân + các biện pháp khác.

Ngoài ra, Bộ Y tế, trực tiếp là đồng chí Quyền Bộ trưởng tập trung lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng Đảng bộ Bộ Y tế và tổ chức đảng toàn ngành Y tế thực sự trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức đảng, đảng viên. Đẩy mạnh học tập tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với thực hiện nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị.

Tiếp tục quan tâm kiện toàn lãnh đạo Bộ và lãnh đạo y tế các cấp. Khuyến khích, bảo vệ và phát huy vai trò của những cán bộ dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung, "Việc gì có lợi cho dân, ta phải hết sức làm. Việc gì hại đến dân, ta phải hết sức tránh".

Thủ tướng cũng yêu cầu, khẩn trương rà soát, nghiên cứu, kịp thời hoàn thiện hệ thống thể chế, chính sách y tế cho cả trước mắt và lâu dài; ưu tiên đầu tư nguồn lực, thời gian nhiều hơn nữa cho hoạt động này. Trước mắt, tập trung sơ kết, đánh giá kết quả 5 năm thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW, Nghị quyết số 21-NQ/TW khóa XII vào cuối năm 2022…

Quan tâm phát triển hệ thống y tế, nhất là y tế cơ sở, y tế dự phòng kết hợp ứng dụng mạnh mẽ khoa học công nghệ. Tập trung triển khai quyết liệt các biện pháp, xử lý dứt điểm tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị y tế tại các bệnh viện. Bộ Y tế cùng Bộ Kế hoạch - Đầu tư, Bộ Tài chính rà soát và chủ động phối hợp với các bộ, ngành liên quan để tạo cơ chế đấu thầu thuốc, trang thiết bị y tế đảm bảo nguyên tắc minh bạch, khả thi và tạo sự yên tâm cán bộ thực thi công chức,  công vụ, tránh tâm lý sợ việc đấu thầu, ảnh hưởng đến sức khỏe nhân dân. Các địa phương phải chỉ ra các vướng mắc cơ chế qua thực hiện trong thực tiễn, thẩm quyền của cấp nào thì cấp đó phải xử lý.

Đồng thời, khẩn trương rà soát các quy định về xã hội hóa, hợp tác công - tư, phát triển y tế tư nhân; tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án đầu tư xây dựng cơ sở 2 Bệnh viện Bạch Mai và cơ sở 2 Bệnh viện Việt Đức.

Sớm hoàn thành phương án thực hiện chủ trương tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế; tiếp tục thực hiện lộ trình về tỷ lệ bao phủ BHYT gắn với giảm chi tiền túi của người dân (nhiều năm qua, chỉ số chi tiền túi (OOP) cho y tế ở nước ta vẫn còn cao, theo số liệu báo cáo là trên 40%).

Cải cách hành chính, chuyển đổi số y tế phải thực chất, hiệu quả, tránh "thùng rỗng kêu to", nếu thực chất, hiệu quả thì nhân dân sẽ cảm nhận được hết, cảm nhận được ngay vì thủ tục y tế liên quan tới mọi người.

Trong công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân, nòng cốt là ngành Y tế nhưng đây cũng là trách nhiệm chung của cả hệ thống chính trị. Các bộ, ngành, cơ quan cần tăng cường phối hợp chặt chẽ với Bộ Y tế, trước mắt là xử lý các vấn đề cấp bách như: Mua sắm, đấu thầu, đầu tư, thanh toán chi phí khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế, chế độ, chính sách đối với cán bộ, nhân viên ngành Y tế…; đồng thời, phối hợp tham gia xây dựng thể chế, chính sách y tế.

Đổi mới và nâng cao hiệu quả thông tin truyền thông liên quan tới bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khoẻ nhân dân. Chủ động tuyên truyền theo tinh thần lấy cái đẹp dẹp cái xấu, lấy tích cực đẩy lùi tiêu cực; khẳng định sự nỗ lực, thành quả rất cơ bản của ngành Y, của đội ngũ cán bộ y tế, củng cố hình ảnh "thầy thuốc như mẹ hiền". Bộ Y tế, Bộ Thông tin- Truyền thông, các cơ quan báo chí tiếp tục phối hợp chặt chẽ tăng cường chủ động, kịp thời cung cấp thông tin, tuyên truyền, nhất là tình hình và các biện pháp phòng, chống dịch...

Cũng theo Thủ tướng, nhiều kiến nghị tại hội nghị xác đáng, xuất phát từ thực tiễn và hết sức trách nhiệm, đề nghị Bộ Y tế tổng hợp, phân loại, nghiên cứu, khẩn trương giải quyết và đề xuất các cơ quan giải quyết theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao, nếu vượt thẩm quyền thì báo cáo các cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định…

 

Minh Nhật