leftcenterrightdel
 Thủ tướng nhấn mạnh nhiệm vụ trong thời gian tới, đó là,  tiếp tục thực hiện nhất quán mục tiêu giữ vững ổn định nền tảng kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát. Ảnh:VGP

Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ,  đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến kết quả phục hồi kinh tế- xã hội còn chậm tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7/2022 diễn ra hôm nay (3/8).

Phát biểu khai mạc phiên họp, Thủ tướng nhận định, trong tháng 7 và 7 tháng vừa qua, tình hình thế giới diễn biến phức tạp, khó lường, chưa có tiền lệ, ảnh hưởng mạnh đến kinh tế toàn cầu cũng như từng quốc gia. Cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn gia tăng, xung đột Nga - Ukraine vẫn kéo dài, khó đoán định.

Chuỗi cung ứng, lao động, sản xuất tiếp tục đứt gãy cục bộ; giá cả nguyên vật liệu, đầu vào và giá nông sản quan trọng có dấu hiệu hạ nhiệt nhưng vẫn ở mức cao, tiềm ẩn biến động, lạm phát ở nhiều nước tăng cao kỷ lục kể từ 3-4 thập kỷ gần đây…Với Việt Nam, nền kinh tế độ mở lớn, tới thời điểm này, kim ngạch xuất khẩu đạt 432 tỉ USD, quy mô còn hạn chế, sức chống chịu có hạn; khó khăn, thách thức nhiều hơn thời cơ, thuận lợi. 

Thủ tướng nhấn mạnh tập trung vào một số nội dung thảo luận, gồm 4 ổn định, 3 tăng cường, 2 đẩy mạnh, 1 tiết giảm và 1 kiên quyết không.

Theo đó, 4 ổn định gồm: Ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn; ổn định các loại thị trường và giá cả; ổn định chính trị và trật tự an toàn xã hội; ổn định và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.

Ba nội dung tăng cường gồm: Tăng cường nắm tình hình, phản ứng kịp thời, linh hoạt, hiệu quả; tăng cường hệ thống y tế, nhất là y tế dự phòng, y tế cơ sở và đặc biệt là tăng cường tiêm vắc xin; tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong hệ thống hành chính.

Hai nội dung đẩy mạnh gồm: Đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, phát triển doanh nghiệp và tạo công ăn việc làm cho nhân dân; đẩy mạnh quy hoạch và giải ngân vốn đầu tư, nhất là vốn đầu tư công

Một tiết giảm là tiết kiệm triệt để, giảm mọi khoản chi tiêu không cần thiết.

Một kiên quyết không là kiên quyết không điều hành giật cục, mà khoa học, linh hoạt, sáng tạo, hiệu quả, chắc chắn.

Trong bối cảnh đó, trên đà phục hồi và tăng trưởng của 6 tháng đầu năm, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương tiếp tục triển khai quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả theo các nghị quyết, kết luận, chỉ đạo của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ, với sự đồng hành và giám sát của Quốc hội, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự ủng hộ của nhân dân và doanh nghiệp, sự hỗ trợ của bạn bè, đối tác quốc tế, đồng thời, bám sát tình hình thực tiễn, đặc biệt những biến động trong và ngoài nước, đề ra và quyết liệt thực hiện các giải pháp linh hoạt, phù hợp ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn, thúc đẩy phục hồi và tăng trưởng cùng với tăng cường xử lý những vấn đề tồn đọng, kéo dài.

Tình hình kinh tế - xã hội tháng 7 và 7 tháng đầu năm tiếp tục ổn định và khởi sắc trên hầu hết các lĩnh vực. Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, tăng trưởng được thúc đẩy, 5 cân đối lớn được bảo đảm. Quốc phòng an ninh, ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, hội nhập và đối ngoại được mở rộng và đẩy mạnh. Bên cạnh đó, nền kinh tế vẫn đối diện áp lực và nguy cơ lạm phát, vấn đề giải ngân đầu tư công, triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm chương trình phục hồi và phát triển còn hạn chế….

Sau khi nghe các ý kiến, Thủ tướng biểu dương những nỗ lực và kết quả của các bộ, ngành, địa phương thời gian qua. Đồng thời, Người đứng đầu Chính phủ cũng lưu ý một số công việc cụ thể như: Đề nghị Bộ Công an nghiên cứu và có giải pháp về vấn đề liên quan tới mẫu hộ chiếu mới, tránh những tác động bất lợi trong bối cảnh mở cửa, phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Người đứng đầu Chính phủ cũng yêu cầu các địa phương thúc đẩy mạnh mẽ việc hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động; công khai trên báo chí về những địa phương làm tốt và chưa làm tốt.

Kết luận phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính thống nhất với các đánh giá về những thành tựu, kết quả đạt được, Thủ tướng nêu rõ, tình hình kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn, thách thức. Tỉ lệ giải ngân vốn đầu tư công còn thấp, 41/51 bộ, cơ quan trung ương và 18/63 địa phương có tỉ lệ giải ngân đạt dưới mức trung bình cả nước.

leftcenterrightdel
 Người đứng đầu Chính phủ cũng yêu cầu các địa phương thúc đẩy mạnh mẽ việc hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động. Ảnh:VGP

Việc triển khai một số chương trình mục tiêu quốc gia, giải ngân vốn đầu tư công, xây dựng văn bản hướng dẫn và giải ngân vốn một số chính sách trong Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội còn chậm.

Hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp gặp khó khăn, nhất là, do giá nhiều nguyên, vật liệu đầu vào tăng cao; khó khăn về vốn, tín dụng...

Trong số các nguyên nhân chủ quan và khách quan, Thủ tướng nhấn mạnh, nguyên nhân chủ quan là vẫn còn một số tập thể lãnh đạo, đặc biệt là người đứng đầu chưa thực sự sâu sát, quyết liệt, chưa bám sát công việc, kiểm tra đôn đốc và đôi khi còn lơ là, chủ quan.

Nhấn mạnh một số bài học kinh nghiệm, Thủ tướng cho rằng, cần tuân thủ nghiêm sự lãnh đạo của Đảng; đoàn kết thống nhất, giữ vững kỷ cương, kỷ luật hành chính; hết sức bình tĩnh, giữ vững bản lĩnh, phát huy kinh nghiệm, nắm chắc tình hình, đánh giá đúng nguyên nhân để có giải pháp phù hợp.

Về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, Thủ tướng nêu rõ, trước hết, tập trung công tác hoàn thiện thể chế theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng, bảo đảm chất lượng, tiến độ các đề án trình Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội; triển khai, thể chế hóa, cụ thể hóa các nghị quyết, kết luận của Đảng, Quốc hội.

Tiếp tục thực hiện nhất quán mục tiêu giữ vững ổn định nền tảng kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn, thúc đẩy tăng trưởng, phục hồi nhanh, phát triển bền vững. Tập trung thực hiện tốt chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, giải ngân vốn đầu tư công và các chương trình mục tiêu quốc gia.

Đẩy mạnh cơ cấu lại kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, thúc đẩy chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo, phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, nâng cao năng lực cạnh tranh và khả năng chống chịu của nền kinh tế trước các cú sốc bên ngoài.

Tại cuộc họp, Người đứng đầu Chính phủ cũng nêu rõ, từ kinh nghiệm "xương máu", vắc xin vẫn là vũ khí chiến lược, lá chắn hiệu quả trong công tác phòng, chống dịch; cần tiếp tục đẩy nhanh tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho các nhóm đối tượng; theo sát diễn biến, sẵn sàng các phương án, kịch bản, nhân lực, trang thiết bị vật tư, y tế phục vụ khám, chữa bệnh và cho công tác phòng, chống dịch trên phạm vi toàn quốc và ở từng địa bàn.

Thủ tướng một lần nữa nhấn mạnh, trong tình hình mới với những diễn biến phức tạp, khó lường, chưa có tiền lệ, nền kinh tế Việt Nam có độ mở lớn, quy mô còn hạn chế, sức chống chịu có hạn, nhiệm vụ là rất nặng nề, đề nghị các cấp, các ngành phát huy tinh thần đoàn kết, thống nhất, vai trò tập thể lãnh đạo và trách nhiệm người đứng đầu, bám sát tình hình thực tiễn, xây dựng mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phù hợp, khả thi, hiệu quả, phát hiện kịp thời, xử lý các vấn đề phát sinh, điều chỉnh, bổ sung kịp thời.

Về các kiến nghị, Thủ tướng đề nghị các địa phương gửi trực tiếp Thủ tướng Chính phủ, Văn phòng Chính phủ tập hợp, các cơ quan đưa ra lộ trình, phương án xử lý kịp thời, hiệu quả, tránh ách tắc.

Minh Nhật