(BVPL) - Liên quan đến quy định thủ tục giám đốc thẩm trong Dự thảo Bộ luật Tố tụng hình sự (sửa đổi) đang được đề xuất, vừa qua có nhiều ý kiến xung quanh vấn đề này. Báo Bảo vệ pháp luật đã có cuộc phỏng vấn PGS. TS Trần Văn Độ (ảnh bên), nguyên Phó Chánh án TANDTC, Chánh án Tòa án quân sự Trung ương.
Phóng viên: Thưa ông, thủ tục giám đốc thẩm trong Dự thảo Bộ luật Tố tụng hình sự (sửa đổi) đang có hai loại ý kiến: Loại ý kiến thứ nhất: bổ sung cho Hội đồng giám đốc thẩm có quyền sửa bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật để phù hợp với thực tiễn giám đốc thẩm thời gian qua, có những trường hợp chứng cứ đã rõ ràng, có thể khắc phục ngay mà không nhất thiết hủy án để điều tra lại, làm kéo dài thời hạn tố tụng. Đồng thời, quy định rõ việc sửa bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật khi có đủ hai điều kiện: (1) Các tài liệu, chứng cứ trong hồ sơ vụ án đã rõ ràng, đầy đủ. (2) Việc sửa bản án, quyết định không làm thay đổi bản chất của vụ án, không làm xấu đi tình trạng của người bị kết án, không gây bất lợi cho bị hại, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án. Loại ý kiến thứ hai: tiếp tục giữ quy định của BLTTHS hiện hành, không bổ sung cho Hội đồng giám đốc thẩm có quyền sửa bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật để phù hợp với Hiến pháp năm 2013 về bảo đảm nguyên tắc hai cấp xét xử.
Vậy quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?
PGS. TS. Trần Văn Độ: Chúng tôi đồng tình với loại ý kiến thứ nhất. Qua thực tiễn nhiều năm tham gia xét xử giám đốc thẩm ở các Toà án quân sự và ở Hội đồng thẩm phán Toà án nhân dân tối cao, chúng tôi thấy rằng, có không ít những vụ án mà chứng cứ có trong vụ án đã rõ ràng; các tình tiết của vụ án được chứng minh đầy đủ, khách quan. Thế nhưng, do nhận thức pháp luật thiếu chính xác mà Toà án đã ra bản án, quyết định có sai lầm nghiêm trọng; trong đó không ít trường hợp gây thiệt hại cho người bị kết án hoặc đương sự khác trong vụ án. Theo Bộ luật tố tụng hình sự hiện hành, các vụ án này phải được huỷ để xét xử lại làm cho việc xét xử bị kéo dài; quyền, lợi ích hợp pháp của người bị kết án, của đương sự tiếp tục bị ảnh hưởng thêm một thời gian.
Vì vậy, theo tôi, trong những trường hợp này, trong phạm vi và điều kiện nhất định, Bộ luật cần giao cho Hội đồng Giám đốc thẩm trực tiếp sửa các bản án, quyết định có sai lầm đó để bảo đảm kịp thời phục hồi quyền, lợi ích hợp pháp của người bị kết án, của đương sự; tránh kéo dài việc giải quyết vụ án dẫn đến lãng phí thời gian, tiền bạc, nguồn lực.
Tuy nhiên, phán quyết của Toà án trong bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật có thể chỉ liên quan đến người bị kết án, một đương sự cụ thể; nhưng cũng có những trường hợp phán quyết đó liên quan đến nhiều cá nhân, cơ quan, tổ chức. Việc sửa bản án, quyết định có lợi cho người bị kết án, cho một đương sự nào đấy lại gây bất lợi cho người khác. Trong trường hợp này, việc sửa bản án, quyết định gây bất lợi cho chính người bị kết án, cho đương sự; hoặc sửa bản án, quyết định có lợi cho người này, nhưng lại gây bất lợi cho người khác mà họ không được trình bày ý kiến, được tranh luận… là trái với nguyên tắc tranh tụng, nguyên tắc bảo đảm quyền bào chữa, quyền bảo vệ lợi ích hợp pháp mà Hiến pháp đã khẳng định.
Vì thế, chỉ nên giới hạn quyền sửa bản án của Hội đồng giám đốc thẩm trong trường hợp việc sửa đó không làm thay đổi bản chất vụ án, không gây bất lợi cho bất kỳ người bị kết án hoặc đương sự nào trong vụ án hình sự mà bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật bị kháng nghị.
Phóng viên: Theo ông, quy định này có trái với nguyên tắc hai cấp xét xử được Hiến pháp quy định hay không?
PGS. TS. Trần Văn Độ: Theo chúng tôi là không hề vi phạm. Nguyên tắc xét xử sơ thẩm, phúc thẩm được bảo đảm quy định nhằm loại trừ thủ tục xét xử sơ thẩm đồng thời chung thẩm vốn được thực hiện theo pháp luật phong kiến và vẫn tiếp tục được thực hiện trong một thời kỳ sau đó. Nguyên tắc hai cấp xét xử có nghĩa rằng, bản án, quyết định sơ thẩm của Toà án bị kháng cáo, kháng nghị trong thời hạn luật định phải được xét xử theo thủ tục phúc thẩm để một lần nữa Toà án kiểm tra, đánh giá lại tính hợp pháp và có căn cứ, kịp thời sửa chữa những sai lầm để thiết lập công lý. Nguyên tắc hai cấp xét xử không có nghĩa rằng một vụ án chỉ được xét xử theo hai cấp; loại trừ cấp xét xử khác nữa. Một vụ án, mặc dù đã có hiệu lực pháp luật, đã được xét xử hai cấp mà vẫn có sai lầm thì phải bằng thủ tục hiệu quả nhất, kịp thời nhất, tuân thủ các nguyên tắc tố tụng cơ bản khắc phục sai lầm đó, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức.
Phóng viên: Xin chân thành cảm ơn ông!
P.V (thực hiện)