Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh tại phiên họp chuyên đề xây dựng pháp luật tháng 2/2022 hôm nay (16/2).

leftcenterrightdel
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 2 với nhiều nội dung quan trọng. Ảnh:VGP 

Tại cuộc họp này tập trung xem xét, thảo luận, quyết định đối với đề nghị của Chính phủ về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022 và 8 dự án luật, đề nghị xây dựng luật.

Thủ tướng cho hay, Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã nhấn mạnh: Tiếp tục quan tâm công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, bảo đảm xứng tầm với một trong ba đột phá chiến lược, trong đó tập trung sửa đổi, bổ sung hệ thống pháp luật, nhất là các vấn đề thực tiễn mới phát sinh, cần điều chỉnh để tháo gỡ các vướng mắc về cơ chế, chính sách, tạo thuận lợi cho phát triển kinh tế-xã hội.

Vừa qua, Chính phủ đã trình Quốc hội ban hành một luật sửa nhiều luật. Thực tiễn cuộc sống và công tác chỉ đạo, điều hành cho thấy còn nhiều vấn đề, nút thắt đang đặt ra, như liên quan tới việc quản lý tài nguyên, khoáng sản, các mặt hàng quan trọng, thiết yếu, các cân đối lớn của nền kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô… Đặc biệt, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội với quy mô khoảng 350.000 tỉ đồng đòi hỏi chúng ta phải khẩn trương tháo gỡ những nút thắt, khó khăn, vướng mắc để triển khai, thực hiện Chương trình có hiệu quả...

Các dự án luật, đề nghị xây dựng luật cũng cho thấy, các cơ quan đã bám sát thực tiễn, xuất phát từ thực tiễn để đề xuất các chính sách, tập trung tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, điểm nghẽn về thể chế, chính sách, nhất là các dự án luật bổ sung, sửa đổi.

Thủ tướng đề nghị các cơ quan trình tiếp thu tối đa ý kiến tại phiên họp, tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan, lấy ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học, các nhà hoạt động thực tiễn, các đối tượng tác động, phát huy dân chủ, huy động trí tuệ tập thể, tôn trọng các ý kiến khác nhau, kể cả các ý kiến phản biện để có đầy đủ thông tin, cân nhắc, lựa chọn phương án tối ưu nhất, tiếp tục hoàn thiện, nâng cao chất lượng xây dựng các dự án luật, bảo đảm tiến độ, phù hợp tình hình thực tiễn, tuân thủ các quy định của Đảng, Nhà nước, đáp ứng mong mỏi của nhân dân, thực thi có hiệu quả.

 

leftcenterrightdel
Thủ tướng nhấn mạnh việc tăng cường kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện các quy định để thể chế, cơ chế, chính sách đi vào cuộc sống. Ảnh:VGP

Thủ tướng yêu cầu các Bộ trưởng, Trưởng ngành tiếp tục tập trung, trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, rà soát các luật, nghị định, thông tư liên quan tới lĩnh vực quản lý, phát hiện các khó khăn, vướng mắc, các vấn đề phát sinh cần điều chỉnh, tích cực chuẩn bị các hồ sơ, dự thảo, trình các cấp có thẩm quyền theo quy định của Đảng, Nhà nước.

Bộ Tư pháp thay mặt Chính phủ tiếp tục kiểm tra, đôn đốc, bảo đảm việc xây dựng và hoàn thiện thể chế đúng quy định, trình tự, thời hạn và nâng cao chất lượng. Các cơ quan tiếp tục quan tâm về chế độ, chính sách, nhân lực, cơ sở vật chất… cho công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế.

Thủ tướng cũng nhấn mạnh, chúng ta đã tập trung cho công tác xây dựng hoàn thiện thể chế thì cần tập trung hơn nữa, đã quyết tâm rồi thì quyết tâm cao hơn nữa, đã thúc đẩy rồi thì thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa; đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện các quy định để thể chế, cơ chế, chính sách đi vào cuộc sống.

Liên quan tới kế hoạch mở cửa du lịch từ ngày 15/3 tới, Thủ tướng giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch làm việc cụ thể với Bộ Y tế, Bộ Ngoại giao và các bộ, ngành liên quan khẩn trương có báo cáo chi tiết với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về chính sách thị thực áp dụng đối với khách du lịch quốc tế nhập cảnh vào Việt Nam.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chỉ đạo, triển khai việc mở cửa trường học, du lịch quốc tế bảo đảm an toàn, khoa học, hiệu quả, phù hợp tình hình, ban hành các quy định, quy trình, tiêu chuẩn liên quan để thực hiện thống nhất trên toàn quốc.

 

Minh Nhật