leftcenterrightdel
Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh nhấn mạnh một số nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới. Ảnh:VGP 

Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh nhấn mạnh tại Hội thảo khoa học cấp quốc gia về “Định hướng xây dựng, hoàn thiện, hệ thống pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật theo tinh thần Văn kiện Đại hội XIII của Đảng” diễn ra sáng ngày hôm nay ( 29/11).

Phó Thủ tướng Thường trực cũng đánh giá những ý kiến phát biểu sát với thực tiễn tình hình xây dựng, thi hành pháp luật hiện nay, làm rõ định hướng xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật, tổ chức thi hành pháp luật theo Văn kiện Đại hội Đảng XIII; đề xuất nhiều giải pháp để tiếp tục cụ thể hóa các định hướng đó trong việc hoàn thiện pháp luật và nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật trong từng lĩnh vực cụ thể.

Đồng thời, đẩy mạnh hoàn thiện pháp luật gắn với nâng cao hiệu lực, hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật, trong đó, công tác thi hành pháp luật cần bảo đảm đủ nguồn lực, lấy chính quyền cơ sở là hạt nhân, lấy người dân là trọng tâm cũng là chủ thể thụ hưởng trong xây dựng chính sách, pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật.

Phó Thủ tướng Thường trực cũng nhấn mạnh cần chủ động tham gia, tích cực đóng góp, nâng cao vai trò của Việt Nam trong xây dựng, định hình các cơ chế đa phương, đồng thời thực hiện tốt các cam kết quốc tế và các hiệp định thương mại đã ký kết.

Để thực hiện thắng lợi những định hướng trên, đòi hỏi phải tiếp tục phát huy tinh thần đổi mới, sáng tạo gắn với kỷ luật, kỷ cương, trách nhiệm của từng cơ quan, cá nhân, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu; đồng thời phải xây dựng được cơ chế phù hợp để bảo đảm sự tham gia của các chuyên gia, nhà khoa học, người làm công tác thực tiễn trong quá trình xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

leftcenterrightdel
Các đại biểu đề xuất giải pháp, nhiệm vụ xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật. Ảnh:VGP

Về nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới, Phó Thủ tướng yêu cầu, tiếp tục quán triệt sâu sắc, tập trung thể chế hóa các nội dung, yêu cầu định hướng, xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng, bám sát 3 đột phá chiến lược, 6 nhiệm vụ trọng tâm và 12 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu mà Đại hội đã xác định; các Kết luận của Bộ Chính trị, Kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị toàn quốc các cơ quan nội chính triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII, Kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị của Chính phủ về công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế. Trong đó, Bộ Tư pháp có vai trò quan trọng trong tham mưu giúp Chính phủ tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng chuẩn bị dự kiến chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh hàng năm của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Các bộ, ngành cần khẩn trương rà soát các văn bản pháp luật, xác định rõ những điểm chưa thống nhất, mâu thuẫn, không còn phù hợp với thực tiễn để đề xuất sửa đổi, bổ sung. Ngoài ra, cần quan tâm, chú trọng đầu tư nguồn lực, các điều kiện bảo đảm cho công tác xây dựng pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ “Đầu tư xây dựng thể chế là đầu tư cho phát triển”.

Phó Thủ tướng Thường trực đề nghị Bộ Tư pháp phối hợp chặt chẽ với Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh nghiên cứu, tiếp thu đầy đủ các ý kiến tâm huyết, trí tuệ của các đại biểu, chuyên gia, nhà khoa học, sớm hoàn thiện và gửi kết quả Hội thảo đến các cơ quan có thẩm quyền tham khảo trong công tác tham mưu, hoạch định đường lối, chính sách của Đảng, xây dựng và thực thi pháp luật.

Đối với Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Chính phủ trong công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật, đồng thời, tăng cường giám sát công tác tổ chức thi hành Hiến pháp, pháp luật.

Ban Nội chính trung ương tham mưu Ban Chỉ đạo chuẩn bị trình Đề án xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045 để xác định rõ mục tiêu, quan điểm, phương hướng, các nhiệm vụ, giải pháp đối với công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật.

Tại Hội thảo, các đại biểu cũng tập trung làm rõ những thách thức, cơ hội và những vấn đề pháp lý đặt ra trong việc triển khai thực hiện định hướng xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng gắn với bối cảnh phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trước tác động của dịch COVID-19, cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và quá trình hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.

Đồng thời, đề xuất định hướng, giải pháp, nhiệm vụ xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và nâng cao hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước, góp phần xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045.

Minh Nhật