(BVPL) - Hôm qua (22/5) Viện trưởng Viện KSND tối cao Nguyễn Hòa Bình đã trình bày Tờ trình, Dự án Luật tổ chức VKSND (sửa đổi) trong phiên toàn thể tại hội trường, Quốc hội khóa XIII kỳ họp thứ 7.
 
Đồng chí Nguyễn Hòa Bình - Ủy viên Trung ương Đảng; Viện trưởng Viện KSND tối cao.
Đồng chí Nguyễn Hòa Bình - Ủy viên Trung ương Đảng; Viện trưởng Viện KSND tối cao.
 
Tờ trình nêu rõ: Qua thực tiễn 10 năm thi hành Luật tổ chức VKSND và Pháp lệnh kiểm sát viên VKSND, Pháp lệnh tổ chức VKS quân sự năm 2002 cho thấy bên cạnh những thành tựu đã đạt được còn tồn tại một số vướng mắc bất cập cần được khắc phục tháo gỡ. Bên cạnh đó, Hiến pháp năm 2013 đã có những nội dung mới quan trọng về định chế viện kiểm sát nhân dân. Đồng thời bổ sung làm rõ những nguyên tắc mới, tiến bộ của tố tụng tư pháp liên quan trực tiếp đến hoạt động của viện kiểm sát nhân dân đòi hỏi phải được cụ thể hóa trong Luật tổ chức VKSND (sửa đổi).
 
Việc sửa đổi luật tổ chức VKSND là theo yêu cầu cải cách tư pháp nhằm tạo cơ sở pháp lý đổi mới toàn diện về: hệ thống tổ chức, chức năng, nhiệm vụ, các nguyên tắc hoạt động, chuẩn hóa các chức danh tư pháp và bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng, tăng cường sự giám sát bên trong và bên ngoài hệ thống, nhất là hệ thống sự giám sát của các cơ quan dân cử…Sửa đổi luật để đáp ứng yêu cầu tăng cường hợp tác quốc tế trong đấu tranh phòng chống tội phạm, nâng cao vai trò, vị trí của viện kiểm sát nhân dân tương đồng với Viện công tố/ Viện kiểm sát các nước trên thế giới. Tiếp thu hợp lý kinh nghiệm quốc tế đã thừa nhận và khẳng định. Vì vậy, việc sửa đổi, bổ sung luật viện kiểm sát nhân dân là khách quan và cần thiết.
 
Dự thảo luật đã lần đầu tiên quy định rõ đối tượng, nội dung, phạm vi, mục đích của tửng chức năng thực hành quyền công tố kiểm sát hoạt động tư pháp. Dự thảo đã luật hóa các nguyên tắc tư pháp tiến bộ được quy định trong Hiến pháp 2013 có liên quan trực tiếp tới hoạt động của Viện kiểm sát nhân dân như: Nguyên tắc suy đoán vô tội, tranh trụng trong xét xử, nhờ người bào chữa, xét xử kịp thời, xử lý nghiêm minh người vi phạm pháp luật trong hoạt động tư pháp…Theo đó, đã sửa đổi , bổ sung các quy định tăng cường vai trò của Công tố ngay từ giai đoạn tiếp nhận giải quyết tố giác tin báo tội phạm và kiến nghị khởi tố, tăng cường trách nhiệm trong hoạt động điều tra, gắn công tố với hoạt động điều tra, xác định thẩm quyền của  Cơ quan Điều tra Viện kiểm sát nhân dân tối cao. Dự thảo cũng quy định hệ thống VKSND gồm 4 cấp: VKSND tối cao, VKSND cấp cao, VKSND cấp tỉnh, VKSND khu vực (hoặc cấp huyện).
 
Ngọc Đức
Hiện nay Luật tổ chức Viện KSND năm 2002 gồm 11 chương, 50 điều; Pháp lệnh Viện kiểm sát quân sự năm 2002 gồm 06 chương  44 điều và Pháp lệnh Kiểm sát viên viện kiểm sát năm 2002 gồm 05 chương 34 điều...thì dự thảo mới Luật Viện kiểm sát nhân dân (sửa đổi) giảm còn 07 chương, 13 mục, 107 điều. Như vậy, dự thảo lần này đã giảm 04 chương, nhưng tăng 57 điều. Trong đó, sửa đổi 73 điều, bổ sung 34 điều mới và không có điều nào giữ nguyên. 
 
Do dự thảo Luật được xây dựng trên cơ sở pháp điển hóa Luật tổ chức viện kiểm sát nhân dân năm 2002, Pháp lệnh Kiểm sát viên năm 2002 (sửa đổi năm 2011) và Pháp lệnh tổ chức Viện kiểm sát quân sự năm 2002 nên đã có thay đổi căn bản về mặt kết cấu.