(BVPL) - Trong 2 ngày 15, 16/11, Quốc hội đã tiến hành thảo luận tại hội trường về sửa đổi Hiến pháp và dự thảo Nghị quyết xin ý kiến nhân dân về sửa đổi Hiến pháp. Đại đa số các ý kiến khẳng định, Viện kiểm sát nhân dân có chức năng thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp.
 

Đại biểu Lương Văn Thành (đoàn TP. Hải Phòng) cho rằng, về vị trí, chức năng, nhiệm vụ của Viện kiểm sát, Hiến pháp năm 1992 quy định: “Quyền lực Nhà nước là thống nhất, có sự phân công và phối hợp giữa các cơ quan Nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, tư pháp, hành pháp”.

 

Đại biểu Lương Văn Thành (Đoàn TP.Hải Phòng).
Đại biểu Lương Văn Thành (Đoàn TP.Hải Phòng).


Trong ba nhánh quyền lực đó, đại biểu Thành đề nghị trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 cần quy định rõ Viện kiểm sát và Tòa án nhân dân nằm trong nhánh quyền lực tư pháp. Viện kiểm sát cùng Tòa án và các cơ quan tư pháp khác trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình có trách nhiệm phối hợp điều tra, truy tố, xét xử đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của Nhà nước và công dân.

Về chức năng, nhiệm vụ của Viện kiểm sát, ông Thành cũng tán thành như dự thảo quy định, Viện kiểm sát nhân dân có chức năng thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp. Tuy nhiên, trong thực tiễn hiện nay ngoài thực hiện chức năng như đã nêu trên, Viện kiểm sát đang được Quốc hội giao thực hiện một số nhiệm vụ như: làm đầu mối trong tương trợ tư pháp, hình sự, dẫn độ, chủ trì liên ngành trong công tác thống kê tội phạm.  

Đặc biệt, trong quá trình xây dựng dự án nghiên cứu về đổi mới tổ chức và hoạt động của VKSND, có một số ý kiến đề nghị trong thời gian tới, giao cho Viện kiểm sát trách nhiệm khởi tố vụ án dân sự, khởi tố vụ án hành chính nhằm bảo vệ lợi ích Nhà nước, lợi ích công cộng, quyền và lợi ích hợp pháp của người chưa thành niên, người có nhược điểm về thể chất và tâm thần. Bên cạnh đó, có nhiều ý kiến đề nghị Viện kiểm sát thực hiện chức năng kiểm sát chung để kiểm sát văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan Nhà nước, việc bổ sung thêm chức năng của Viện kiểm sát nhằm đảm bảo tính hợp hiến của các đạo luật do Quốc hội ban hành.

Về hệ thống tổ chức Viện kiểm sát, dự thảo quy định Viện kiểm sát nhân dân gồm: Viện kiểm sát nhân dân tối cao và các Viện kiểm sát khác do luật định. Theo đại biểu Lương Văn Thành: “Quy định như vậy còn khái quát, chưa đầy đủ. Tôi cho rằng, việc sửa đổi các quy định về hệ thống tổ chức của Viện kiểm sát nhân dân cũng như Tòa án nhân dân một mặt đáp ứng yêu cầu thể chế hóa Nghị quyết 49 và Kết luận số 79 của Bộ Chính trị, đồng thời cũng không gây vướng mắc trong việc xây dựng những đạo luật sau này. Tôi đề nghị sửa đổi, bổ sung tổ chức Viện kiểm sát nhân dân theo hướng Viện kiểm sát nhân dân gồm Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân các cấp, Viện kiểm sát quân sự các cấp và các Viện kiểm sát chuyên ngành do luật định. Quy định từng cấp kiểm sát như vậy nhằm đảm bảo tính ổn định của Hiến pháp, đồng thời đáp ứng yêu cầu đổi mới của Viện kiểm sát trong tiến trình cải cách tư pháp.

Về Ủy ban Kiểm sát trong Viện kiểm sát, đây là một thiết chế quan trọng đã được quy định trong các bản Hiến pháp trước đây và Hiến pháp hiện hành. Thực tiễn hoạt động của Viện kiểm sát nhân dân trong hơn 50 năm qua đã khẳng định tính đúng đắn, hiệu quả và sự cần thiết của chế định Ủy ban kiểm sát. Do vậy, tôi đề nghị tiếp tục giữ nguyên quy định về Ủy ban kiểm sát trong dự thảo sửa đổi Hiến pháp”.

Về nguyên tắc tổ chức, hoạt động của Viện kiểm sát, ông Thành nêu quan điểm: Việc bổ sung nguyên tắc bảo đảm Viện kiểm sát khi thực hiện chức năng, nhiệm vụ chỉ tuân theo pháp luật, không chịu sự can thiệp của các tổ chức và cá nhân là rất cần thiết, là điều kiện để quyết định Viện kiểm sát thực hiện hiệu quả chức năng, nhiệm vụ của mình. Tuy nhiên, dự thảo chỉ quy định Kiểm sát viên là không phù hợp, mâu thuẫn với nguyên tắc hoạt động của Viện kiểm sát nhân dân là nguyên tắc tập trung, thống nhất lãnh đạo trong ngành Kiểm sát. Ở đây cần làm rõ sự độc lập và chỉ tuân theo pháp luật là sự độc lập của cơ quan Viện kiểm sát, không phải là sự độc lập của cá nhân chức danh Kiểm sát viên. Có như vậy mới đảm bảo tính thống nhất, phù hợp với nguyên tắc tập trung, thống nhất trong ngành Kiểm sát nhân dân.

Về bầu chức danh Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, đại biểu Lương Văn Thành đề nghị cần quy định rõ trong Hiến pháp: Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao do Quốc hội bầu trong số đại biểu Quốc hội. Việc xác định người đứng đầu hệ thống tổ chức Viện kiểm sát nhân dân là thành viên của Quốc hội sẽ tạo điều kiện tốt nhất để Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao được tham gia đầy đủ, toàn diện các hoạt động của Quốc hội, lĩnh hội các yêu cầu, nhiệm vụ Quốc hội giao phó để lãnh đạo toàn Ngành hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ được giao. Đồng thời, việc bổ sung quy định này cũng phù hợp với thực tiễn tổ chức, hoạt động của Viện kiểm sát nhân dân trong hơn 50 năm qua.

Tại các Điều 113, 114, 115, 116 dự thảo đã quy định những chức năng, nhiệm vụ thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp của Viện kiểm sát. Theo đó, Viện kiểm sát nhân dân sẽ thực hiện kiểm sát điều tra, truy tố và thực hành quyền công tố trong quá trình xét xử và thi hành án. Trong đó, Viện kiểm sát sẽ phê chuẩn hay không phê chuẩn các lệnh bắt giam, khám xét, truy tố bị can ra trước Tòa án nhân dân, thực hiện quyền công tố trong xét xử đảm bảo cho Tòa án ra bản án, quyết định đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không làm oan người vô tội và chống bỏ lọt tội phạm. Với việc thực hiện các quyền năng nhiệm vụ luật định như trên đã liên quan tới tất cả những quyền cơ bản của công dân. Theo đại biểu Vũ Xuân Trường (đoàn Nam Định) đó là việc thực hiện quyền tư pháp của Viện kiểm sát nhân dân. Vì vậy, ông đề nghị trong Hiến pháp cần khẳng định Viện kiểm sát nhân dân là một trong những cơ quan thực hiện quyền tư pháp. Đây cũng là ý kiến của nhiều đại biểu trong các phiên đã thảo luận ở tổ. Mặt khác, về nhiệm vụ của Viện kiểm sát nhân dân, ngoài kiểm sát các hoạt động tư pháp hiện nay theo luật định, Viện kiểm sát nhân dân đang thực hiện các nhiệm vụ khác như: chủ trì trong việc thực hiện Luật Tương trợ tư pháp, chủ trì trong việc thực hiện nội dung thống kê tội phạm hiện nay và nhiều đại biểu Quốc hội ở các tổ cũng thấy rằng cần thiết phải bổ sung nhiệm vụ cho Viện kiểm sát nhân dân trong việc kiểm sát xử lý vi phạm hành chính, kiểm sát văn bản.

 

Đại biểu Vũ Xuân Trường (Đoàn Nam Định).
Đại biểu Vũ Xuân Trường (Đoàn Nam Định).


Ông Trường đề nghị bổ sung Điều 114 Viện kiểm sát nhân dân là một trong những cơ quan thực hiện quyền tư pháp với chức năng thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp và một số nhiệm vụ khác theo luật định.

Ông Trường cũng đề nghị bổ sung, sửa khoản 1 Điều 114 dự thảo theo hướng quy định Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao do Quốc hội bầu trong số các đại biểu Quốc hội. Tương tự như vậy thì cũng nên đặt ra chế định Chánh án Tòa án nhân dân tối cao và Tổng Kiểm toán Nhà nước phải là đại biểu Quốc hội để đảm bảo thống nhất, ổn định như các Hiến pháp và luật trước đây đã quy định.  

Đối với Điều 115, đại biểu Trường nhất trí phương án 2 của dự thảo là khi thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp, Kiểm sát viên tuân theo pháp luật và sự lãnh đạo, chỉ đạo của Viện kiểm sát nhân dân. Quy định theo phương án trên nhằm đảm bảo nguyên tắc tập trung, thống nhất lãnh đạo trong ngành Kiểm sát và nguyên tắc đảm bảo tính độc lập chỉ tuân theo pháp luật trong hoạt động của Viện kiểm sát nhân dân đã được khẳng định tại khoản 2 Điều 114 là: “Viện kiểm sát nhân dân do Viện trưởng lãnh đạo. Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp dưới chịu sự lãnh đạo của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp trên. Viện kiểm sát nhân dân các cấp chịu sự lãnh đạo thống nhất của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao”.

Cho ý kiến về nguyên tắc hoạt động của Viện kiểm sát được quy định tại Điều 115 dự thảo, đại biểu Phạm Thị Mỹ Lệ (đoàn Bình Phước) tán thành theo hướng khi thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp, Kiểm sát viên chỉ tuân theo pháp luật không chịu sự can thiệp của các cơ quan, tổ chức cá nhân và phải tuân theo sự chỉ đạo của Viện kiểm sát nhân dân. Bởi vì, Viện kiểm sát nhân dân có thể thực hiện quyền chỉ đạo của mình qua công tác cán bộ tại cơ quan như việc bổ nhiệm phân công công việc, đánh giá cán bộ, quyền kiểm tra giám sát Ngành. Tăng cường quyền hạn, trách nhiệm của Kiểm sát viên khi thực hiện quyền của mình.

 

Đại biểu Phạm Thị Mỹ Lệ (Đoàn Bình Phước).
Đại biểu Phạm Thị Mỹ Lệ (Đoàn Bình Phước).


Đại biểu Lệ đề nghị, Điều 115 nên được quy định như sau: “Khi thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp, Kiểm sát viên chỉ tuân theo pháp luật không chịu sự can thiệp của các cơ quan, tổ chức, cá nhân” hoặc chỉ là “khi thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp, Kiểm sát viên chỉ tuân theo pháp luật”. Nên quy định chi tiết quyền hạn và trách nhiệm của Kiểm sát viên trong Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân sẽ đảm bảo tăng cường quyền hạn và trách nhiệm của những Kiểm sát viên khi thực hiện quyền của mình.
 

Ngọc Đức - An Phú
(Tổng hợp)

.