(BVPL) - Thảo luận tại hội trường về Dự án Luật Công chứng (sửa đổi), nhiều đại biểu Quốc hội đã đề cập đến các vấn đề như phạm vi công chứng, tiêu chuẩn Công chứng viên và việc đào tạo tập sự hành nghề công chứng, đối tượng được miễn đào tạo nghề công chứng, quyền, nghĩa vụ của Công chứng viên, chủ trương xã hội hóa nghề công chứng; tổ chức xã hội nghề nghiệp của Công chứng viên; quản lý nhà nước về công chứng; vấn đề về bồi thường, bồi hoàn trong hoạt động công chứng; vấn đề phí công chứng và thù lao công chứng…

Về tiêu chuẩn Công chứng viên quy định tại Điều 14, đại biểu Nguyễn Minh Lâm (đoàn Long An) cho biết, theo quy định của dự án Luật, Công chứng viên hành nghề đến đủ 65 tuổi, đây là quy định mới được bổ sung trong dự thảo lần này. Hoạt động công chứng là hoạt động đặc thù, đòi hỏi Công chứng viên phải có kiến thức pháp luật chuyên sâu trên nhiều lĩnh vực và thường xuyên cập nhật thay đổi bổ sung các quy định pháp luật để đáp ứng yêu cầu của công việc. Ngoài ra, còn đòi hỏi Công chứng viên phải có sức khỏe để làm việc trong môi trường chịu nhiều áp lực, có tinh thần thật minh mẫn, sáng suốt để chứng nhận hợp đồng, giao dịch của các tổ chức, cá nhân. Vì vậy, dự thảo bổ sung quy định giới hạn về độ tuổi hành nghề của Công chứng viên là cần thiết. Tuy nhiên, quy định Công chứng viên được hành nghề đến độ tuổi nào là điều cần phải xem xét và phải có cơ sở khoa học để chứng minh. Theo ông Lâm, độ tuổi hành nghề của Công chứng viên cần phải xem xét theo độ tuổi quy định ở Bộ luật Lao động. Bên cạnh đó, Luật Công chứng hiện hành đã cho phép nhiều đối tượng như: Thẩm phán, Kiểm sát viên, Điều tra viên, Luật sư đã hành nghề từ 3 năm trở nên, Thẩm tra viên cao cấp ngành Tòa án, Kiểm tra viên cao cấp ngành Kiểm sát, chuyên viên cao cấp, nghiên cứu viên cao cấp, giảng viên cao cấp trong lĩnh vực pháp luật được miễn đào tạo nghề công chứng, miễn tập sự nghề công chứng. Từ đó, qua 5 năm triển khai thực hiện Luật Công chứng, số lượng Công chứng viên tăng lên nhưng chất lượng nhìn chung chưa đáp ứng được yêu cầu của công việc. Do đó, dự luật cần xem xét quy định bắt buộc các đối tượng phải qua đào tạo nghề công chứng mới được công nhận là Công chứng viên.

Liên quan đến Điều 12 dự Luật về tổ chức xã hội nghề nghiệp của Công chứng viên, ông Nguyễn Xuân Thủy (đoàn Phú Thọ) nhất trí với quy định về tổ chức xã hội nghề nghiệp của Công chứng viên bởi nó phù hợp với quan điểm, chủ trương về xã hội hóa của hoạt động công chứng. Tuy nhiên, ông Thủy cho rằng, quy định như trong dự thảo luật chưa thể hiện được nội dung cơ bản, diễn đạt còn rườm rà chưa có tính hệ thống, chưa thể hiện rõ ràng khái niệm, chức năng, nhiệm vụ của tổ chức xã hội nghề nghiệp của Công chứng viên; chưa thể hiện được cơ cấu tổ chức, cách thức thành lập của tổ chức này như thế nào. Vì vậy, ông Thủy đề nghị sửa lại khoản 1, Điều 12 theo hướng: tổ chức xã hội nghề nghiệp của Công chứng viên là tổ chức tự quản được thành lập để đại diện bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các thành viên, có tư cách pháp nhân, có con dấu và tài khoản riêng, hoạt động theo nguyên tắc tự trang trải bằng nguồn kinh phí của thành viên, các khoản đóng góp của thành viên và các nguồn thu hợp pháp khác.  

Nhất trí với sự cần thiết sửa đổi Luật Công chứng, tuy nhiên, đại biểu Đinh Thị Mai Lan (đoàn Cao Bằng) cho rằng, một số điểm trong dự thảo cần phải làm rõ. Liên quan đến quan điểm xóa bỏ các phòng công chứng nhà nước tại Điều 41 của dự thảo, bà Lan cho rằng: công chứng hay các dịch vụ pháp lý nói chung đều là dịch vụ mà nhà nước phải bảo đảm cho người dân, nhất là với điều kiện thủ tục hành chính trong giao dịch dân sự ở nước ta còn nhiều bất cập. Do vậy, bất kỳ sự mở rộng nào ra khu vực tư nhân đều chỉ được coi là dịch vụ do người dân tự nguyện lựa chọn. Tương tự, việc quy định cho Chủ tịch tỉnh có thẩm quyền xem xét mức độ cần thiết để định đoạt số phận của các phòng công chứng là không hợp lý. Vì như vậy sẽ có thể có những địa phương không có công chứng nhà nước, gây bất lợi cho người dân. Hơn nữa, mức độ nào được cho là cần thiết cũng rất mơ hồ. Vì vậy, bà Lan đề nghị luật nên được xây dựng theo hướng là đặt chất lượng dịch vụ và sự thuận tiện cho người dân lên hàng đầu, đồng thời bảo đảm cung cấp các dịch vụ này bởi nhà nước ở mọi khu vực, khắc phục tình trạng khuyết thiếu hoạt động công chứng ở một số vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo nơi không có các văn phòng công chứng.
 

Đức Thắng

.