Thủ tướng Phạm Minh Chính lưu ý những vấn đề này tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11 hôm nay (1/12).
|
|
Theo Thủ tướng, bên cạnh những kết quả đạt được, kinh tế- xã hội vẫn còn nhiều bất cập, khó khăn. Ảnh:VGP |
Kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát
Theo Thủ tướng, tháng 11 có nhiều điểm mới và khác so với tháng 10. Cụ thể, tình hình thế giới tiếp tục biến động nhanh, phức tạp, khó lường với các yếu tố rủi ro ngày càng gia tăng, tác động lớn trên quy mô toàn cầu. Cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ngày càng gay gắt, sâu sắc; xung đột Nga-Ukraine kéo dài.
Ngoài ra, lạm phát toàn cầu cao; nhiều quốc gia tăng lãi suất kéo dài và thắt chặt chính sách tiền tệ; đồng USD tăng giá và nhiều đồng tiền tiếp tục mất giá. Tình hình sản xuất kinh doanh suy giảm, thất nghiệp gia tăng, nhiều thị trường lớn có xu hướng thu hẹp. Rủi ro tài chính, tiền tệ, bất động sản, nguy cơ mất an ninh năng lượng, lương thực gia tăng. Một số quốc gia có dấu hiệu rơi vào suy thoái kinh tế. Các tổ chức quốc tế hạ dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới và nhiều nền kinh tế lớn trong năm 2022-2023. Biến đổi khí hậu, thiên tai, thời tiết cực đoan ngày càng phức tạp, khó lường.
Trong khi đó, quy mô nền kinh tế nước ta còn khiêm tốn, có độ mở lớn, sức chống chịu và khả năng thích ứng còn hạn chế, chịu ảnh hưởng lớn trước các biến động của thế giới.
Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11, Chính phủ tập trung thảo luận về tình hình kinh tế-xã hội tháng 11 và 11 tháng năm 2022; tình hình thực hiện chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội; tình hình giải ngân vốn đầu tư công 11 tháng năm 2022; tình hình triển khai 3 chương trình mục tiêu quốc gia và dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2023.
|
Cũng theo Thủ tướng, trong nước, chúng ta quyết tâm chấn chỉnh hoạt động của một số thị trường để các thị trường này hoạt động đúng bản chất, lành mạnh, an toàn, công khai, minh bạch, bền vững, song, quá trình chấn chỉnh này cũng tác động tới tâm lý thị trường. Cùng với đó, xuất hiện tình trạng khan hiếm xăng dầu cục bộ ở một số địa phương; tình trạng thiếu thuốc và trang thiết bị y tế chưa được xử lý dứt điểm.
Tại phiên họp này, Thủ tướng một lần nữa nhấn mạnh quyết tâm chấn chỉnh các thị trường này, "không làm không được", xử lý người sai, bảo vệ người đúng, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của người dân và doanh nghiệp…
Cũng theo Thủ tướng, ở thời điểm cuối tháng 10 và đầu tháng 11, tình hình rất khó khăn, thách thức, nhưng với các nhiệm vụ, giải pháp nói trên và cùng với các biện pháp khác, chúng ta đã kiểm soát được tình hình.
Cụ thể, kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, tiếp tục thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn như: cân đối thu chi (đến thời điểm này, bội thu khoảng 276.000 tỉ đồng, tạo dư địa để thực hiện các nhiệm vụ); xuất-nhập khẩu (xuất siêu hơn 10 tỉ USD); bảo đảm lương thực-thực phẩm (xuất khẩu khoảng 50 tỉ USD hàng nông sản và 7 triệu tấn gạo); cơ bản bảo đảm đủ điện, xăng dầu cho sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng; cung ứng lao động cơ bản đáp ứng nhu cầu.
|
|
Tại phiên họp, Thủ tướng Chính phủ cũng đã giao nhiệm vụ trọng tâm cho từng bộ, ngành. Ảnh:VGP |
An sinh xã hội được bảo đảm; chính trị-xã hội ổn định; quốc phòng, an ninh, độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ được giữ vững; trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm; đối ngoại và hội nhập được tăng cường, mở rộng.
Báo cáo và các ý kiến tại phiên họp thống nhất nhận định, tháng 11 và 11 tháng năm 2022, tình hình kinh tế-xã hội khởi sắc trên hầu hết các lĩnh vực với nhiều điểm sáng. Theo đó, kinh tế vĩ mô duy trì ổn định; lạm phát được kiểm soát, chỉ số giá tiêu dùng bình quân 11 tháng tăng 3,02%. Các cân đối lớn được bảo đảm, trong đó thu ngân sách Nhà nước 11 tháng ước vượt 16,1% dự toán, xuất siêu 10,6 tỉ USD, cung ứng lao động cơ bản đáp ứng nhu cầu. Sản xuất công nghiệp tiếp đà phục hồi, chỉ số IIP tháng tăng 8,6% so cùng kỳ. Trong 11 tháng có gần 195.000 doanh nghiệp thành lập mới và trở lại hoạt động, tăng 33,2% cùng kỳ, gấp 1,47 lần số doanh nghiệp rút lui. Tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong 11 tháng là gần 4,5 triệu tỉ đồng, tăng 21,5%; vốn FDI thực hiện 11 tháng đạt 19,68 tỉ USD tăng 15,1% - cao nhất của 11 tháng trong 5 năm qua...
Các bộ, ngành, địa phương tập trung giải quyết những khó khăn cho doanh nghiệp và người dân, trong đó có tháo gỡ về vốn, mở rộng thị trường, hỗ trợ sản xuất, kinh doanh; thúc đẩy, bảo đảm các thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản và các tổ chức tín dụng hoạt động công khai, minh bạch, lành mạnh, an toàn, bền vững; bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân, doanh nghiệp và các đối tượng liên quan trong bất cứ hoàn cảnh nào…
Giao nhiệm vụ trọng tâm cho từng bộ, ngành
Tuy nhiên, vẫn còn những khó khăn, hạn chế như: Ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế còn tiềm ẩn rủi ro; giải ngân vốn đầu tư công mới đạt 58,33% kế hoạch; xuất hiện tình trạng nhiều doanh nghiệp thu hẹp sản xuất kinh doanh, cắt giảm giờ làm, nghỉ luân phiên, sa thải lao động; tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế cục bộ ở một số bệnh viện, địa phương chưa được xử lý dứt điểm; tội phạm diễn biến phức tạp, nhất là nạn cá độ dịp World Cup...
Thủ tướng yêu cầu tiếp tục nhất quán mục tiêu giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội; đẩy mạnh đối ngoại và hội nhập, đa dạng hóa thị trường, sản phẩm.
Người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh quan điểm điều hành chính sách tiền tệ chắc chắn, chủ động, linh hoạt, hiệu quả; phối hợp đồng bộ, chặt chẽ giữa chính sách tiền tệ, tài khóa và các chính sách vĩ mô khác; tìm điểm cân bằng giữa lãi suất và tỷ giá, giữa kiểm soát lạm phát và thúc đẩy tăng trưởng. Thực hiện chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm, tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân, tăng thu, tiết kiệm chi các khoản không cần thiết.
Nhấn mạnh một số nhiệm vụ trọng tâm với từng bộ, ngành, cơ quan, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư theo dõi sát tình hình để tham mưu về kinh tế vĩ mô và giải ngân đầu tư công; khẩn trương ban hành chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng Đồng bằng sông Hồng; tập trung đẩy mạnh công tác quy hoạch; rà soát các chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để xây dựng Nghị quyết 01 năm 2023 của Chính phủ.
Các bộ, ngành đẩy mạnh giải ngân đầu tư công; chuẩn bị tốt các nội dung phục vụ kỳ họp Quốc hội bất thường sắp tới bảo đảm tiến độ và chất lượng; tổ chức tổng kết năm 2022, xây dựng kế hoạch, triển khai nhiệm vụ năm 2023; phối hợp triển khai Đề án 06 về phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia.
Thủ tướng cũng nhấn mạnh, các bộ, ngành phải làm tốt đồng thời cả 3 việc: Thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ thường xuyên; tập trung xử lý các vấn đề tồn đọng kéo dài; ứng phó kịp thời những vấn đề mới phát sinh…