Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đưa ra đề nghị này tại Hội nghị Cấp cao trực tuyến ASEAN lần thứ 38 cùng lãnh đạo các nước ASEAN và Tổng Thư ký ASEAN ngày 26/10.

Đây là hoạt động mở đầu chuỗi các Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 38 và 39 và các Hội nghị Cấp cao liên quan diễn ra từ ngày 26-28/10/2021.

leftcenterrightdel
Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 38. Ảnh:VGP 

Tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 38, lãnh đạo các nước đã trao đổi về các nỗ lực xây dựng cộng đồng và ứng phó với dịch COVID-19. Theo đó, ứng phó COVID-19 và thúc đẩy phục hồi tiếp tục là ưu tiên và được các nước quan tâm thảo luận. Bày tỏ lo ngại trước những tác động tiêu cực đối với kinh tế - xã hội, các nước nhất trí giải pháp cấp bách hiện nay là cần nỗ lực triển khai tiêm chủng toàn dân, tăng cường hệ thống y tế công cộng, đẩy mạnh phục hồi kinh tế. Đồng thời, ASEAN cần tiếp tục nâng cao năng lực tự cường, tự chủ vắc xin, đảm bảo sự tiếp cận đầy đủ và đồng đều cho người dân.

Ghi nhận tiến triển tích cực trong triển khai Khung phục hồi tổng thể ASEAN, các nước nhấn mạnh, cần tiếp tục thúc đẩy triển khai các sáng kiến, đồng thời chú trọng tận dụng đổi mới, sáng tạo và chuyển đổi số làm đòn bẩy phục hồi.

Tại Hội nghị, lãnh đạo các nước cũng đã nhất trí thông qua Khung thỏa thuận Hành lang đi lại ASEAN (ATCAF) nhằm tạo thuận lợi cho di chuyển thiết yếu trong khu vực, đồng thời, tích cực xem xét khả năng công nhận lẫn nhau và áp dụng giấy chứng nhận tiêm vắc xin điện tử cho người dân.

Thủ tướng Phạm Minh Chính  hoan nghênh các kết quả tích cực mà ASEAN đạt được qua một năm đầy khó khăn, thử thách. Đồng thời, đề xuất hai trọng tâm mà ASEAN cần tập trung trong thời gian tới.

Theo đó, ASEAN cần có cách tiếp cận tổng thể, đồng bộ, linh hoạt về kiểm soát đại dịch COVID-19 với sự tham gia của “cả cộng đồng”, hướng đến người dân, doanh nghiệp là trung tâm và chủ thể, tích cực tháo gỡ khó khăn do tác động của dịch bệnh trên tinh thần “lợi ích hài hoà, rủi ro chia sẻ”.

ASEAN cần chuyển sang chiến lược mới để quản lý sự thay đổi với cách tiếp cận toàn dân để thích ứng an toàn, ứng phó linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, song song với đẩy mạnh phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Để thực hiện hiệu quả, cần nâng cao hiệu quả các cơ chế phối hợp, nâng cao năng lực hệ thống y tế, chủ động về vắc xin, thuốc điều trị và đề cao ý thức của nhân dân. Thủ tướng cũng công bố danh mục vật tư y tế trị giá nhiều triệu USD cam kết đóng góp Kho dự phòng vật tư y tế ASEAN của Việt Nam.

Ngoài ra, Thủ tướng đề nghị ASEAN cần định vị chỗ đứng mới trong tương quan các mối quan hệ kinh tế - chính trị đang tái định hình của thế giới, củng cố vai trò là hạt nhân của các tiến trình đối thoại, hợp tác và liên kết kinh tế đa phương, đa tầng nấc ở khu vực. Để tham gia sâu hơn vào các chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu, nâng cao sức hấp dẫn của thị trường ASEAN và đẩy mạnh quá trình phục hồi kinh tế sau đại dịch, ASEAN cần cân nhắc tận dụng các yếu tố mới như: chuyển đổi số, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, công nghệ xanh, năng lượng tái tạo, nhân lực chất lượng cao.

Đồng thời, nhằm tiếp tục triển khai các ưu tiên của Việt Nam trong năm ASEAN 2020, trong đó có thúc đẩy hợp tác phát triển tiểu vùng gắn với tổng thể tiến trình phát triển chung của ASEAN, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã thông báo kế hoạch tổ chức Diễn đàn ASEAN về Hợp tác tiểu vùng vì phát triển bền vững và tăng trưởng bao trùm vào ngày 30/11/2021 tại Hà Nội.

Tại Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng nhấn mạnh, đã đến lúc ASEAN cần chuyển hướng sang chiến lược mới với cách tiếp cận toàn dân để thích ứng an toàn, ứng phó linh hoạt, kiểm soát hiệu quả đại dịch COVID-19, song song với đẩy mạnh phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Là một trong số các nước ASEAN đang đẩy mạnh nghiên cứu và chủ động sản xuất vắc xin, Việt Nam đề nghị sớm chuyển giao công nghệ sản xuất vắc xin, thuốc điều trị COVID-19, hình thành chuỗi cung ứng tự chủ của khu vực chúng ta. Có thể cân nhắc dùng Quỹ ứng phó COVID-19 của các nước ASEAN hỗ trợ các hoạt động nghiên cứu, phát triển, bào chế thuốc và vắc xin.

Việt Nam cho rằn,  người dân và doanh nghiệp vừa là trung tâm vừa là chủ thể trong nỗ lực ứng phó dịch bệnh và cả trong phục hồi kinh tế và phát triển kinh tế - xã hội. Mọi chính sách đều hướng đến người dân và doanh nghiệp; người dân và doanh nghiệp cũng phải vừa là chủ thể, vừa là trung tâm để tham gia có trách nhiệm trong tiến trình này.

Cũng theo Thủ tướng, những tồn tại, hạn chế như khoảng cách phát triển, khả năng xử lý các thách thức xuyên quốc gia cần được khắc phục hiệu quả không để ảnh hưởng đến tiến trình liên kết ASEAN. Theo đó, "tôi ủng hộ thông qua và triển khai sáng kiến về Đề cao Chủ nghĩa đa phương, Chiến lược tổng thể về Cách mạng công nghiệp 4.0, sáng kiến Lá chắn ASEAN và Tuyên bố của ASEAN gửi đến Hội nghị Liên Hợp Quốc về Biến đổi khí hậu (COP) lần thứ 26…", Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh.
Minh Nhật