Báo cáo công tác năm 2017 của ngành KSND do Viện trưởng VKSND tối cao Lê Minh Trí trình bày sáng ngày 6/11, tại kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XIV cho hay, ngành Kiểm sát tiếp tục tổ chức triển khai đồng bộ nhiều giải pháp thực hiện nghiêm các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, Quốc hội, nỗ lực phấn đấu và hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ được giao.
 
Theo đó, tập trung thực hiện nhiều biện pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát việc khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án hình sự và hoạt động điều tra tội phạm thuộc thẩm quyền. Kết quả, trong năm 2017, ngành Kiểm sát đã hoàn thành vượt các chỉ tiêu, nhiệm vụ trong các Nghị quyết số: 37, 63, 96 và 111 của Quốc hội, góp phần quan trọng vào công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, bảo vệ quyền con người, quyền công dân theo quy định của Hiến pháp và pháp luật.
 
Viện trưởng VKSND tối cao Lê Minh Trí trình bày Báo cáo công tác năm 2017 của ngành KSND tại Kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XIV
 
Cụ thể, đã kiểm sát chặt chẽ 100% các quyết định giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố; số vụ việc yêu cầu khởi tố tăng 24,7% so với năm 2016; số vụ hủy bỏ quyết định khởi tố vụ án hình sự tăng 32,5%;... Qua đó, bảo đảm mọi hành vi phạm tội đã phát hiện đều được xem xét khởi tố kịp thời; thực hiện tốt hơn nhiệm vụ chống oan, sai và bỏ lọt tội phạm; Đã chủ động kiểm sát chặt chẽ hơn việc áp dụng các biện pháp ngăn chặn, các hoạt động điều tra, như: Trực tiếp lấy lời khai người bị bắt, tạm giữ tăng 171%; kiểm sát 100% vụ án hình sự trong suốt quá trình khởi tố, điều tra; số bản yêu cầu điều tra tăng 3,5%; số vụ án trực tiếp điều tra tăng 35,6%, trực tiếp hỏi cung tăng 152,4%, tham gia hỏi cung tăng 45,1%;… Kết quả, các trường hợp bắt, tạm giữ, đã xử lý hình sự đạt 97,3%; tỷ lệ truy tố đúng thời hạn đạt 99,9%, vượt 9,9% chỉ tiêu của Quốc hội; tỷ lệ truy tố đúng tội danh đạt 99,9%, vượt 4,9% chỉ tiêu của Quốc hội; đặc biệt, số bị can phải đình chỉ do không tội phạm giảm 55,3%...  
 
Ngoài ra, đã  tập trung chỉ đạo phối hợp xử lý kịp thời, nghiêm minh các vụ việc, vụ án về tham nhũng. Ngành Kiểm sát đã thực hiện nghiêm chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng; Viện trưởng VKSND tối cao với tư cách là thành viên Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng đã trực tiếp chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ của VKSND thực hiện nhiều giải pháp nâng cao tỷ lệ phát hiện, xử lý các vụ án về tham nhũng và tập trung thu hồi tiền, tài sản Nhà nước bị chiếm đoạt; tăng cường chỉ đạo phát hiện, điều tra tội phạm tham nhũng xảy ra trong hoạt động tư pháp thuộc thẩm quyền điều tra của Cơ quan điều tra VKSND tối cao, thực hiện tốt hơn vai trò, trách nhiệm trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Theo đó, tỷ lệ khởi tố án tham nhũng tăng; chất lượng điều tra, truy tố, xét xử được nâng lên; không có trường hợp khởi tố, truy tố, xét xử oan; việc xử lý nghiêm minh, số bị cáo được hưởng án treo, cải tạo không giam giữ giảm 4%. 
 
VKSND tối cao cũng đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an, TAND tối cao tập trung chỉ đạo điều tra, truy tố 11 vụ/134 bị can và đưa ra xét xử sơ thẩm, phúc thẩm 13 vụ/223 bị cáo về các hành vi tham nhũng đặc biệt nghiêm trọng, như: vụ Hà Văn Thắm, vụ Phạm Công Danh, vụ Giang Kim Đạt,… Đây là những vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng chỉ đạo, theo dõi; kết quả xét xử được dư luận đồng tình ủng hộ, góp phần tạo hiệu ứng tích cực trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước ta.
 
Cũng theo Viện trưởng VKSND tối cao Lê Minh Trí, thời gian qua, công tác chống tham nhũng đã có những chuyển biến tích cực là do vai trò lãnh đạo và quyết tâm chính trị của Đảng, sự chỉ đạo kiên quyết của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng do Tổng Bí thư đứng đầu. Tuy nhiên, tham nhũng là tội phạm ẩn nên khó phát hiện và khi phát hiện, công tác điều tra, truy tố, xét xử vẫn gặp nhiều khó khăn do tính chất phức tạp của loại tội phạm này. Thẩm định của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội có đánh giá việc xử lý các vụ án tham nhũng kéo dài, hồ sơ trả lại nhiều lần, thực tế có thể do nhận thức về pháp luật, do vướng mắc trong giám định tư pháp hoặc tâm lý sợ oan sai, không loại trừ còn có những tác động khác. Thực tế, không có Ngành nào có thể chủ động làm tốt nhiệm vụ chống tội phạm, chống tham nhũng, mà đòi hỏi sự vào cuộc đồng bộ của các ngành Công an, Viện kiểm sát, Tòa án; sự hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế quản lý và hiệu lực quản lý Nhà nước cùng với sự ủng hộ tham gia của nhân dân. 
 
Về công tác phòng chống oan sai, đồng chí Viện trưởng cho biết, ngành Kiểm sát luôn coi chống oan sai và chống bỏ lọt tội phạm là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu và cũng là nhiệm vụ khó khăn nhất, bởi lằn ranh giữa oan sai và bỏ lọt tội phạm rất hẹp. Với yêu cầu tấn công tội phạm, việc áp dụng các biện pháp tố tụng trong giai đoạn xác minh, điều tra ban đầu tuy được luật cho phép và xét thấy cần thiết áp dụng (nếu không áp dụng sẽ khó điều tra làm rõ được tội phạm và người phạm tội), tuy nhiên trong quá trình điều tra có trường hợp sau đó lại bị coi là lạm dụng biện pháp tố tụng, là gây oan sai, vấn đề này đòi hỏi Kiểm sát viên vừa phải quyết tâm tấn công tội phạm, vừa phải thận trọng không để oan sai là một thách thức, khó khăn trong thực hiện nhiệm vụ. Ngành Kiểm sát sẽ nỗ lực không vì chống oan sai mà bỏ lọt tội phạm, đồng thời phải chống lọt tội phạm để đáp ứng yêu cầu tấn công tội phạm. 
 
Năm 2017, Viện trưởng VKSND tối cao đã chỉ đạo thực hiện nhiều giải pháp chống oan, sai như: Tổ chức Hội nghị rút kinh nghiệm án hình sự Tòa án tuyên bị cáo không phạm tội hoặc hủy án để điều tra, xét xử lại; ban hành Chỉ thị tăng cường trách nhiệm trong quản lý, giải quyết các vụ án tạm đình chỉ; gắn trách nhiệm của Viện trưởng, Thủ trưởng đơn vị đối với mỗi quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can; Kiểm sát viên phải chủ động lấy lời khai người bị tạm giữ trước khi phê chuẩn, tăng cường hỏi cung, phúc cung bị can trong quá trình kiểm sát điều tra, truy tố, nhất là đối với vụ án phức tạp; bảo đảm nguyên tắc tranh tụng trong xét xử; đã kiểm sát chặt chẽ, kịp thời phát hiện, ban hành gần 4.000 kháng nghị yêu cầu Tòa án khắc phục những bản án, quyết định vi phạm pháp luật; tập trung thanh tra, kiểm tra trong nội bộ Ngành, để chấn chỉnh, xử lý nghiêm cá nhân có vi phạm liên quan đến oan, sai,… Kết quả, các trường hợp oan, sai giảm mạnh, điển hình là: số bị can đình chỉ do không phạm tội giảm 55,3%; số bị cáo Tòa án cấp sơ thẩm xét xử tuyên không phạm tội giảm 14,3%. 
 
Bên cạnh những kết quả đạt được, đồng chí Viện trưởng VKSND tối cao Lê Minh Trí cũng đã thẳng thắn nhìn nhận những hạn chế, bất cập trong công tác của ngành KSND. Qua đó, đồng chí đã có một số đề nghị nhằm khắc phục những khó khăn, vướng mắc. Cụ thể: Chỉ đạo khẩn trương ban hành các văn bản hướng dẫn áp dụng pháp luật, nhất là đối với các đạo luật tư pháp mới được Quốc hội khóa XIV thông qua tại kỳ họp thứ 3, để kịp thời phục vụ công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật có hiệu quả. 
 
Khẩn trương hoàn thiện Luật phòng, chống tham nhũng (sửa đổi); đề ra giải pháp và cơ chế đặc thù trong thu hồi tài sản tham nhũng. Kịp thời sửa đổi Luật Giám định tư pháp để tháo gỡ vướng mắc cho các cơ quan tư pháp trong điều tra, truy tố, xét xử các vụ án hình sự, nhất là các vụ án tham nhũng, chức vụ, kinh tế. 
 
Đề nghị Chính phủ khẩn trương bổ sung, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách về quản lý kinh tế, xã hội, đặc biệt trong các lĩnh vực nhạy cảm, dễ phát sinh tham nhũng hiện nay, như: Quản lý đất đai, tài chính, ngân hàng và đầu tư công; nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước của các bộ, ngành và địa phương các cấp, cần xác định rõ và xử lý trách nhiệm cơ quan quản lý nhà nước trong các lĩnh vực để xảy ra sai phạm.
 
Cùng với việc giám sát thực hiện nhiệm vụ chống oan sai, đề nghị Quốc hội quan tâm giám sát thực hiện nhiệm vụ chống bỏ lọt tội phạm, việc xử lý hành chính các hành vi có dấu hiệu phạm tội, nhất là tội phạm kinh tế và tham nhũng, chức vụ, vì phía sau của bỏ lọt tội phạm sẽ dễ phát sinh tiêu cực tham nhũng trong các cơ quan bảo vệ pháp luật, nếu không được kiểm tra, giám sát. Tăng cường giám sát việc tuân theo pháp luật trong thực hiện việc tạm đình chỉ các vụ án, bị can, bảo đảm thực hiện tốt nhiệm vụ chống oan sai, đồng thời, thực hiện tốt nhiệm vụ chống bỏ lọt tội phạm.
 
Thực hiện các quy định mới của pháp luật, nhiệm vụ của ngành Kiểm sát tăng thêm rất nhiều; yêu cầu, trách nhiệm đặt ra cao hơn. Để bảo đảm các đạo luật về tư pháp sớm được thi hành nghiêm, tạo điều kiện cho các cơ quan tư pháp, trong đó có ngành Kiểm sát hoàn thành chức năng, nhiệm vụ được giao, đề nghị Quốc hội xem xét tạo điều kiện về nguồn nhân lực và có cơ chế chính sách đãi ngộ về tiền lương, phụ cấp phù hợp với tính chất lao động đặc thù của Ngành. Đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội có ý kiến về việc xem xét cấp dự toán kinh phí ngân sách cho cơ quan tư pháp hàng năm; ưu tiên kinh phí đầu tư xây dựng trụ sở và hạ tầng công nghệ thông tin cho ngành Kiểm sát để thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao.
 
Đánh giá Báo cáo của Viện trưởng VKSND tối cao về công tác của ngành Kiểm sát, theo báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp do Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp  Lê Thị Nga trình bày đã cơ bản tán thành với báo cáo. Mặc dù còn có một số hạn chế, khó khăn, vướng mắc, song VKSND tối cao đã triển khai nhiều biện pháp đồng bộ nhằm thực hiện các nhiệm vụ Quốc hội giao. Điển hình như: Công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra các vụ án hình sự của VKSND trong năm 2017 tiếp tục có những chuyển biến tích cực. Số lượng tố giác, tin báo tội phạm được kiểm sát tăng, công tác phê chuẩn việc áp dụng các biện pháp ngăn chặn cơ bản đúng pháp luật, tỷ lệ truy tố đúng thời hạn và đúng tội danh vượt chỉ tiêu theo yêu cầu của Nghị quyết số 37.
 
Đặc biệt, Ủy ban Tư pháp nhận thấy, chất lượng công tác kiểm sát thi hành án hình sự tiếp tục có những chuyển biến tích cực. Số lượt kiểm sát trực tiếp tại Cơ quan thi hành án, UBND cấp xã tăng. VKSND đã phát hiện các thiếu sót, vi phạm và ban hành nhiều yêu cầu, đề nghị đối với các cơ quan hữu quan; chất lượng các yêu cầu, đề nghị của VKSND được nâng lên, số yêu cầu được các cơ quan hữu quan tiếp thu, thực hiện tăng so với cùng kỳ năm 2016. Thông qua công tác kiểm sát, VKSND đã ban hành nhiều kiến nghị, kháng nghị yêu cầu các cơ quan hữu quan khắc phục vi phạm, đồng thời tổ chức nhiều cuộc kiểm tra việc thực hiện các kiến nghị, kháng nghị…
 
Thanh Dịu - Ngọc Đức
(Lược ghi)