    |
 |
Quang cảnh phiên làm việc của Quốc hội ngày 12/5. Ảnh: VPQH cung cấp. |
Tiếp tục chương trình của Kỳ họp thứ 9, ngày 12/5, Quốc hội Khóa XV tiến hành thảo luận tại hội trường về Dự thảo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi).
Chỉ thu thuế 2% đối với những hoạt động như liên doanh, liên kết bên ngoài
Phát biểu thảo luận, đại biểu Hoàng Văn Cường – Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội cho biết, đối với các đơn vị bệnh viện, các đơn vị trường học thì việc nộp thuế thu nhập không phải được tính bằng cách lấy thu trừ chi mà thường sử dụng một phương pháp gọi là tính trên doanh thu và mức tính trên doanh thu hiện nay là tính trên 2% doanh thu.
    |
 |
Đại biểu Hoàng Văn Cường phát biểu thảo luận. Ảnh: VPQH cung cấp. |
Theo đại biểu, điều này có nghĩa là nếu thu thuế đối với đơn vị này thì đương nhiên trong giá dịch vụ về y tế và học phí giáo dục sẽ được tính luôn 2% là để dành cho nộp thuế. Như vậy, sẽ làm cho học phí tăng lên thêm 2%, giá dịch vụ y tế tăng lên 2% và đương nhiên người bệnh học sinh, người học sẽ phải chịu khoản chi phí này.
“Trong khi chúng ta hiện nay đang chủ trương miễn học phí cho các hệ thống giáo dục phổ thông, tiến tới miễn cả viện phí, chúng ta lại thu thuế trên phần này thì quả thật tạo ra một điều sẽ không được đồng bộ, không được đồng nhất về chủ trương” - đại biểu Hoàng Văn Cường bày tỏ.
Không đồng tình với quan điểm của đại biểu Hoàng Văn Cường, phát biểu tranh luận, đại biểu Nguyễn Vân Chi – Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An nhấn mạnh: “Ở đây tôi xin phép được cung cấp thêm một số thông tin để cho các đại biểu Quốc hội có đầy đủ thông tin về cơ chế đang đánh thuế hiện hành đối với các đơn vị sự nghiệp công lập để tránh sự hiểu nhầm như đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường đã nêu” - đại biểu Nguyễn Vân Chi khẳng định.
    |
 |
Đại biểu Nguyễn Vân Chi phát biểu tranh luận. Ảnh: VPQH cung cấp. |
Theo đại biểu Nguyễn Vân Chi, cơ chế hiện hành là các đơn vị sự nghiệp công lập chỉ nộp thuế đối với những khoản kinh doanh thêm như liên doanh liên kết với bên ngoài và chỉ thu với mức 2% trên phần thu nhập có được từ liên doanh liên kết và lúc này thu theo mức khoán tính trên doanh thu, còn không thu thuế đối với các khoản như viện phí, học phí mà do các trường hay các bệnh viện thu được.
“Vì những khoản phí này đang thu là xuất ra biên lai cho nên không tính vào doanh thu tính thuế, không có hóa đơn, không áp dụng và nguyên tắc không đánh thuế đối với những hoạt động công lập cung cấp dịch vụ công lập này. Vì vậy, cho nên việc đại biểu nói rằng, lấy thu nhập trừ đi chi phí là không phải, đang thu khoán trên doanh thu 2% đối với những hoạt động như liên doanh, liên kết bên ngoài và chính vì vậy không tính đến những đoạn khấu hao, chúng ta không trừ chi phí, không tính trên doanh thu trừ chi phí” - đại biểu Nguyễn Vân Chi phân tích.
Đề nghị miễn thuế thu nhập doanh nghiệp đối với các khoản thu từ hoạt động khám, chữa bệnh công lập
Phát biểu thảo luận, góp ý tại phiên họp, đại biểu Nguyễn Lân Hiếu – Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định cho rằng, trong thực tiễn hoạt động khám, chữa bệnh, nhiều cơ sở y tế công lập hiện đang triển khai các dịch vụ kỹ thuật y tế theo chức năng, nhiệm vụ được giao. Tuy nhiên, các khoản thu từ những dịch vụ này lại đang bị xem là thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp, trong khi bản chất là dịch vụ sự nghiệp công, nhằm phục vụ nhu cầu khám, chữa bệnh của nhân dân.
    |
 |
Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu phát biểu thảo luận. Ảnh: VPQH cung cấp. |
Theo đại biểu, trước đây, Thông tư số 128/2011/TT-BTC của Bộ Tài chính từng quy định rõ rằng thu nhập từ các dịch vụ kỹ thuật y tế thực hiện theo chức năng, nhiệm vụ sẽ được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN). Tuy nhiên, khi Thông tư số 79/2014/TT-BTC ban hành, quy định này đã bị bãi bỏ, dẫn đến nhiều khó khăn cho các cơ sở y tế công lập.
Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu nhấn mạnh, vấn đề đặt ra là mức thu của các dịch vụ y tế công lập hiện nay thường rất thấp, chưa đủ để bù đắp các chi phí phát sinh, bao gồm: chi phí nhân công, chi phí trực tiếp, chi phí khấu hao tài sản, chi phí quản lý...
Đồng thời, theo quy định tại Nghị định số 16/2015/NĐ-CP của Chính phủ, các đơn vị sự nghiệp công lập được giao cơ chế tự chủ tài chính, trong đó có hai nguồn thu chính: từ hoạt động dịch vụ sự nghiệp công và từ hoạt động sản xuất kinh doanh, liên doanh, liên kết. Tuy nhiên, các khoản thu từ khám, chữa bệnh vẫn bị coi là thu nhập từ hoạt động kinh doanh, dẫn đến việc áp thuế TNDN không hợp lý.
    |
 |
Các đại biểu tham dự phiên họp. Ảnh: VPQH cung cấp. |
“Tôi xin đề xuất bổ sung quy định miễn thuế TNDN đối với các khoản thu từ hoạt động khám, chữa bệnh phục vụ nhiệm vụ chính trị, an sinh xã hội, đặc biệt tại các cơ sở y tế công lập. Đồng thời, đề nghị quy định rõ ràng, minh bạch về phạm vi các dịch vụ y tế được miễn thuế, nhằm giảm rủi ro pháp lý, tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị thực hiện nhiệm vụ công” – đại biểu Nguyễn Lân Hiếu kiến nghị.
Ngoài ra, đại biểu Nguyễn Lân Hiếu cũng đề xuất bổ sung quy định miễn thuế TNDN đối với các khoản tài trợ bằng tiền hoặc hiện vật phục vụ cho hoạt động giáo dục, y tế, văn hóa, an sinh xã hội. Việc này không chỉ giúp các đơn vị khó khăn đầu tư, mua sắm trang thiết bị, xây dựng cơ sở vật chất mà còn góp phần khuyến khích các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước tham gia hỗ trợ hệ thống y tế Việt Nam. Đây là bước đi cần thiết để đảm bảo chính sách thuế công bằng, phù hợp với mục tiêu phát triển hệ thống y tế vì cộng đồng.
Bên cạnh đó, theo đại biểu Nguyễn Lân Hiếu, hiện còn tồn tại bất cập trong việc xác định chi phí hợp lý đối với giá thuốc sử dụng trong khám, chữa bệnh ngoại trú. Thông tư 14/2020/TT-BYT quy định giá thuốc không được tính thêm chi phí quản lý, dẫn đến khó khăn trong hạch toán và xác định giá bán. Do đó, đại biểu Hiếu kiến nghị cần điều chỉnh quy định về giá thuốc tại cơ sở y tế công lập, bảo đảm phù hợp với thực tế và không làm phát sinh chi phí thuế không hợp lý cho các đơn vị này.
Cuối cùng, đại biểu Nguyễn Lân Hiếu đề xuất bổ sung quy định về việc miễn thuế TNDN cho các khoản thu từ hoạt động dịch vụ y tế hỗ trợ như: chăm sóc sức khỏe ban đầu, tư vấn y tế, phục hồi chức năng, dinh dưỡng điều trị, mời chuyên gia tư vấn… Theo đại biểu Nguyễn Lân Hiếu, đây là các hoạt động có ý nghĩa hỗ trợ chuyên môn, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, nhưng hiện chưa được xem xét ưu đãi về thuế một cách hợp lý…