(BVPL) - Để thực hiện tốt hơn nữa công tác trợ giúp pháp lý (TGPL), góp phần nâng cao hiểu biết pháp luật, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân; ngày 10 và 11/7, Cục Trợ giúp pháp lý, Bộ Tư pháp tổ đã chức hội nghị về dự thảo đề án đổi mới công tác TGPL giai đoạn 2015 – 2025, định hướng đến năm 2030 tại Hà Nội. Thành phần tham dự là đại diện các trung tâm TGPL trong nước và một số chuyên gia về TGPL trên thế giới.
Tại hội nghị, bà Nguyễn Thị Minh, Cục trưởng Cục Trợ giúp pháp lý (Bộ Tư pháp) cho rằng TGPL là thể hiện bản chất của nhà nước ta, nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Công tác TGPL với người nghèo, người có công với cách mạng, đồng bào dân tộc thiểu số … là thể hiện chính sách nhân văn sâu sắc đảm bảo quyền cơ bản của con người và bảo vệ tốt hơn quyền và lợi ích của các đối tượng yếu thế trong xã hội, bảo đảm sự bình đẳng trong tiếp cận với pháp luật góp phần giữ vững ổn định chính trị, an toàn xã hội.
Hệ thống TGPL ở Việt Nam được hình thành từ năm 1997 và sự ra đời của Luật TGPL năm 2006 đã đánh dấu một bước phát triển quan trọng của công tác TGPL, qua đó góp phần nâng cao hiểu biết pháp luật, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân. Đến tháng 6/2013 trên cả nước đã có 63 trung tâm trợ giúp pháp lý của Nhà nước , 199 chi nhánh, 4345 CLB đăng ký tham gia TGPL.
Tuy nhiên, sau nhiều năm thực hiện thì công tác TGPL vẫn còn một số hạn chế, trong đó TGPL còn dàn trải chưa tập trung vào trọng tâm và cung cấp dịch vụ TGPL. Hệ thống tổ chức hỗ trợ pháp lý hoạt động chưa hiệu quả, trợ giúp viên pháp lý cũng chưa chuyên nghiệp . Cơ cấu nhân lực trong các trung tâm TGPL còn chưa hợp lý và kinh phí cho công tác TGPL hoạt động không đảm bảo và chưa thường xuyên. Đặc biệt sau năm 2010, hỗ trợ của các tổ chức quốc tế ở Việt Nam đã giảm đáng kể trong khi ngân sách Nhà nước chưa có quy định cụ thể về kinh phí cấp cho hoạt động TGPL.
|
Các Luật sư tham gia hội nghị (Ảnh: ĐS) |
Theo Cục trưởng Cục TGPL (Bộ Tư pháp) Nguyễn Thị Minh, có nhiều nguyên nhân dẫn tới thực trạng trên nhưng nguyên nhân chính là do bất cập về mặt thể chế nên hoạt động TGPL chưa hiệu quả. Hơn nữa, kinh phí Ngân sách Nhà nước cấp cho TGPL còn thấp trong khi đó chưa thu hút được xã hội tham gia vào hoạt động TGPL. Hiện số lượng luật sư (LS) được cấp thẻ cộng tác viên TGPL khoảng 1.000 LS, đây là con số quá ít so với gần 9.000 LS hiện nay.
Cũng tại hội nghị này, đại diện Cục Trợ giúp pháp lý đã trình bày nội dung cơ bản của trong đề án đổi mới TGPL giai đoạn 2015 – 2025 và định hướng đến năm 2030. Theo đó, trong thời gian tới, công tác TGPL sẽ tập trung vào một số vấn đề như: tập trung thực hiện vụ việc TGPL, đặc biệt các vụ việc tham gia tố tụng, ưu tiên các vụ việc tố tụng hình sự. Tăng cường giúp người dân tiếp cận với dịch vụ TGPL tại cơ sở thông qua các vụ việc; tăng cường phát hiện nhu cầu TGPL thông qua một số kênh thông tin như điểm tiếp cận TGPL tại cơ sở; duy trì tổ chức thực hiện TGPL của Nhà nước và huy động các tổ chức xã hội cùng tham gia; nâng cao số lượng và chất lượng vụ việc TGPL của các tổ chức tham gia TGPL; có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng với các hình thức phù hợp nhằm nâng cao trình độ chuyên môn và khả năng tranh tụng.
Thông qua hội nghị này, đại diện các trung tâm TGPL Việt Nam đã có buổi thảo luận và chia sẻ kinh nghiệm với các chuyên gia Quốc tế về công tác TGPL cũng như mô hình TGPL ở một số nước trên thế giới, giúp cho việc hoàn thiện hơn nữa công tác TGPL cho công dân.
Đặng Sinh