(BVPL) - Tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII, chiều 27/10, các đại biểu làm việc tại Hội trường, thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật tổ chức Viện Kiểm sát nhân dân (sửa đổi).
 
Nhìn chung, đa số các đại biểu đánh giá cao ban soạn thảo đã tiếp thu nghiêm túc và bổ sung các ý kiến đóng góp của đại biểu tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIII và cho rằng dự án Luật sẽ khắc phục cơ bản những khó khăn vướng mắc, bất cập của luật hiện hành; tạo điều kiện cho VKSND thực hiện tốt nhiệm vụ, chức năng theo quy định tại Hiến pháp 2013. Theo đại biểu Hồ Văn Năm (Đồng Nai), dự án Luật sẽ góp phần tăng cường trách nhiệm của VKSND trong việc bảo vệ quyền con người, quyền công dân; phát hiện, xử lý kịp thời những hành vi sai phạm trong hoạt động tư pháp; bảo đảm chính xác, khách quan, tránh oan sai, bỏ lọt tội phạm... Về thẩm quyền điều tra của Cơ quan điều tra của VKSNDTC, Cơ quan điều tra của Viện Kiểm sát quân sự Trung ương, các đại biểu Phạm Văn Gòn (Thành phố Hồ Chí Minh), Nguyễn Thị Bích Nhiệm (Yên Bái), Hà Công Long (Gia Lai)... cơ bản thống nhất với quy định giao cho cơ quan điều tra VKSND thẩm quyền điều tra tội phạm xâm phạm hoạt động tư pháp và tội phạm tham nhũng xảy ra trong hoạt động tư pháp. Tuy nhiên, các đại biểu cho rằng cần bổ sung thêm quy định giao cơ quan điều tra của VKSND về điều tra các tội phạm khác, phù hợp với chức năng kiểm sát hoạt động tư pháp của VKSND.
 
Theo Đại biểu Phạm Văn Gòn thì qua công tác đấu tranh phòng chống tội phạm cho thấy hành vi vi phạm về chức vụ quyền hạn cũng là nguyên nhân trực tiếp làm phát sinh tội phạm xâm phạm hoạt động tư pháp. Bên cạnh đó, còn có các vi phạm như cố ý làm lộ bí mật công tác; đưa hối lộ; lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ quyền hạn để trục lợi... Vì vậy, đại biểu đề nghị dự án Luật cần quy định cơ quan điều tra của VKSNDTC, Cơ quan điều tra của Viện Kiểm sát quân sự Trung ương điều tra tội phạm xâm phạm hoạt động tư pháp, tội phạm về tham nhũng, tội phạm về chức vụ xảy ra trong hoạt động tư pháp mà người phạm tội là cán bộ, công chức thuộc cơ quan điều tra, tòa án, viện kiểm sát, cơ quan thi hành án, người có thẩm quyền tiến hành hoạt động tư pháp; điều tra hoạt động của các cơ quan tư pháp khác khi phát hiện oan sai, bỏ lọt tội phạm trong quá trình điều tra.
 
Liên quan đến quy định về chức năng thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp, Đại biểu Trần Đình Sơn (Đắk Lắk) nêu ý kiến dự án Luật nên quy định VKSND thực hành quyền công tố ngay từ khi quá trình tội phạm xảy ra và trong suốt quá trình điều tra, truy tố xét xử để phù hợp với chức năng của Viện Kiểm sát và việc đấu tranh phòng chống tội phạm. Cho ý kiến về thẩm quyền khởi tố vụ án dân sự của VKSND, đại biểu Hà Công Long (Gia Lai) cho rằng việc thực hiện thẩm quyền này là cơ chế pháp luật hữu hiệu để bảo đảm VKSND thực hiện được trách nhiệm bảo vệ Hiến pháp, pháp luật; bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa; bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, góp phần bảo đảm pháp luật được chấp hành nghiêm chỉnh và thống nhất. Tán thành với ý kiến trên, các đại biểu Nguyễn Bích Nhiệm (Yên Bái), Vũ Xuân Trường (Nam Định), Lê Nam (Thanh Hóa), Hồ Văn Năm (Đồng Nai)... khẳng định việc giao thẩm quyền khởi tố vụ án cho VKSND sẽ góp phần bảo vệ lợi ích nhà nước, lợi ích công cộng, lợi ích hợp pháp của người chưa thành niên, người có nhược điểm về thể chất, tâm thần...
 
Chiều cùng ngày, các đại biểu cũng dành thời gian thảo luận về số lượng Kiểm sát viên VKSNDTC; về quy định tuổi nghỉ hưu của kiểm sát viên VKSNDTC; về phân biệt giữa quyền kháng nghị và kiến nghị của VKSND khi thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp...
 
PV (Tổng hợp)