Chiều 24/2, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (QH) đã xem xét và cho ý kiến về báo cáo công tác nhiệm kỳ 2011-2016 của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Báo cáo trước Ủy ban Thường vụ QH, ông Nguyễn Khắc Định, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cho biết, ngay sau Đại hội XI của Đảng, tình hình kinh tế - xã hội trong nước và quốc tế khó khăn hơn dự báo, Chính phủ đã trình Trung ương Đảng điều chỉnh mục tiêu, nhiệm vụ và được Quốc hội thông qua kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011 - 2015. Trong đó, tập trung ưu tiên kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô; bảo đảm an sinh xã hội, cải thiện đời sống nhân dân; duy trì tăng trưởng ở mức hợp lý gắn với đẩy mạnh thực hiện ba đột phá chiến lược, cơ cấu lại nền kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng; bảo đảm quốc phòng - an ninh và ổn định chính trị - xã hội; tăng cường hoạt động đối ngoại và nâng cao hiệu quả hội nhập quốc tế; tạo tiền đề vững chắc cho tăng trưởng cao hơn ở những năm cuối của kế hoạch 5 năm.

Theo ông Định, ngay từ đầu nhiệm kỳ, Chính phủ đã ban hành, triển khai Chương trình hành động toàn khóa, trong đó xác định 10 nhóm nhiệm vụ chủ yếu với 637 đề án lớn, trong nhiệm kỳ đã cụ thể hóa thành trên 2.600 đề án thành phần để tổ chức thực hiện. Đến năm 2015 đã cơ bản hoàn thành, chỉ còn 59 đề án chuyển sang năm 2016. Việc thực hiện Chương trình có bước tiến bộ, bảo đảm chất lượng, hiệu quả, khả thi hơn.

Theo ông, công tác chỉ đạo, điều hành tiếp tục được đổi mới; xử lý có hiệu quả công việc thường xuyên; linh hoạt, quyết liệt giải quyết các vấn đề đột xuất phát sinh. Việc phối hợp xử lý giữa các bộ, cơ quan, địa phương ngày càng chặt chẽ, hiệu quả hơn.

 

 Thường vụ QH xem xét báo cáo nhiệm kỳ của Thủ tướng Chính phủ. (Ảnh: Vạn Xuân)
Thường vụ QH xem xét báo cáo nhiệm kỳ của Thủ tướng Chính phủ. (Ảnh: Vạn Xuân)


Theo ông Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, trong nhiệm kỳ, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo, điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, giảm mặt bằng lãi suất, bảo đảm vốn tín dụng cho nền kinh tế gắn với  xử lý nợ xấu và nâng cao chất lượng tín dụng.

Tỷ giá được điều chỉnh linh hoạt, phù hợp. Điều hành, quản lý và sử dụng ngân sách nhà nước ngày càng hiệu quả, chủ động đề xuất và điều chỉnh chính sách thu, giảm, giãn một số sắc thuế và khoản thu để tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ duy trì, phát triển sản xuất kinh doanh...

Tuy nhiên, theo ông Định, bên cạnh những tiến bộ và kết quả đạt được, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nghiêm túc nhìn nhận còn những hạn chế, yếu kém trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của pháp luật.

Đó là, việc quán triệt, thể chế hóa và ban hành các kế hoạch, chương trình hành động để triển khai thực hiện chủ trương chính sách của Đảng, thi hành Hiến pháp, pháp luật, Nghị quyết của Quốc hội trong một số lĩnh vực và ở một số bộ, ngành, địa phương còn lúng túng. Khuôn khổ pháp lý, cơ chế, chính sách trong một số lĩnh vực còn chậm được hoàn thiện. Việc thực thi pháp luật có lúc, có nơi chưa thực sự hiệu quả.

Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh trong một số trường hợp tính khả thi chưa cao. Tiến độ xây dựng một số dự án luật, pháp lệnh còn chậm, chất lượng thẩm định còn thiếu tính bao quát, khả thi. Công tác phối hợp trong nghiên cứu, xây dựng luật, pháp lệnh chưa thật chặt chẽ. Giám sát, phản biện xã hội hiệu quả chưa cao.

Công tác chỉ đạo điều hành phát triển kinh tế - xã hội trong một số lĩnh vực còn những hạn chế, yếu kém và gặp nhiều khó khăn, thách thức. Khả năng nắm bắt, xử lý thông tin, năng lực phân tích, dự báo còn hạn chế. Sự phối hợp giữa các chính sách tài khóa, tiền tệ, thương mại, đầu tư và các chính sách khác trong thực hiện các mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định vĩ mô và tăng trưởng kinh tế có thời điểm còn chưa đồng bộ, chưa theo kịp yêu cầu thực tiễn. Nhiều cơ chế, chính sách còn thiếu tầm nhìn dài hạn, chưa cân đối đủ nguồn lực để triển khai. Việc huy động nguồn lực cho phát triển kết cấu hạ tầng còn nhiều hạn chế. Tổ chức triển khai thực hiện nhiệm vụ tái cơ cấu kinh tế ở nhiều lĩnh vực còn chậm. Công tác quy hoạch, quản lý thực hiện thiếu đồng bộ, chưa phù hợp với cân đối nguồn lực.

Tổ chức bộ máy hành chính nhà nước ở nhiều bộ ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị vẫn chưa tinh gọn, hiệu quả và còn chồng chéo. Công tác phối hợp trong giải quyết các vấn đề liên ngành, liên vùng còn nhiều vướng mắc. Công tác cải cách hành chính trên nhiều lĩnh vực chưa đáp ứng yêu cầu, nhiều quy định về thủ tục hành chính còn phức tạp. Công tác quản lý công chức, viên chức còn hạn chế. Việc đánh giá cán bộ, công chức, viên chức còn lúng túng, bất cập...

"Những hạn chế, yếu kém trên là do nhận thức về kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa trên nhiều lĩnh vực chưa đủ rõ và còn khác nhau nên việc xây dựng thể chế, chính sách nhiều mặt còn lúng túng, thiếu nhất quán, chưa thật phù hợp với kinh tế thị trường, chưa tạo được động lực mạnh mẽ để huy động, phân bổ và sử dụng hiệu quả các nguồn lực cho đầu tư phát triển...", ông Định cho biết.

 

Theo Infonet

.