(BVPL) - Nga đang bị Mỹ và EU cô lập vì cuộc khủng hoảng Ukraina, đồng rúp thấp ở mức gần kỷ lục, đầu tư nước ngoài sụt giảm, Nga đang đứng trước áp lực trao “đặc quyền” cho Trung Quốc nhằm vãn hồi nền kinh tế. Đổi lại Trung Quốc có thể tiếp cận được thứ 2 đó là: nguyên liệu thô và vũ khí hiện đại. “Tổng thống Vladimir Putin giờ đây rời xa phương Tây và hướng về phương Đông, Trung Quốc đang thu hút lợi nhuận tối đa từ nhu cầu của Nga”, Masha Lipman, một nhà phân tích chính trị độc lập ở Moscow cho biết.
Trên thực tế, Trung Quốc thân thiện với Đức, Pháp và Anh, mối quan hệ với Mỹ căng thẳng nhưng khá ổn định. Mặc dù Nga – Trung Quốc với hơn 4.000km đường biên có thể không phải là một đồng minh thân cận, nhưng quan hệ song phương ít nhất đang ngày một ấm lên. Trung Quốc không muốn lãng phí thời cơ hiếm có trên. Một phái đoàn dẫn đầu là Thủ tướng Lý Khắc Cường đã ký hàng loạt thỏa thuận với Nga tại Moscow trong các lĩnh vực quan trọng như năng lượng và tài chính. Các ngân hàng quốc doanh của Nga đều nằm trong phạm vi chịu lệnh cấm vận của phương Tây.
|
Trung Quốc đang hưởng lợi từ cuộc khủng hoảng Ukraina. |
Ngoài ra, mối quan hệ của 2 trong số 5 thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (LHQ) có thể còn đi xa hơn nữa khi Tổng thống Putin đang tiến đến việc đáp ứng một trong những mục tiêu quân sự quan trọng của Trung Quốc: mua sắm công nghệ hiện đại. Trung Quốc có thể được Nga ký các hợp đồng cung cấp hệ thống tên lửa S-400, máy bay chiến đấu Su-35 cho Trung Quốc trong quý 1 năm tới, Vasily Kashin - một chuyên gia nghiên cứu Trung Quốc tại Trung tâm Phân tích chiến lược và công nghệ Moscow cho biết. Nga cũng có thể cung cấp cho Trung Quốc loại tàu ngầm mới nhất, Amur 1650, và các thiết bị để sản xuất vệ tinh hạt nhân, Kashin tiết lộ thêm...
Bắc Kinh đang có nhiều lợi thế, được hưởng lợi lớn từ các diễn biến hiện tại, từ đó thúc đẩy các điều kiện tưởng như không tưởng vào thời điểm chưa xảy ra cuộc khủng hoảng Ukraina. Trước đó, Trung Quốc đã đạt được mục tiêu chiến lược - đó là nguồn cung cấp khí của Nga với tổng giá trị hợp đồng lên tới 400 tỉ USD, kéo dài 30 năm. Một dấu hiệu khác của Tổng thống Putin trong nỗ lực xây đắp quan hệ với Trung Quốc giữa lúc phải đối phó với các biện pháp trừng phạt của phương Tây, đó là việc bổ nhiệm một trong những đồng minh tin cậy nhất của ông, tỉ phú Gennady Timchenko, vào vị trí đứng đầu Hội đồng Kinh doanh Nga-Trung. Tuy nhiên, để an toàn Nga vẫn kiểm soát chặt chẽ các khoản đầu tư của Trung Quốc.
Theo dữ liệu của Bloomberg, khi Putin lên nắm quyền vào năm 2000, Nga nhập khẩu chưa đầy 1 tỉ đôla giá trị hàng hóa Trung Quốc mỗi năm trong khi xuất khẩu đạt gần 6 tỉ USD. Năm ngoái, hàng hóa Trung Quốc nhập vào Nga đã đạt mức kỷ lục với 53 tỉ USD so với gần 40 tỉ USD hàng hóa Nga vào Trung Quốc. Theo Alexei Maslov, phụ trách nghiên cứu châu Á tại trường Kinh tế ở Moscow, người Trung Quốc chủ yếu vẫn chỉ quan tâm tới nguyên liệu thô. “Ưu tiên hàng đầu là đa dạng thương mại vì 70% xuất khẩu là nguyên liệu thô”. “Chúng tôi muốn giảm con số này nhưng Trung Quốc không quan tâm”. Maslov nhấn mạnh, Trung Quốc cho đến nay không có nhiều nỗ lực để đáp ứng mong muốn của Nga. “Họ đang tận dụng hoàn cảnh”, “Trước đây Nga có chọn lựa phương Tây nhưng giờ không phải vậy, nên Trung Quốc đang tận dụng vị trí không có ai tranh giành này”.
Ngoài quan hệ với Nga, Trung Quốc cũng có quan hệ rất gần gũi với Ukraina. Chính phủ Trung Quốc đã cho Kiev vay 3 tỉ USD để hiện đại hóa lĩnh vực nông nghiệp. Khoản vay này sẽ được trả trong 15 năm với việc cung cấp ngũ cốc. Nhưng Ukraina đã không thể giữ vững thỏa thuận và Bắc Kinh đang tìm kiếm sự bồi hoàn. Tuy nhiên, hợp tác quân sự song phương còn khá sâu đậm. Kiev không chỉ bán cho Trung Quốc hàng trăm động cơ máy bay mà còn bán cả tàu sân bay đầu tiên, hiện đã được Trung Quốc nâng cấp và đưa vào hoạt động dưới cái tên Liêu Ninh.
Bắc Kinh đang ở giữa một cuộc xung đột có thể gây phản ứng ngược với chính họ. Nơi hậu trường, người Trung Quốc đang thúc giục Ukraina giữ quan điểm trung lập tối đa có thể để không làm mất lòng bất kỳ ai. Ít nhất ở thời điểm này, họ đã thành công. Với việc phương Tây gần đây đe dọa áp dụng các biện pháp trừng phạt mạnh tay hơn nữa, Trung Quốc có thể đạt thêm nhiều thỏa thuận với Nga. Hai nước dự kiến chi 1,3 tỉ USD cho việc xây dựng một cây cầu, một đường hầm và mạng lưới đường sắt xuyên qua eo biển Kerch nằm giữa Nga và Crưm. Họ cũng xem xét xây dựng một kênh đào ở Nicaragua để cạnh tranh với kênh Panama mà Mỹ xây dựng.
Theo Ja Ian Chong, giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Quốc gia Singapore, Trung Quốc đang ở thế “trên cơ” so với Nga, họ cũng sẽ khiến Tổng thống Putin có ít nhiều nhượng bộ. “Nga quan trọng với châu Á vì hai lý do: cung cấp năng lượng và bán vũ khí”, Ian Storey, nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện nghiên cứu Đông Nam Á ở Singapore nói. “Kể cả khi quan hệ Nga –Trung Quốc được củng cố, thì đây là một cuộc “hôn nhân” vật chất hơn là tình yêu thực sự, khi sự hoài nghi tồn tại ở cả hai bên”.
Sơn Hải (tổng hợp)