|
|
Toàn cảnh phiên họp sáng nay |
Qua thảo luận, các đại biểu đều nhất trí cao với tờ trình của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Quốc phòng và An ninh về Dự án Luật Lực lượng dự bị động viên; nhấn mạnh, việc xây dựng và ban hành Luật Lực lượng dự bị động viên là cần thiết nhằm nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình hiện nay; .. khắc phục những vướng mắc, bất cập và hạn chế sau hơn 20 năm thực hiện Pháp lệnh về Lực lượng dự bị động viên; bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất của dự thảo Luật với hệ thống pháp luật, nhất là các luật điều chỉnh quan hệ xã hội trong trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh, tạo hành lang pháp lý đầy đủ để Lực lượng dự bị động viên hoạt động hiệu quả, hiệu lực.
Các đại biểu cũng thống nhất cho rằng: Với vai trò chỉ đạo, hướng dẫn, triển khai tổ chức thực hiện từ Bộ Quốc phòng cho đến cấp ủy, chính quyền địa phương, công tác huy động Lực lượng dự bị động viên thời gian qua đạt kết quả tốt, chất lượng dự bị động viên được nâng lên; được thể hiện ở vai trò, vị trí, việc thực hiện nhiệm vụ của Lực lượng dự bị động viên khi huy động thực hiện các nhiệm vụ huấn luyện, diễn tập, kiểm tra và các nhiệm vụ khác... đạt kết quả tốt.
Đánh giá cao công tác chuẩn bị của cơ quan soạn thảo trong xây dựng dự án luật, đại biểu Nguyễn Sỹ Hội (đoàn Nghệ An) nhấn mạnh, đây là luật chuyên ngành, do đó, để xây dựng Quân đội nói chung, xây dựng lực lượng dự bị nói riêng thì dự luật phải đáp ứng được nhiều yếu tố, trong đó có 2 yếu tố cơ bản là “kế thừa nghệ thuật quân sự của cách mạng Việt Nam” và “đáp ứng được nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn cách mạng mới, là chiến tranh công nghệ cao, chiến tranh phi truyền thống...”
|
|
Đại biểu Nguyễn Sỹ Hội phát biểu thảo luận |
Góp ý vào những nội dung cụ thể, đại biểu Nguyễn Minh Sơn (đoàn Tiền Giang) quan tâm đến việc quản lý lực lượng dự bị động viên. Theo đại biểu, các quy định về quản lý lực lượng dự bị động viên tại dự án luật cho thấy việc quản lý đối với lực lượng này vẫn được quản lý theo phương thức quản lý truyền thống, thủ công, như lập sổ đăng ký, cấp giấy chứng nhận đăng ký...
“Để đáp ứng yêu cầu của thời đại mới về cải cách hành chính và ứng dụng công nghệ thông tin và cũng để góp phần khắc phục hạn chế trong công tác quản lý quân nhân dự bị và phương tiện kỹ thuật, đề nghị ban soạn thảo bổ sung quy định về thiết lập cơ sở dữ liệu và thực hiện điện tử hóa thông tin về lực lượng dự bị động viên, giao Bộ Quốc phòng có thẩm quyền xây dựng, duy trì, cập nhật cơ sở dữ liệu, phục vụ cho hoạt động quản lý lực lượng dự bị động viên; giao các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND các cấp có trách nhiệm cập nhật và trao đổi thông tin trên cơ sở dữ liệu”, đại biểu kiến nghị.
Quan tâm đến quyền lợi của lực lượng dự bị động viên, từ thực tiễn, đại biểu Nguyễn Phương Tuấn (đoàn Ninh Bình) đề nghị cần xây dựng cơ chế phù hợp trong xây dựng, quản lý lực lượng dự bị động viên, quân nhân dự bị.
Đại biểu phân tích: Những đối tượng này phần lớn là quân nhân xuất ngũ về địa phương, làm việc tại các doanh nghiệp, các tổ chức quốc tế hay doanh nghiệp nước ngoài, doanh nghiệp tư nhân, khi huy động tham gia lực lượng dự bị động viên chắc chắn sẽ làm ảnh hưởng đến hoạt động của các doanh nghiệp này, từ đó sẽ gây khó khăn cho việc phân công lao động của các doanh nghiệp. Vì thế, mỗi lần động viên, các công ty, doanh nghiệp không muốn “nhả” người ra vì sợ ảnh hưởng đến sản xuất, nhất là các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Nếu người lao động là quân nhân dự bị thì khi chấp hành thời gian huấn luyện, họ có thể bị chấm dứt hợp đồng, mất việc làm; hoặc nếu không chấp hành sẽ vi phạm luật...
Nhấn mạnh thực tiễn “có người vừa kết thúc huấn luyện dự bị động viên xong thì trở nên thất nghiệp”, đại biểu cho rằng, vấn đề đặt ra là, Điều 44 dự thảo luật không quy định cơ quan chức năng nào đứng ra bảo vệ quyền lợi cho các quân nhân dự bị ở các doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp nước ngoài khi tham gia lực lượng dự bị động viên./.