Chiều 10/4, Ban Chỉ đạo thực hiện các Chương trình Mục tiêu Quốc gia (CCTMTQG) tỉnh Thanh Hóa tổ chức Hội nghị đánh giá tình hình thực hiện CTMTQG xây dựng nông thôn mới (XDNTM) năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024 và biểu dương các điển hình tiên tiến trong thực hiện phong trào thi đua hiến đất chung sức XDNTM.   

leftcenterrightdel
 Quang cảnh hội nghị.

Tại hội nghị, Chánh Văn phòng Điều phối Chương trình XDNTM tỉnh Cao Văn Cường đã báo cáo kết quả phong trào thi đua hiến đất trong XDNTM trên địa bàn tỉnh những năm gần đây với nhiều kết quả đáng tôn vinh. Một số huyện đã ban hành chủ trương riêng về hiến đất mở rộng đường giao thông nông thôn, điển hình như: Triệu Sơn, Thiệu Hoá, Hà Trung...

Thực tiễn tại Thanh Hoá cho thấy, người dân được hưởng lợi trực tiếp nên rất đồng thuận, nhiệt tình hưởng ứng; bà con vừa tự nguyện hiến đất vừa đóng góp tiền và ngày công để làm đường giao thông nông thôn…tạo nên cuộc “cách mạng”, làm thay đổi diện mạo các địa phương.

Với sự đồng tình, tự nguyện hiến đất của Nhân dân trong tỉnh, những con đường trước đây chỉ 2 - 3m nay đã được mở rộng lên 5 - 7 m. Tuyến đường nào cũng có rãnh thoát nước hai bên, phong quang, sạch đẹp, phương tiện giao thông đi lại thuận lợi. 

Có những nơi đất đai giá trị hàng trăm triệu đồng, nhưng các hộ vẫn sẵn sàng hiến để mở rộng đường giao thông. Vì người dân hiểu rằng, những con đường mới được mở ra, sẽ giúp việc đi lại, giao thương thuận lợi hơn, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, ai cũng hết lòng ủng hộ.

leftcenterrightdel
 Ông Thiều Thọ Tam (xã Đông Tiến, huyện Đông Sơn), người đã từng 5 lần hiến đất xây dựng NTM.

Từ đó, phong trào hiến đất mở rộng đường giao thông đã mang lại kết quả tích cực, góp phần đẩy nhanh tiến độ XDNTM tại các địa phương. Điển hình như: Nhân dân huyện Triệu Sơn đã hiến hơn 350.000m2; Nhân dân huyện Quảng Xương hiến hơn 111.000m2, Nhân dân huyện Đông Sơn hiến hơn 90.000m2 đất các loại. Nhiều huyện miền núi, mặc dù điều kiện khó khăn, nhưng người dân vẫn nhiệt tình tham gia hiến đất để XDNTM, như: Nhân dân huyện Thạch Thành hiến hơn 83.000m2; Nhân dân huyện Như Xuân hiến hơn 99.000m2; Nhân dân huyện Ngọc Lặc hiến gần 95.000m2...

Tính riêng giai đoạn 2021-2023, người dân trên địa bàn tỉnh đã hiến gần 1,5 triệu m2 (trong đó, đất ở hơn 600.000 m2, đất khác gần 900.000 m2); di dời, phá dỡ khoảng 650 nhà ở dân cư (trị giá hơn 57 tỷ đồng); phá dỡ hơn 2.400 công trình tường rào, cổng nhà, sân, nhà vệ sinh..., trị giá hơn 90 tỷ đồng. Nhân dân trong tỉnh còn đóng góp tiền mặt hơn 640 tỷ đồng và hơn 590.000 ngày công lao động (trị giá khoảng 202 tỷ đồng) để xây dựng lại tường bao, công trình công cộng mới cũng như mở rộng và hiện đại hóa hệ thống giao thông nông thôn.

Cũng tại Hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá Lê Đức Giang đã báo cáo tóm tắt kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia XDNTM năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024.

Từ sự đồng thuận và chung tay góp sức của cả hệ thống chính trị và Nhân dân, trong năm 2023 và quý I năm 2024, toàn tỉnh có thêm 1 đơn vị cấp huyện, 17 xã và 17 thôn, bản miền núi đạt chuẩn NTM; 40 xã đạt chuẩn NTM nâng cao; 14 xã và 173 thôn, bản đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; 187 sản phẩm được công nhận OCOP. Bình quân toàn tỉnh đạt 16,85 tiêu chí/xã. Lũy kế đến nay, Thanh Hóa đã có 13 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn và hoàn thành nhiệm vụ XDNTM; 363 xã và 717 thôn, bản miền núi đạt chuẩn NTM; 97 xã đạt chuẩn NTM nâng cao; 23 xã, 480 thôn, bản đạt chuẩn NTM kiểu mẫu.

Gần đây, nhiệm vụ chuyển đổi số trong XDNTM đã mang lại kết quả tích cực. 100% hồ sơ công việc cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã đã được xử lý trên môi trường mạng, vượt so với mốc chỉ tiêu ban đầu là năm 2025. Toàn tỉnh đã triển khai xây dựng được 23 thôn thông minh thuộc các xã NTM kiểu mẫu; có 6 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu với lĩnh vực nổi trội về chuyển đổi số.

Tính riêng năm 2023, số lượng xã NTM nâng cao đạt và vượt 150% kế hoạch; số lượng sản phẩm OCOP đạt và vượt 130% kế hoạch. Thanh Hóa có số lượng xã đạt chuẩn NTM thuộc tốp đầu cả nước. Chất lượng của các xã được công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu được nâng lên. Số lượng sản phẩm OCOP thuộc top 5 cả nước và đa dạng về chủng loại.

Mục tiêu năm 2024, toàn tỉnh phấn đấu có thêm 1 huyện, 19 xã và 60 thôn/bản miền núi đạt chuẩn NTM; 2 huyện và 19 xã đạt chuẩn NTM nâng cao; 10 xã và 30 thôn/bản đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; 120 sản phẩm OCOP được cấp có thẩm quyền công nhận. 

leftcenterrightdel
 Bí thư Tỉnh uỷ Thanh Hoá Đỗ Trọng Hưng kết luận tại hội nghị.

Thay mặt Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Ban chỉ đạo CCMTQG tỉnh, đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ Thanh Hoá Đỗ Trọng Hưng ghi nhận, đánh giá cao những nỗ lực, cố gắng của các cấp, các ngành, các địa phương trong tổ chức triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia XDNTM thời gian qua; nhiệt liệt biểu dương 146 tập thể, gia đình, cá nhân tiêu biểu có nhiều thành tích trong phong trào thi đua “Hiến đất XDNTM” được vinh danh khen thưởng. Để thực hiện thắng lợi mục tiêu trong năm 2024, Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu các thành viên Ban Chỉ đạo tỉnh, các cấp, các ngành, cấp ủy, chính quyền các địa phương quán triệt sâu sắc và triển khai thực hiện đầy đủ các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đã được nêu tại hội nghị.

Hội nghị đã triển khai tôn vinh các điển hình tiên tiến trong phong trào thi đua hiến đất, chung sức XDNTM trên địa bàn tỉnh thời gian qua. Theo đó, các đồng chí lãnh đạo tỉnh đã trao Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh cho 146 tập thể, cá nhân, doanh nghiệp, gia đình trên địa bàn tỉnh có thành tích trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia XDNTM và phong trào hiến đất XDNTM.

Đinh Huê