|
|
Trao quyết định bổ nhiệm Viện trưởng VKSND huyện Mường Tè cho Kiểm sát viên Bùi Tống Chung (6/2019). |
Vùng đất của nhiều cái “nhất”
Có lẽ, chẳng có nơi nào cho đến tận bây giờ mà chỉ nhắc đến địa danh thôi, người ta đã cảm thấy hoang biệt, diệu vợi như huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu; đó là Mù Cả, Ka Lăng, Thu Lũm, đó là Pắc Ma, Kan Hồ, Pa Ủ, Pa Vệ Sử... Thời chưa chia tách, diện tích huyện “to” bằng cả tỉnh Thái Bình, trong khi dân số chỉ vài chục ngàn người.
Chỉ lên chấm đỏ bé xíu trên bản đồ, Kiểm sát viên trung cấp Bùi Tống Chung, Viện trưởng VKSND huyện Mường Tè nói: “Mường Tè là huyện xa nhất, nghèo nhất của tỉnh Lai Châu. Từ TP Lai Châu vào đến huyện dài 200km, phải đến TX Mường Lay của tỉnh Điện Biên, sau đó đi men, theo sông Đà đến Mường Tè. Từ trung tâm thị trấn đến xã Thu Lũm dài 120 cây số. Từ trung tâm xã xuống đến bản xa nhất U Ma Tu Khoòng lại phải đi thêm hơn 27km nữa”.
|
|
Cảnh hùng vĩ ở Tà Tổng, Mường Tè. Ảnh Báo Lai Châu. |
Hiện nay, Mường Tè có 14 xã, với gần 51.000 dân. Huyện có 10 dân tộc sinh sống thì 3 dân tộc Mảng, Cống, La Hủ chỉ duy nhất có ở Mường Tè. Xét về độ “chênh vênh”, chắc Mường Tè chỉ kém Sa Pa một chút xíu. Vùng đất biên giới này “sở hữu” 3 ngọn núi Pu Tả Tông (cao 2.109 m), Pu Đen Đinh (1.886 m) và Pu Si Lung (3.076 m, chỉ kém đỉnh Phan Xi Păng 71m). Đà giang là con sông hùng vĩ, dữ dằn nhất ở nước ta bắt nguồn từ Vân Nam (Trung Quốc) chảy vào Việt Nam qua địa phận xã Mù Cả thuộc huyện Mường Tè.
Từ đây, sông Đà chảy xuôi, là địa giới tự nhiên giữa 2 tỉnh Điện Biên và Lai Châu. Chính tài năng và lòng quả cảm của những người con đất Việt đã chinh phục dòng nước hung dữ, tạo nên 3 nhà máy thủy điện lớn nhất cả nước là Hòa Bình, Sơn La và Lai Châu…
Do có vị trí “đắc địa” nên những năm trước đây, Mường Tè là điểm “nóng” nhất về trồng cây thuốc phiện. Điệp khúc “có trồng thì có hút” đeo đẳng làm tan cửa nát nhà, khuynh gia bại sản bao gia đình, thậm chí là cả một thế hệ hay một dòng tộc. Từ khi Nhà nước nghiêm cấm trồng cây thuốc phiện, một số đối tượng ở các bản vùng sâu thuộc xã Tà Tổng, Ka Lăng, Thu Lũm… vẫn lén lút trồng cây anh túc và buôn bán trái phép ma túy.
|
|
Cán bộ VKSND huyện Mường Tè tuyên truyền pháp luật cho người dân. |
Mặc dù có nhiều cố gắng nhưng cho đến thời điểm này, trên địa bàn huyện vẫn còn hơn 600 người nghiện ma túy. Cách đây chưa lâu, có những bản người La Hủ, người Mảng, dân số cứ mỗi năm lại “vơi” đi một chút bởi số chết vì “sốc” thuốc, bị HIV do tiêm chích và cả do đi tù vì phạm tội liên quan đến ma túy. “70% án ở Mường Tè liên quan đến ma túy. Hơn 600 con nghiện là nguồn bổ sung, phát sinh, phát triển tội phạm” – Viện trưởng Bùi Tống Chung tổng kết.
Màu áo thiên thanh nơi đại ngàn
Viện trưởng VKSND huyện Mường Tè Bùi Tống Chung sinh ra và lớn lên ở rẻo đất biên cương này. Bố anh quê ở Hòa Bình nhưng ông tình nguyện lên Tây Bắc công tác để rồi “đất lành chim đậu”, anh gá nghĩa phu thê với một người phụ nữ dân tộc Thái ở Mường Tè. “Ngày đó, ở Mường Tè đến đường đi còn chưa có, nói chi đến điện hay có kem?”- Viện trưởng Bùi Tống Chung chia sẻ.
Nghe lời anh kể, những năm ấy, Mường Tè không có trường cấp ba (THPT), muốn học tiếp phải ra tận thị xã Lai Châu, cách nhà hơn 100 cây số và đường cũng chỉ đi được vào mùa khô. Còn vào mùa mưa, dòng sông Đà réo cuộn, đường đất sạt lở, Mường Tè bị chia cắt có khi cả tháng trời. Để tiếp tế lương thực, thực phẩm phải điều cả máy bay trực thăng.
|
|
Cán bộ VKSND huyện Mường Tè tuyên truyền pháp luật cho bà con dân tộc. |
Sau khi tốt nghiệp Trường Cao đẳng Kiểm sát (năm 1995) anh Bùi Tống Chung về nhận công tác tại VKSND huyện Mường Tè cho đến nay. Mấy chục năm công tác trong Ngành cũng là từng ấy thời gian anh lăn lộn trên những vùng đất sơn cùng thủy tận của Tây Bắc. Mường Tè xa xôi, diệu vợi như vậy nhưng anh thuộc như lòng bàn tay. Giờ đây, khi đã giữ cương vị Viện trưởng VKSND huyện, nhiệm vụ chủ yếu là lãnh đạo, quản lý nhưng cái “máu” lăn lộn địa bàn vẫn chảy trong huyết quản.
“Đặc thù làm cán bộ trên này, ngành nào cũng giống nhau thôi, không xuống với dân, không đi địa bàn, không biết đi bộ là không được việc” - Viện trưởng Bùi Tống Chung chia sẻ trải nghiệm. Công tác ở Mường Tè có hai cái khó, một là địa bàn xa xôi, cách trở, hai là trở ngại về tiếng nói.
Mường Tè có 10 dân tộc sinh sống, người Kinh chỉ là thiểu số và tập trung ở thị trấn, thị tứ, nên công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật gặp nhiều gian nan. Muốn hoàn thành công việc thì phải học tiếng của bà con. Cho đến nay, chắc hiếm có người biết nhiều “ngoại ngữ” như anh Bùi Tống Chung. Là người dân tộc Mường nhưng anh có thể nói thông thạo tiếng Thái, nghe và giao tiếp được tiếng dân tộc Hà Nhì, Mông và tiếng La Hủ.
|
|
VKSND huyện Mường Tè ký quy chế phối hợp với Công an, Bộ đội biên phòng, QLTT. |
Gian nan nhất trong công tác là “phiên dịch” tiếng của 3 dân tộc Mảng, Cống và La Hủ. Do tập quán lạc hậu nên bà con thuộc 3 dân tộc này cũng ít người đi học cao, và tất nhiên không có trình độ thì không thể làm cán bộ. Không biết tiếng khó khăn trong công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật nhưng thách thức nhất chính là việc điều tra, truy tố, xét xử các bị can, bị cáo là người dân tộc này.
Viện trưởng Bùi Tống Chung kể, mặc dù lãnh đạo huyện, VKSND tỉnh cũng chỉ đạo, tạo điều kiện để tuyển dụng cán bộ người dân tộc thiểu số nhưng không lấy đâu ra nguồn mà tuyển. VKSND huyện Mường Tè hiện có 12 biên chế nhưng có 3 hợp đồng lao động. “Đỏ mắt” tìm kiếm cả chục năm nay, các anh vẫn không thể tuyển được 1 cán bộ người La Hủ hay người Mảng, người Cống. Mỗi khi “làm án”, dính vào các đối tượng thuộc 3 dân tộc này, VKS huyện lại phải sang Công an huyện hoặc MTTQ huyện nhờ người phiên dịch.Nhiều khi những cán bộ này đi công tác đột xuất thì đành bất lực.
“Giải quyết vụ án, vụ việc thì có thời hạn theo quy định của luật nhưng cái “khó” khách quan này thật không dễ giải quyết” – Viện trưởng Bùi Tống Chung chia sẻ.
|
|
Phiên tòa xét xử về Tội Trồng cây thuốc phiện ở bản Ngà Chồ, xã Tà Tổng, huyện Mường Tè. |
Cán bộ ở Mường Tè nổi tiếng bởi khả năng lội rừng và cắm bản. Mỗi khi có án, họ cứ triền miên cuốc bộ từ bản này sang bản khác. Hồi anh Bùi Tống Chung mới ra trường, hầu hết các xã ở Mường Tè không có đường ô tô. Cứ khi có vụ án xảy ra, các anh lại lên đường. Được bổ nhiệm làm lãnh đạo cũng chưa hết đi bộ, vì đến nay, cả VKSND huyện chỉ duy nhất anh là Kiểm sát viên trung cấp nên nhiều vụ việc, anh vẫn phải trực tiếp thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử. Anh đã đặt chân đến những bản xa xôi khó khăn bậc nhất ở Mường Tè mà phương tiện đến đó chỉ bằng đôi chân.
Anh kể cho chúng tôi nghe những chuyến kiểm sát khám nghiệm hiện trường, tử thi các vụ án cách xa trung tâm huyện hàng mấy chục cây số. Từ trung tâm huyện vào xã phải đi bộ 2, 3 ngày. Từ xã vào hiện trường lại đi thêm vài ngày nữa. Đến nơi thì tử thi đã phân hủy, hiện trường bị xáo trộn. “Tôi nhớ nhất là cái lần khám nghiệm tử thi thuộc địa bàn bản U Ma Tu Khoòng, xã Thu Lũm. Hồi đó, vào Thu Lũm làm gì có đường. Phải vượt qua dãy núi Pu Tả Tông cao hơn 2.000m với 2 ngày đi bộ, sau đó vượt sông Đà đến hiện trường. Tử thi người đàn ông đã phân hủy, trương phình. Kiểm sát việc khám nghiệm hiện trường xong đã xẩm tối, an táng cho người xấu số, tất cả lại đèn đuốc quay ra bản gần nhất xin ngủ nhờ cũng gần 1h sáng”, Viện trưởng Chung kể lại.
|
|
Vận động nhân dân phá nhổ cây thuốc phiện ở xã Tà Tổng, huyện Mường Tè. |
Vượt lên tất cả những khó khăn đó, nhiều năm trở lại đây, VKSND huyện Mường Tè luôn là lá cờ đầu trong phong trào thi đua của VKSND tỉnh Lai Châu. Phó Viện trưởng VKSND tỉnh Lai Châu Nguyễn Huy Thắng đánh giá: “Năm 2019, VKSND huyện Mường Tè đã thực hiện tốt chức năng thực hành quyền công tố, bảo đảm việc giải quyết vụ án đúng người, đúng tội, đúng pháp luật; góp phần hạn chế những vi phạm, thiếu sót xảy ra trong hoạt động tư pháp như: Bắt, xâm phạm đến lợi ích của Nhà nước hay quyền, lợi ích hợp pháp của các đương sự. Quá trình kiểm sát đã kịp thời phát hiện những vi phạm trong hoạt động tư pháp để trao đổi rút kinh nghiệm hoặc ban hành kiến nghị yêu cầu các cơ quan tư pháp kịp thời khắc phục vi phạm”.
Năm 2019, các chỉ tiêu nghiệp vụ được giao của VKSND huyện Mường Tè đều đạt, trong đó có 15 chỉ tiêu vượt, đặc biệt có các chỉ tiêu vượt cao như: Kiểm sát trực tiếp án treo, cải tạo không giam giữ vượt 35,7%. Tỉ lệ giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố vượt gần 6%.Tỉ lệ số án yêu cầu điều tra trên tổng số vụ án Cơ quan điều tra đã thụ lý vượt 10%; Tỉ lệ giải quyết án thuộc giai đoạn điều tra vượt 10,4%; tỉ lệ giải quyết án ở VKS vượt 5% ...). Đơn vị đã phối hợp tổ chức 12 phiên tòa rút kinh nghiệm, không có vụ án nào VKS truy tố, Tòa án xét xử tuyên không phạm tội, không có vụ án nào phải trả hồ sơ điều tra bổ sung.
Năm 2019, VKSND huyện Mường Tè đã kiểm sát điều tra một vụ án ma túy lớn, các đối tượng hoạt động tinh vi, xảo quyệt. Ngày 8/6/2019, Công an huyện Mường Tè đã bắt quả tang đối tượng Giàng A Và, SN 1990, trú tại xã Tà Tổng, huyện Mường Tè mua bán trái phép 4,7kg thuốc phiện. Ngay sau khi bắt quả tang đối tượng, VKSND huyện đã phân công Kiểm sát viên tham gia lấy lời khai cùng Điều tra viên. Mở rộng điều tra, sau khi được VKS phê chuẩn, Cơ quan CSĐT đã bắt tạm giam 2 đối tượng liên quan vụ án là Sùng Khoa Nếnh và Hạ A Vư, đều trú tại xã Tà Tổng, huyện Mường Tè về hành vi mua bán trái phép chất ma túy...
|
|
Một góc thị trấn Mường Tè hôm nay. Ảnh Báo Lai Châu |
Biết ngày mai chúng tôi về Hà Nội, anh Bùi Tống Chung mời chúng tôi xuống bản A Mại, xã Pa Vệ Sủ ăn bữa cơm tất niên với bà con. Cuộc sống của đồng bào ở đây còn nhiều khó khăn nhưng chúng tôi thật xúc động khi chứng kiến những tình cảm của họ dành cho những cán bộ Kiểm sát. Đêm chia tay vì thế chúng tôi không say vì rượu mà say vì tấm lòng của bà con... Vùng biên viễn nơi con sông Đà chảy vào đất Việt này còn nhiều vất vả, gian nan nhưng hình ảnh màu áo thiên thanh của những cán bộ Kiểm sát đang ngày đêm “bám trụ” ở nơi này thật đẹp và đáng trân trọng…