Ngày 13/12, Ban quản lý Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông cho biết, trong đợt khảo sát sau Hội nghị quốc tế về hang động núi lửa lần thứ 20 tại tỉnh này, các nhà nghiên cứu đã phát hiện thêm một nhánh mới của Hang C7 nằm trong hệ thống hang động núi lửa Krông Nô.

leftcenterrightdel
 Hệ thống hang động núi lửa Krông Nô, tỉnh Đắk Nông.

Theo đó, ông Laurens Smets - chuyên gia nghiên cứu về Hang động núi lửa người Hà Lan vừa có văn bản thông báo với Ban Quản lý Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông về kết quả đo, vẽ bổ sung sơ đồ hang C7 - ống dung nham dài nhất Đông Nam Á nằm trong hệ thống hang động núi lửa Krông Nô.

leftcenterrightdel
 Các nhà nghiên cứu khảo sát tại hang động núi lửa dài nhất Đông Nam Á.

Theo nội dung thông báo, chiều dài mới xác lập của hang C7 là 1.266m. Như vậy, trong đợt khảo sát sau Hội nghị quốc tế về hang động núi lửa lần thứ 20 tại Đắk Nông, các nhà nghiên cứu đã phát hiện thêm một nhánh mới với chiều dài được xác lập chính thức là 199m.

Hiện các nhà nghiên cứu đang tiếp tục hoàn thiện việc dựng hình ảnh đồ họa 3D cho hệ thống hang C7.

Hang động núi lửa Krông Nô là một hệ thống hang động núi lửa trong đá bazan dài khoảng 10km, được xác lập kỷ lục về quy mô, độ dài cũng như tính độc đáo tại Đông Nam Á, được các nhà khoa học tìm thấy vào năm 2014. Trong đó, hang C7 được giới khoa học quốc tế công nhận là hang động núi lủa có chiều dài lớn nhất Đông Nam Á.

leftcenterrightdel
Sơ đồ hang C7 bổ sung nhánh hang mới phát hiện – Đồ họa: Laurens Smets; Nguồn: Ban QLCĐCTC UNESCO Đắk Nông

Hệ thống hang động núi lửa Krông Nô đến nay vẫn còn khá nguyên vẹn. Trong quá trình khảo sát và nghiên cứu hệ thống hang động, các nhà khoa học đã phát hiện các dấu tích cư trú của các bộ lạc thời tiền sử cách đây khoảng 6.000 - 7.000 năm.

Tháng 9/2018, các nhà khoa học công bố những dấu tích sinh sống của người tiền sử được tìm thấy./.

Nguyễn Chính