Trong chuyến hành trình từ phương Nam xa xôi về quê cha đất Tổ, Đoàn cán bộ tỉnh Tiền Giang đã được cán bộ ngành Văn hóa tỉnh Phú Thọ giới thiệu thưởng thức nghệ thuật hát Xoan - một trong những di sản phi vật thể vừa được tổ chức UNESCO công nhận. Dù mới chỉ 1 lần được hòa mình trong những lời ca, điệu múa, nhưng mỗi người đều vấn vương với nét đặc sắc của từng điệu hát trữ tình giao duyên vừa nôm na lại vừa duyên dáng của hát Xoan.
Theo tài liệu nghiên cứu của Sở VH-TT&DL tỉnh Phú Thọ, trên địa bàn tỉnh hiện còn bảo lưu một số truyền thuyết về hát Xoan giúp xác định được nguồn gốc về sự hình thành và quá trình tồn tại, phát triển của loại hình nghệ thuật này của các thế hệ cư dân đất Tổ.
Hát Xoan có thể được ra đời từ thời Hùng Vương dựng nước Văn Lang hoặc đã có từ rất lâu đời với hình thức ban đầu còn rất sơ khai và được dùng làm nghi thức tín ngưỡng trong lễ hội của làng để cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng được tươi tốt, đem lại cuộc sống ấm no cho muôn dân trăm họ. Bằng chứng là, tại các địa điểm có hát Xoan hoặc có liên quan đến hát Xoan đều có tín ngưỡng thờ tự các Vua Hùng và các con gái Vua Hùng như Tiên Dung, Ngọc Hoa, Nguyệt Cư và các con rể, các tướng lĩnh của thời Vua Hùng.
Hát Xoan là tài sản tinh thần của quần chúng nhân dân lao động, được bắt nguồn từ cuộc sống lao động của người nông dân và gắn liền với phong tục, tập quán của cư dân nông nghiệp trồng lúa nước. Đây còn là yếu tố hình thành lối hát để nói về các nghề trong công nghiệp: Ngư - Tiều - Canh - Mục.
Hát Xoan thể hiện ước nguyện thỉnh cầu của người nông dân đối với các bậc Thánh, Thần cao siêu là những người cai quản, ban phát sự may mắn, phong lưu cho bàn dân thiên hạ và gắn liền với vận mệnh sống còn của họ.
Ngoài ra, hát Xoan thể hiện đạo lý Vua - Tôi, nghĩa vợ chồng, đạo làm cha, đạo làm con. Đặc biệt, hát Xoan còn là tiếng nói tình cảm, thể hiện tâm tư, nguyện vọng, là cầu nối của sự đoàn kết trong cộng đồng và quan hệ trên - dưới là mối quan hệ bình đẳng, dân chủ, không phân biệt địa vị sang - hèn và giàu - nghèo…
Tại miễu Lãi Lèn (xã Kim Đức, TP. Việt Trì), Đoàn cán bộ tỉnh Tiền Giang đã được “mãn nhãn” những tiết mục đặc sắc của hát Xoan. Đây là một trong chuỗi các hoạt động phục vụ Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng năm Ất Mùi 2015 nhằm bảo tồn và phát huy di sản hát Xoan. Trong khuôn viên ấm cúng của miễu Lãi Lèn, khán giả được mời ngồi ở gian bên trái và phải, gian giữa có trải chiếu hoa là nơi biểu diễn của các diễn viên.
Với trang phục quần áo trắng, đầu quấn khăn, đeo thắt dây lụa đỏ, các kép dẫn dắt các đào di chuyển trong trang phục cổ: Đầu chít khăn mỏ quạ, áo màu nâu kết hợp với váy dài đen đầy ấn tượng. Vang lên theo điệu trống lúc nhẹ nhàng, trầm ấm, khi dồn dập, thanh cao là giọng hát trong trẻo cùng những cử chỉ uốn tay mềm dẻo, nhún chân nhẹ nhàng của các đào với ánh mắt giao duyên tình tứ được thể hiện trong từng điệu hát như mê hoặc người xem.
Phường hát Xoan của xã Kim Đức trình bày đủ 3 chặng hát: Hát thờ (gồm: Mời Vua, Giáo trống, Giáo pháo, Thơ nhang, Đóng đám…); hát quả cách (gồm: 14 quả cách: Đối dẫy cách, Hò chèo cách, Tràng mai cách, Tứ dân cách...) và hát hội (gồm: Bợm gái, Xin huê đố chữ, Bỏ bộ, Mó cá…). Đặc biệt, trong nhịp trống dồn dập, say mê và lôi cuốn, các khán giả là những cán bộ của tỉnh không thể không tham gia vào điệu múa của tiết mục diễn xướng “Mó cá” để kết thúc một cuộc trình diễn hát Xoan…
Ngày 24-11-2011, Ủy ban Liên Chính phủ công ước UNESCO 2003 về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể quyết định ghi nhận Hát Xoan của Phú Thọ, Việt Nam là Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp của nhân loại.
Ngày 7-11-2013, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 2058/QĐ- TTg phê duyệt Đề án bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp của nhân loại: Hát Xoan Phú Thọ (giai đoạn 2013 - 2020), trong đó có mục tiêu: Đến năm 2015 đưa Hát Xoan Phú Thọ ra khỏi tình trạng cần bảo vệ khẩn cấp và năm 2016 trở thành di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Theo ông Lê Văn Hiệp, cán bộ Sở VH-TT&DL tỉnh Phú Thọ, xã Kim Đức hiện có 3 phường Xoan cổ là Phù Đức, Kim Đới và Thét.
Sau khi hát Xoan được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại cần được bảo vệ khẩn cấp, những người yêu hát Xoan, người dân xã Kim Đức, các nghệ nhân, diễn viên của các phường Xoan đều phấn khởi, tự hào bởi điệu hát gắn liền với đời sống của người dân nơi đây từ thời Vua Hùng dựng nước đã được giới thiệu, quảng bá, khẳng định giá trị với cả nước và bạn bè quốc tế. Đây chính là động lực để các nghệ nhân “giữ lửa” và “truyền lửa” cho di sản hát Xoan lan tỏa trong cộng đồng, trường tồn với thời gian.
Tại xã Kim Đức còn có các lớp hát Xoan với gần 100 học viên do chính các nghệ nhân trực tiếp truyền dạy. Chị Nguyễn Thị Thu Hằng (phường Xoan Kim Đới, người tham gia biểu diễn cùng với đội hát Xoan của xã trong miễu Lãi Lèn), đã nhiều lần tham gia biểu diễn trong các chương trình giới thiệu hát Xoan để đề nghị UNESCO công nhận hát Xoan là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại cần được bảo vệ khẩn cấp chia sẻ: “Ngoài công việc đồng áng, kinh doanh hàng ngày, chúng tôi tích cực luyện tập, biểu diễn nhằm góp phần giới thiệu rộng rãi với bạn bè, du khách trong và ngoài nước về di sản hát Xoan…”.
Rời miễu Lãi Lèn, chia tay với những diễn viên trong phường Xoan xã Kim Đức, người về như vẫn còn vương vấn dư âm tiếng hát tình tứ: “Huê lúa mùa này nó chưa nở/ Để một mai nó nở, thiếp lại bẻ cho chàng/ Sợ chàng chẳng yêu, sợ chàng chẳng dấu/ Để huê nụ héo, huê hời huê hỡi là huê...”.
Theo Báo Ấp Bắc