(BVPL) - Bên cạnh vẻ đẹp bình dị, cổ kính, những làng nghề truyền thống tại Hội An cũng là một trong những điểm thu hút du khách tứ phương ghé thăm phố cổ xinh đẹp này. Các làng nghề này đã tạo lên một Hội An đầy đủ màu sắc và đặc trưng riêng mà không phải địa phương nào cũng có được. 
 
Làng mộc Kim Bồng
 
Nằm ở hữu ngạn hạ lưu sông Thu Bồn, bên kia sông là khu phố cổ Hội An nên đây là vị trí thuận lợi cho việc vận chuyển vật liệu bằng đường thủy. Đặt chân đến làng mộc, không khó để nghe thấy tiếng đục đẽo, khoan cắt. Những âm thanh này có lẽ đã trở thành một phần của đời sống người dân làng mộc. 

 

Một vị khách du lịch nước ngoài đang được hướng dẫn đẽo khắc gỗ tại làng mộc Kim Bồng.
Một vị khách du lịch nước ngoài đang được hướng dẫn đẽo khắc gỗ tại làng mộc Kim Bồng.
 
Qua quá trình giao lưu, các nghệ nhân mộc Kim Bồng đã tiếp thu một số nét tinh hoa của các truyền thống điêu khắc chạm trổ Chiêm Thành , Trung Hoa, Nhật Bản… kết hợp với tài hoa điệu nghệ của mình đã làm nên những sản phẩm mang đầy tính mỹ thuật và triết học. Những tác phẩm chạm khắc của họ trên các đầu kèo, trên xiên, trên trính, trên án thư, bàn thờ, và cả bàn ghế, tủ, khay, đều là những kiệt tác mà bất cứ ai được trông thấy cũng phải trầm trồ, xuýt xoa thán phục. 
 
Du khách có thể chọn cho mình những sản phẩm có sẵn hoặc đặt làm ngay tại làng mộc Kim Bồng để thỏa sức thể hiện những ý tưởng của mình với giá thành hợp lý nhất. Đến đây, du khách còn có cơ hội dạo quanh làng mộc bằng xe đạp, tìm hiểu các công việc nhà nông hay thăm thú cuộc sống bình dị của người dân làng mộc.
 
Làng rau Trà Quế
 
Làng nghề này đã nổi tiếng từ rất lâu với những sản phẩm rau xà lách, diếp cá, răm, húng, quế, hành, ngò…thường có mặt trong các món ăn đặc sản Quảng Nam như cao lầu, mì Quảng, tôm hữu, thịt heo cuốn bánh tráng, bánh xèo, bê thui…

 

Một góc vườn rau xanh mướt đang được chăm sóc bở người nông dân nơi đây.
Một góc vườn rau xanh mướt đang được chăm sóc bở người nông dân nơi đây.
 
Làng rau Trà Quế đã được hình thành trên 300 năm. Vùng đất yên bình này nằm cách phố cổ Hội An tầm 3km về phía Đông Bắc, được bao bọc xung quanh bởi sông Đế Võng và đầm Trà Quế. Không khí trong lành, đất đai màu mỡ, gọi là làng rau truyền thống quả không sai vì điều kiện tự nhiên hoàn toàn thích hợp cho sản xuất nông nghiệp.
 
Với diện tích đất trồng rau chỉ khoảng vài chục hécta nhưng trồng rau đã trở thành một nghề chính của cư dân trong làng qua nhiều thế hệ. Kể từ khi du lịch Hội An bắt đầu khởi sắc, cũng là lúc làng rau phát triển thịnh vượng nhất. Ngoài việc trồng rau để phục cho các nhà hàng, khách sạn và các chợ đầu mối trên địa bàn Quảng Nam, Đà Nẵng với doanh thu hàng tỷ đồng mỗi năm, người dân Trà Quế cũng tham gia vào các hoạt động du lịch. 
 
Đến làng rau truyền thống này, bạn sẽ có cơ hội được sống như một người nông dân thực thụ, tham gia các công việc đồng áng như cuốn đất, vun luống, bón phân, gieo hạt, trồng rau và học chế biến các món ăn từ sản phẩm rau tại làng nghề như những người nông dân thực sự.
 
Làng gốm Thanh Hà
 
Nhắc đến Hội An là nhắc đến làng gốm Thanh Hà, bởi đồ gốm là một hình ảnh gắn liền với phố cổ. Nằm cách Hội An khoảng 3 km về hướng tây, làng gốm đã trở thành địa điểm thu hút không ít khách du lịch bởi vẻ đẹp bình dị, mộc mạc, không gian nơi đây như mang hơi thở của đất. Sản phẩm gốm Thanh Hà được làm từ nguồn nguyên liệu chính là đất sét bởi những bàn tay điêu luyện của nghệ nhân và kỹ thuật truyền thống của làng nghề. Sản phẩm chủ yếu là các đồ dùng phục vụ đời sống sinh hoạt hằng ngày như chén, bát, chum, vại, bình hoa, chậu cảnh, hình thù các con giống…mang nhiều kiểu dáng, màu sắc rất phong phú và đặc biệt nhẹ hơn so với các sản phẩm cùng loại của những địa phương khác. 
 
 Du khách tới chụp ảnh tại làng gốm Thanh Hà. Nguồn
Du khách tới chụp ảnh tại làng gốm Thanh Hà. Nguồn
 
Làng gốm Thanh Hà là một bảo tàng sống, một nguồn tư liệu quý giá cho các nhà khoa học tìm hiểu, nghiên cứu về nghề gốm cổ truyền của Việt Nam nói riêng cũng như của vùng Đông Nam Á nói chung. Các sản phẩm tại đây không chỉ được tạo từ đất sét mà còn là kết quả của quá trình lao động sáng tạo miệt mài, khéo léo, cùng với đó là tình yêu nghề của các nghệ nhân – những người con của quê hương xứ Quảng.
 
Làng đúc đồng Phước Kiều
 
Làng đúc đồng Phước Kiều là một làng nghề truyền thống đã nổi tiếng từ nhiều thế kỷ trước với các sản phẩm bằng đồng phục vụ trong các dịp tế lễ, hội hè như: chuông, đồng, chiêng, kiểng, mõ, phèng la; các vật dụng thông thường trong đời sống như lư hương, chân đèn, nồi niêu, xoang chảo, chén bát và cả các loại binh khí cổ như gươm, dao, giáo, mác … 
 
Người nghệ nhân đang trong quá trình tạo ra những sản phẩm đồng.
Người nghệ nhân đang trong quá trình tạo ra những sản phẩm đồng.
 
Đến làng đúc đồng Phước Kiều, ngoài việc lựa chọn, mua sắm các vật dụng, hàng lưu niệm với đa dạng mẫu mã, kích thước, du khách còn có cơ hội được trực tiếp tham quan các công đoạn sản xuất của nghề đúc đồng và được xem các nghệ nhân danh tiếng biểu diễn các loại nhạc cụ cồng, chiêng do chính mình khai sinh ra….
 
Minh Thuận
.