Tuy nhiên, sự phục hồi nhanh sau đại dịch COVID-19 kéo theo nhiều bất cập phát sinh tại tỉnh Lào Cai nói chung cũng như Khu Du lịch Quốc gia Sa Pa nói riêng. Lào Cai đang triển khai triển khai nhiều giải pháp tăng cường quản lý nhằm giữ gìn uy tín và thương hiệu du lịch.

Lộ diện nhiều bất cập

leftcenterrightdel
 Những thửa ruộng bậc thang đẹp mê hồn len lỏi trong những đám mây của mùa Thu Sa Pa. Ảnh: Quốc Khánh/TTXVN

Du lịch Sa Pa đang hồi phục mạnh mẽ sau đại dịch COVID-19, lượng khách tăng cao kéo theo nhiều áp lực lên hạ tầng, đặc biệt là giao thông. Gia đình chị Nguyễn Ngọc Lan ở thành phố Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc thường xuyên chọn Sa Pa là nơi nghỉ dưỡng vào dịp cuối tuần hay các ngày lễ, Tết bởi các thành viên đều ưa thích khí hậu mát mẻ, trong lành và cảnh đẹp cùng nét văn hóa bản địa của nơi này. Tuy vậy, chị Lan cho biết, tắc nghẽn giao thông và thiếu chỗ đỗ xe là nỗi ám ảnh thường trực mỗi khi gia đình chị quyết định lên Sa Pa. 

Tình trạng ùn tắc giao thông cục bộ trên các tuyến đường tại trung tâm thị xã Sa Pa mỗi dịp nghỉ lễ, cuối tuần thường xảy ra tại các tuyến đường trung tâm thị xã Sa Pa như Xuân Viên, Thạch Sơn, Fansipan, Cầu Mây, Mường Hoa, Cát Cát… Đặc biệt, tuyến đường Mường Hoa thuộc địa bàn phường Sa Pa có nhiều nhà hàng, quán ăn, khách sạn, lưu lượng xe qua lại, dừng, đỗ lớn song do lòng đường nhỏ hẹp, tuyến đường này thường xuyên ùn tắc, nhất là vào thời gian cao điểm. Nhiều du khách phản ánh, do lượng xe lớn, nhiều ô tô đỗ cả lên vỉa hè, làm ảnh hưởng đến việc đi lại của người dân và gây mất mỹ quan đô thị.

Trước thực trạng này, ngày 1/8/2022, UBND thị xã Sa Pa đã ban hành phương án "Tổ chức giao thông khu vực nội thị thị xã Sa Pa", trong đó quy định lại một số bãi đỗ xe tĩnh, bãi đỗ xe không thường xuyên, cấm xe khách, xe tải khối lượng chuyên chở lớn hơn 10 tấn lưu thông trên nhiều tuyến đường nhằm giảm tải áp lực lên hệ thống giao thông, đem đến sự tiện lợi cho du khách và xây dựng hình ảnh đô thị Sa Pa văn minh. Với phương án trên, tình trạng ùn tắc giao thông cục bộ tại một số điểm trên địa bàn thị xã đã được khắc phục một phần song chưa thực sự giảm thiểu và chấm dứt được. Dễ nhận thấy nhất, ngay trong dịp nghỉ Lễ Quốc khánh 2/9 vừa qua, tình trạng này vẫn tái diễn tại một số nút giao thông trọng điểm trên địa bàn thị xã. 

leftcenterrightdel
 Đồi hoa Mã Tiền Thảo, nằm tại ga đến Mường Hoa trong khuôn viên Khu du lịch cáp treo Sun World Fansipan Legend thuộc thị xã Sa Pa (Lào Cai) là điểm đến rất được du khách yêu thích. Ảnh: Quốc Khánh/TTXVN

Cũng như nhiều khu du lịch nổi tiếng khác của cả nước, vấn nạn chèo kéo, đeo bám, ăn xin, bán hàng rong, đặc biệt là hiện tượng lợi dụng trẻ em nhằm trục lợi vẫn tiếp diễn tại các khu vực tập trung khách của Sa Pa. Thị xã đã đưa ra nhiều giải pháp nhằm từng bước giảm thiểu và chấm dứt tình trạng này. Tuy nhiên, việc này vẫn diễn ra với nhiều hình thức và cách làm tinh vi hơn, gây bức xúc cho du khách. 

Theo Phòng Văn hóa và Thông tin thị xã Sa Pa, Tổ công tác phường Sa Pa - phường trung tâm của thị xã thường xuyên sử dụng hệ thống loa truyền thanh và xe lưu động để tăng cường tuyên truyền vận động du khách không mua hàng và cho tiền đối với những người bán hàng rong và xin ăn. Tuy nhiên, kết quả giám sát cho thấy, tình trạng chèo kéo, đeo bám, bán hàng rong, ăn xin vẫn tăng trong dịp nghỉ lễ 2/9 vừa qua. Lực lượng này có khoảng 200 đối tượng chủ yếu là phụ nữ và trẻ nhỏ, tập trung ở các điểm du lịch như: Trung tâm thị xã, Khu Du lịch Cát Cát, Tả Phìn, Tả Van... Mới đây, tại cuộc họp bàn giải pháp giải quyết tình trạng chèo kéo, đeo bám du khách, bán hàng rong, ăn xin do UBND thị xã Sa Pa tổ chức, Chủ tịch UBND thị xã Vương Trinh Quốc nhấn mạnh, biến tướng của vấn nạn này thực sự tạo ra ấn tượng xấu, ảnh hưởng đến giá trị cốt lõi của du lịch Sa Pa.

Không chỉ tồn tại các vấn nạn trên, du lịch Lào Cai đang đối mặt với tình trạng ô nhiễm rác thải, tiếng ồn, ánh sáng, suy giảm tài nguyên du lịch; xây dựng trái phép tại các khu, điểm du lịch; thiếu các sản phẩm du lịch chất lượng cao, thiếu hụt nguồn nhân lực... Điều này đòi hỏi địa phương cần có giải pháp cấp bách và triệt để hơn cùng sự vào cuộc đồng bộ của các cơ quan chức năng nhằm tăng cường quản lý hoạt động du lịch, giữ gìn uy tín và thương hiệu du lịch, nâng cao sức cạnh tranh điểm đến.

Tăng cường quản lý hoạt động du lịch

leftcenterrightdel
 Khách du lịch trong nước và quốc tế đón năm mới tại nhà thờ đá thuộc Khu du lịch quốc gia Sa Pa (Lào Cai). Ảnh tư liệu: Quốc Khánh/TTXVN

Dự kiến, hoạt động du lịch của Lào Cai sẽ tiếp tục tăng mạnh trong những tháng cuối năm 2022 và những năm tới. Ước đến hết năm 2022 đón trên 4 triệu lượt khách. Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành Chỉ thị số 13/CT-UBND ngày 7/9/2022 về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách nhằm nâng cao chất lượng du lịch trên địa bàn tỉnh.

Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành cùng UBND các huyện, thị xã, thành phố tập trung nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về du lịch; xây dựng môi trường du lịch văn minh, tập trung giải quyết dứt điểm tình trạng thiếu bãi đỗ xe, ùn tắc giao thông cục bộ; ô nhiễm rác thải, tiếng ồn, ánh sáng, suy giảm tài nguyên du lịch, sử dụng đất không đúng mục đích, xây dựng trái phép, lấn chiếm vỉa hè, lòng đường, bán hàng rong, chèo kéo khách du lịch, chất lượng các sản phẩm du lịch, đảm bảo hè, phố thông thoáng, môi trường xanh - sạch - đẹp...

Sở Du lịch chủ trì, phối hợp tham mưu cho UBND tỉnh xây dựng Bộ chỉ số quản lý điểm đến du lịch để đánh giá hiệu quả hoạt động du lịch và công tác quản lý nhà nước về du lịch của các địa phương. Sở thành lập đoàn kiểm tra các địa phương để đánh giá tình hình triển khai thực hiện các nghị quyết, đề án về phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh.

Sở Giao thông Vận tải - Xây dựng tỉnh Lào Cai chủ trì, phối hợp với các sở, ngành hướng dẫn các địa phương xây dựng phương án tổ chức phân luồng giao thông đô thị nhằm tránh tình trạng ùn tắc cục bộ vào các dịp cao điểm du lịch, lễ, Tết, cuối tuần, nhất là tại thị xã Sa Pa. Sở thiết lập hệ thống các bãi đỗ xe tĩnh, điểm dừng đỗ tại các tuyến đường có lượng khách du lịch lớn (Khu Du lịch quốc gia Sa Pa, Khu Du lịch Bắc Hà, Khu Du lịch tâm linh đền Bảo Hà…); quản lý tốt các hoạt động tại các bến xe, bãi đỗ xe, xe vận tải hành khách.

leftcenterrightdel
 Thiếu nữ dân tộc thu hoạch lê Tai nung tại huyện Simacai, Lào Cai. Ảnh: Quốc Khánh/TTXVN

Đối với UBND các huyện, thị xã, thành phố, Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai yêu cầu đẩy mạnh công tác quản lý nhà nước và du lịch trên địa bàn; quan tâm triển khai thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ được giao trong các nghị quyết, quy hoạch, đề án, kế hoạch phát triển du lịch đã ban hành. Các địa phương cần đảm bảo an ninh, trật tự, an toàn giao thông, sắp xếp bãi đỗ xe, có phương án tổ chức giao thông nội thị nhằm giải quyết dứt điểm tình trạng ùn tắc giao thông, nhất là tại địa bàn thị xã Sa Pa; kiểm tra xử lý nghiêm lái xe điện chở ép khách đến các nhà hàng, khu mua sắm, điểm du lịch để hưởng hoa hồng (nếu có).

Đối với Khu Du lịch quốc gia Sa Pa, Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai yêu cầu địa phương chủ trì, phối hợp với các sở, ngành xây dựng đề án, kế hoạch triển khai thực hiện tiêu chí của tiêu chuẩn đô thị du lịch sạch ASEAN để cải thiện chất lượng dịch vụ du lịch của thị xã, tăng cường năng lực cạnh tranh tiếp thị, nâng cao mức độ hài lòng và thu hút nhiều khách du lịch, đồng thời cải thiện đời sống của người dân, góp phần phát triển du lịch bền vững, bảo vệ môi trường; cải thiện không gian đô thị.

Theo TTXVN