(BVPL) - Tỉnh Quảng Trị có 18.729 liệt sỹ. 10.000 thương binh và người hưởng chính sách như thương binh. Hàng chục ngàn người có công với cách mạng, tỷ lệ cao nhất cả nước, cứ 8 người dân thì có 1 đối tượng chính sách. Trên địa bàn tỉnh còn có hơn 60 ngàn mộ liệt sỹ được quy tập là con em của các tỉnh, thành trong cả nước.

 

 
Dấu ấn không phai
 
Quảng Trị nóng như hun, như đúc. Ai đó từng nói đùa, “đặc sản” của Quảng Trị là “gió ngoại và nghĩa trang”. Quả thật, có mặt ở đây những ngày này mới cảm nhận hết được sức nóng khủng khiếp của món “đặc sản gió ngoại” - gió lào - thổi từ hướng Tây sang. So với 206km đường biên giới tiếp giáp nước bạn Lào, tỉnh Savanakhet, thì chiều dài 75km bờ biển không đủ mát để làm dịu đi sức nóng của những cơn gió lào. Nắng trên đầu dội xuống. Gió lào thổi tạt qua. Những cồn cát trắng hắt lên cái nóng hừng hực…tất cả làm cho Quảng Trị luôn hầm hập từ tháng Ba tới tháng Chín hàng năm. “Đặc sản” thứ hai nhắc người ta nhớ đến một thời chiến tranh khốc liệt ở mảnh đất được coi là điểm giữa của chiếc đòn gánh chia đôi gánh hai đầu đất nước. Chỉ với dân số chưa tới 600 ngàn người, diện tích chưa đến 5000km2 Quảng Trị có tới 72 nghĩa trang liệt sỹ. Trong đó có 2 nghĩa trang lớn nhất nước là nghĩa trang Liệt sỹ Trường Sơn và nghĩa trang Liệt sỹ Đường 9, mỗi nơi quy tập trên dưới mười ngàn ngôi mộ liệt sỹ là con em trên khắp mọi miền Tổ quốc. Đặc biệt, Thành cổ Quảng Trị và bến thả hoa trên sông Thạch Hãn được coi là những nấm mồ tập thể lớn nhất từ cuộc chiến 81 ngày đêm huyền thoại. 
 
Nhà thơ Nguyễn Đình Lân đã viết “Nhẹ bước chân và nói khẽ thôi/ Thành cổ rộng sao đồng đội tôi nằm chật/ Mỗi tấc đất một cuộc đời có thật/  Cho hôm nay tôi đến nghẹn ngào”. Thế nên, đã thành lệ, cứ vào dịp tháng bảy, tháng có ngày kỷ niệm Ngày thương binh liệt sỹ, hàng ngàn chuyến xe từ khắp mọi miền đất nước chở hàng vạn người lại về đây dâng hương tưởng niệm những Anh hùng- Liệt sỹ đã hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc.
 
Anh Nguyễn Anh Tuấn đi cùng đoàn cán bộ tỉnh Bắc Ninh về Quảng Trị “Bắc Ninh tổ chức đoàn đại biểu vào đây dâng hương tưởng niệm tại các nghĩa trang liệt sỹ và thực hiện việc “Đền ơn đáp nghĩa” đối với các gia đình chính sách. Chiến tranh đã đi qua, nhưng người dân Quảng Trị còn nhiều khó khăn vất vả, rất cần sự chung tay, góp sức của cộng đồng” anh Tuấn chia sẻ. Mấy đoàn khách đến từ phía nam, các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương… Rồi các đoàn từ Hà Nội, Hải Phòng, Nghệ An…mà điểm đến là Thành cổ Quảng Trị và các nghĩa trang liệt sỹ, nơi có hàng ngàn vạn liệt sỹ đang yên nghỉ. Hòa trong dòng người về Quảng Trị, một người đàn ông đã cao tuổi, da dẻ hồng hào ngồi lặng lẽ dưới gốc cây hoa đại trước cửa Bảo tàng Thành cổ.
 
Trên vai ông, chiếc mũ tai bèo treo nghiêng dòng chữ “kỷ niệm chuyến thăm Thành cổ”. Ông ngồi đó như muốn thu mình vào tĩnh lặng mà nghe lời cỏ cây thành cổ kể về một thời oanh liệt. Lân la hỏi chuyện mới biết ông là Giáo sư - Tiến sỹ (GS-TS) Vũ Hoan, Chủ tịch Liên hiệp các hội khoa học kỹ thuật Hà Nội cùng Trung tâm Thông tin Truyền thông vì môi trường phát triển đang thực hiện một công việc vô cùng ý nghĩa là mang đến một cuốn sách kỷ lục Guinness Việt Nam. Đó là cuốn “Đại sách độc bản Huyền thoại Thành cổ Quảng Trị” cuốn sách ghi danh hơn 4000 liệt sỹ đã hy sinh tại Thành cổ Quảng Trị mùa hè năm 1972. Ông bảo, bản thân ông đã nhiều lần qua đây, mỗi lần có một cảm xúc riêng. “Tuy nhiên, lần này, tôi càng xúc động hơn và cũng càng thấy rõ hơn được sự hy sinh dũng cảm của các Liệt sỹ tại đây. Qua đó, càng thấy toát lên tinh thần, ý chí của dân tộc mình không sợ hy sinh để giữ gìn từng tấc đất. Đó là một truyền thống cần được phát huy để giữ vững mọi miền biên cương của Tổ quốc, trong bất cứ hoàn cảnh nào, giai đoạn nào hiện nay hay mãi mãi mai sau”. 
 
 
Ông cho biết, cuốn đại sách dài 1,10m rộng 0,70cm và nặng khoảng 200kg, nội dung còn nói đến diễn biến của cuộc chiến 81 ngày đêm trong Thành cổ, danh sách các liệt sỹ đã biết được.. Trước khi đưa vào Quảng trị, cuốn sách đã được cẩn cáo tại Lăng Bác Hồ, bia Anh hùng Liệt sỹ Bắc Sơn và rước qua các tỉnh chung quanh Hà Nội. Cuốn sách được dành tặng cho Bảo tàng của Thành cổ Quảng trị. Đây là một trong 7 tác phẩm của dự án văn hóa “Uống nước nhớ nguồn”. Sách được thực hiện bởi ý tưởng của “Trung tâm Thông tin Truyền thông vì môi trường phát triển” đã triển khai thực hiện trong vòng 2 năm qua, đến nay hoàn thành và mang đến buổi Đại lễ cầu siêu. Sự kiện thành cổ Quảng Trị đã diễn ra cách đây 39 năm, mỗi năm đều được Nhà nước, nhân dân tưởng nhớ một cách sâu sắc. Năm nay, sự kiện càng có ý nghĩa hơn khi chúng ta thực hiện xuất bản cuốn Đại sách và Đại lễ cầu siêu. Hoạt động này có ý nghĩa nhắc nhở nhân dân, các thế hệ trẻ mãi mãi tri ân, ghi nhớ công ơn các Anh hùng - Liệt sỹ đã hy sinh trên mảnh đất Quảng Trị để cho đất nước được trường tồn và ngày càng phồn vinh như hôm nay. Việc làm này còn cho mãi mãi sau này luôn khắc ghi một điều, máu thịt các chiến sỹ đã hòa trộn trong nước của dòng sông Thạch Hãn, trong đất Quảng Trị là hòa vào hồn thiêng đất nước mãi mãi muôn đời. 
 
Chúng con về thăm mạ, mạ ơi!
 
Trong ngôi nhà nhỏ của mẹ Mai Thị Con, 89 tuổi, xã Cam Thủy, Cam Lộ, người mẹ  có 3 con thì 2 con là liệt sỹ và 1 người mới mất do bệnh ung thư. Mẹ hiện đang ở cùng người con dâu. Đây là một trong 10 địa chỉ mà đoàn chúng tôi tới thăm.  Đồng nghiệp gặp nhau ở tấm lòng và cùng chung mục đích tri ân những liệt sỹ, gia đình có công với cách mạng còn nhiều khó khăn. Tuy vật chất không nhiều nhưng bạn đồng nghiệp cũng ghi nhận và xúc động trước nghĩa cử của những người làm báo Thủ đô. Bước chân vào nhà mẹ, một nhà báo chạy đến đưa hai tay nắm lấy tay người mẹ “Mạ! Mạ khỏe không?” Đôi mắt đục mờ của mẹ chợt sáng lên lóng lánh. Mẹ nở nụ cười đã héo theo thời gian “Mạ khỏe! Cám ơn các con!” Một chút bần thần, nhà báo tiếp lời “Thưa mạ! Hôm nay chúng con về thăm mạ…thăm mạ…” Cảm xúc dâng trào, anh nghẹn giọng không thốt nên lời. Anh quay mặt đi! Những giọt nước mắt lăn tròn. Chung quanh, bạn bè, đồng nghiệp ai cũng rưng rưng. Không gian như ngừng lại! Lặng phắc! Chúng con xin phép được thắp hương trên ban thờ các liệt sỹ!” Những nén hương được thành kính dâng lên. Qua làn khói hương mờ, tấm ảnh hai liệt sỹ như đang mỉm cười. Các anh đã hy sinh cho dân tộc, nhưng mẹ vẫn còn đấy những đứa con từ mọi miền đất nước đến thăm. Nơi xa thẳm hẳn các anh cũng được yên lòng! Trong ngôi nhà nhỏ, hàng người đứng cúi đầu lặng lẽ. Tiếng khóc ai đấy vẫn tấm tức, sụt sùi như cố kìm lại. Thỉnh thoảng lại nấc lên nghẹn ngào.
 
Ngoảnh lại nhìn nhau, mắt nhòa trong lệ! 
 
Tại gia đình bà Nguyễn Thị Nụ, 77 tuổi, xã Triệu Trung, Triệu Hải, người thờ phụng 2 Liệt sỹ, là chú ruột Nguyễn Văn Tiềm hy sinh trong trận đánh Cửa Việt khi 25 tuổi, chưa có vợ con và một em gái Liệt sỹ Hạ sỹ QĐND Việt Nam Nguyễn Thị Phương. Bà Nụ kể, lúc bố mẹ mất chị Phương mới 7 tuổi. Bà Nụ nuôi em cho ăn học đến năm 18 tuổi thì đi theo cách mạng, học y tá ra trường được 6 tháng, chị Phương hy sinh trong trận Dầu Trạch. Bà Nụ là người có công nuôi dưỡng cán bộ thời hoạt động bí mật và bây giờ cũng là người thờ phụng các liệt sỹ. Với chế độ người có công với cách mạng, một tháng được 453 ngàn đồng, cuộc sống của bà hiện rất khó khăn. “Cực lắm, mà sống đâu còn được bao năm? Một tháng hết 300 ngàn tiền thuốc, bởi hồi xưa chúng đánh đập nhiều quá vì tội dám nuôi giấu cán bộ cách mạng” Vào nhà, một phóng viên trẻ loay hoay mãi không xong việc chuẩn bị dâng lễ, thắp hương. Tặng quà xong, lúc quay ra, anh ghé tai thì thầm “Cả nhà chỉ có đúng một cái đĩa thôi chú ạ!” Mấy phút hỏi chuyện, ai cũng cảm thương hoàn cảnh của bà. Có ai đó lặng lẽ dúi vào túi áo bà tờ tiền mệnh giá 100 ngàn đồng, rồi lẳng lặng ra xe đến với những địa chỉ khác. Cứ như thế, mỗi lần gặp gỡ là lại thấy một nỗi đau. Có những người vợ mất chồng như bà Dương Thị Kiên, 72 tuổi vợ Liệt sỹ Trương Văn Trung, hy sinh năm 1966 tại chiến trường Lào, khu vực giáp Khe Sanh, tìm thấy mộ năm 1977. Những người mẹ mất con như mẹ Mai Thị Con hay người chị mất em như bà Nguyễn Thị Nụ… và còn nữa, còn rất nhiều những hoàn cảnh đau thương do chiến tranh để lại. Nỗi đau ấy càng được khắc họa sâu hơn, rõ nét hơn khi đến các nghĩa trang  liệt sỹ Đường 9, Trường Sơn… với hàng chục ngàn ngôi mộ, được sắp hàng ngay ngắn như đoàn quân trước giờ xung trận. Mỗi nén hương dâng với tấm lòng thành kính và thầm mong các anh được an nghỉ trong lòng đất mẹ.
 
 
Quảng Trị đang được đầu tư xây dựng nhiều công trình lớn. Đó là việc cần làm, là sự ghi nhận của Đảng và nhân dân trước sự hy sinh của các Anh hùng- Liệt sỹ vì sự nghiệp giải phóng dân tộc không chỉ hôm nay mà còn mãi mãi sau này. Thế nhưng, tri ân người đã khuất cũng xin biết đến những người đang sống. Hãy nhìn những mảnh ruộng khô cằn, những trảng cát xác xơ để biết cuộc sống người dân nơi đây còn khó khăn biết chừng nào? Đó là chưa tính đến chuyện tài nguyên đất và nước nơi này còn đang ô nhiễm nặng bởi hậu quả chiến tranh. Hàng ngàn tấn bom đạn, chất độc hóa học còn nằm trong lòng đất vẫn luôn rình rập cướp đi sinh mạng người dân bất kỳ lúc nào. 
 
Đường I, tuyến đường huyết mạch nối hai miền Nam- Bắc dù đã được mở rộng vì quá tải, nhưng những ngày này như càng quá tải hơn. Xen lẫn trong dòng xe xuôi ngược, thỉnh thoảng, một chiếc xe trên kính có tấm ảnh chân dung Bác Hồ và tấm băng đỏ, chữ vàng “Tổ quốc đời đời ghi nhớ công ơn các Liệt sỹ”. Trên xe là đồng đội, người thân của các liệt sỹ trên đường đi tìm hoặc đã nhận được hài cốt trên đường đưa liệt sỹ về quê. Thỉnh thoảng, từ trên xe những đồng tiền giấy, vàng mã được thả xuống theo quan niệm để linh hồn người đã khuất được siêu thoát! Dòng xe lao qua hút những tờ tiền, vàng mã cuốn lên khoảng không rồi cuộn lại lơ lửng như một dấu hỏi. Làm gì đây cho vợi bớt những nỗi đau?
 
Hữu Lạc
 
Tỉnh Quảng Trị có 18.729 liệt sỹ. 10.000 thương binh và người hưởng chính sách như thương binh. Hàng chục ngàn người có công với cách mạng, tỷ lệ cao nhất cả nước, cứ 8 người dân thì có 1 đối tượng chính sách. Trên địa bàn tỉnh còn có hơn 60 ngàn mộ liệt sỹ được qui tập là con em của các tỉnh,thành trong cả nước.