leftcenterrightdel
Chùa Ngọa Vân trên núi Vẩy Rồng 

Tọa lạc trên núi Bảo Đài (tên gọi khác là núi Vẩy Rồng) thuộc xã Bình Khê, thị xã Đông Triều (Quảng Ninh), cụm di tích Ngọa Vân thuộc thiền phái Trúc Lâm; nơi Phật Hoàng Trần Nhân Tông hóa phật.

Khu di tích Ngọa Vân cũng còn khá nhiều di tích, di vật phong phú và đa dạng thời nhà Trần. Mặc dù, trải qua bao thăng trầm khắc nghiệt của thời gian, quần thể di tích Ngọa Vân vẫn còn đó với nhiều chứng tích về một thời vàng son, sầm uất thưở xa xưa.

leftcenterrightdel
Ngọa Vân nơi lưu giữ những giá trị cao quý về lịch sử, văn hóa, văn minh qua các thời đại phong kiến

Dấu vết kiến trúc tìm thấy gồm các kè xếp nền móng, các công trình kiến trúc và đặc biệt là 2 toà tháp là: Tháp Đoan Nghiêm Tháp, là tháp mộ của thiền sư Đức Hưng. Tháp có cấu trúc mặt bằng, hình vuông, một tầng bệ, hai tầng thân và phần chóp tháp; Tháp thứ hai có cấu trúc tương tự tháp thứ nhất chính giữa tầng thứ 2 chạm nổi 3 chữ "Phật Hoàng Tháp". Trong lòng tháp đặt một bài vị bằng đá xanh. Bài vị ghi rõ: Tổ thứ nhất phái Trúc Lâm, vua thứ 3 triều Trần, Hoàng Đế Trần Nhân Tông. Trước mặt tháp có một tấm bia đá hình chữ nhật, được dựng vào năm Minh Mệnh thứ 21, ghi nhận đây là tháp mộ vua Trần Nhân Tông.

leftcenterrightdel
Phật Hoàng Tháp nơi giữ xá lị của Phật Hoàng Trần Nhân Tông 

Theo tài liệu cho thấy, Phật Hoàng Tháp chính là nơi giữ xá lị của Phật Hoàng Trần Nhân Tông. Sau khi Phật Hoàng Trần Nhân Tông viên tịch, các đệ tử của ông cho hỏa thiêu Ngài tại Am Ngọa Vân, một phần xá lỵ được giữ tại Ngọa Vân, số xá lỵ còn lại và ngọc cốt rước xuống thuyền đưa về kinh đô Thăng Long, sau đó ngọc cốt đưa về an trí tại lăng Quy Đức (còn gọi là Đức lăng) phủ Long Hưng, nay là thôn Tam Đường, xã Tiến Đức huyện Hưng Hà, Thái Bình.

Cụm di tích Ngọa Vân còn có đến 8 lăng mộ của các vua nhà Trần, Thái miếu nhà Trần và nhiều các di tích khác liên quan đến Trần Nhân Tông và các vua Trần.

leftcenterrightdel
Am cổ Ngọa Vân 

Trong Am Ngoạ Vân nơi thờ tượng Phật Hoàng Trần Nhân Tông trong tư thế niết bàn “sư tử nằm”. Bên trái Am Ngọa Vân còn di tích một miếu thờ Quan Ngũ Hổ; bên phải là Miếu thờ Sơn Thần và một bia đá khắc chữ hán với nội dung: "Trùng tu Ngoạ Vân tự được dựng vào ngày tốt tháng 12 năm Vĩnh Thuận thứ 3", mặt trước ghi chép việc trùng tu chùa Ngoạ Vân dưới thời Lê, mặt sau ghi chép về việc công đức và những quy định của nhà Lê về việc trông coi và bảo vệ di tích Ngoạ Vân và khu lăng mộ các vua Trần tại An Sinh.

leftcenterrightdel
Trong Am Ngoạ Vân nơi thờ tượng Phật Hoàng Trần Nhân Tông trong tư thế niết bàn “sư tử nằm” 

Sau một thời gian bị quên lãng, Ngọa Vân giờ đây đang được đánh thức cùng với những giá trị to lớn về tâm linh, thiên nhiên, văn hóa – lịch sử. Năm 2014, quần thể văn hóa du lịch tâm linh Ngọa Vân đã được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt. Cứ vào ngày 9 tháng Giêng hàng năm, Lễ hội xuân Ngọa Vân lại diễn ra long trọng thu hút đông đảo người dân đến chiêm bái và vãn cảnh.

leftcenterrightdel
 Ngọa Vân được ví như chốn bồng lai tiên cảnh dưới trần gian

Về Ngọa Vân nơi rừng núi điệp trùng, các ngọn núi ôm vòng làm tay ngai, ngọn núi cao (644 mét) rừng đại ngàn che phủ, cây mọc chênh vênh trên vách đá, suối chảy róc rách như vô tận, nước trong như pha lê … Rừng núi tự nhiên nơi đây ban tặng còn rất nhiều các loại động vật, thực vật quý như: soóc bay lớn, thằn lằn, khướu đầu đen và trong số 830 loài thực vật, có 38 loài đặc hữu quý hiếm như: Táu mật, lim xanh, thông tre, la hán rừng, kim giao…

leftcenterrightdel
 Ngọa Vân nơi có nhiều loài động, thực vật quý hiếm

Đến với Ngọa Vân có thể chiêm ngưỡng những cây thông có hơn trăm năm tuổi, rừng trúc bạt ngàn, mai vàng xuộm, khóm hoa lan nở rộ trước sân chùa. Vẻ đẹp của Ngọa Vân như những bức tranh thủy mạc và được ví như chốn bồng lai tiên cảnh dưới trần gian.

Hoàng Hưng