leftcenterrightdel
 Du khách trải nghiệm các dịch vụ du lịch tại đặc khu Côn Đảo. 

Đòn bẩy cho doanh nghiệp vừa và nhỏ

TP Hồ Chí Minh sau sáp nhập không chỉ thay đổi về địa giới mà còn được đánh giá là “lột xác” về tư duy và không gian phát triển du lịch. Theo đó, đa số các doanh nghiệp du lịch cho rằng, TP Hồ Chí Minh cần tăng cường kết nối và mở nhiều tour du lịch liên vùng để phát triển ngành du lịch. 

Đại diện Công ty Du lịch Bắc Trung Nam Bản Việt cho rằng, TP Hồ Chí Minh sau sáp nhập cần tăng cường tổ chức các chương trình famtrip trong và ngoài nước để tạo cơ hội cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ học hỏi kinh nghiệm thực tiễn, tiếp cận các mô hình phát triển hiệu quả. Ngoài ra, chính sách hỗ trợ thuế cũng cần được triển khai đến doanh nghiệp nhỏ và vừa để tạo động lực cho doanh nghiệp phát triển. Đây là giải pháp rất cần thiết, giúp doanh nghiệp du lịch vượt qua thách thức chi phí đầu vào, đặc biệt trong giai đoạn tái cấu trúc địa giới hành chính như hiện nay.

Dưới góc độ cơ quan quản lý, đại diện Phòng Quản lý lữ hành (Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh) cho biết, sau khi sáp nhập, địa giới hành chính rộng hơn, nên việc tổ chức famtrip là giải pháp quan trọng, không chỉ giúp hoàn thiện sản phẩm, mà còn thúc đẩy phát triển tour tuyến mới. Thành phố đang tích cực liên kết với các địa phương trong cả nước, đặc biệt là các vùng vừa sáp nhập như Vũng Tàu, Bình Dương ... để tổ chức các đoàn khảo sát, kết nối doanh nghiệp, đồng thời học hỏi mô hình du lịch quốc tế, nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ và năng lực cạnh tranh. Đặc biệt, trong bối cảnh mô hình chính quyền 2 cấp được triển khai từ ngày 1/7, nhiều doanh nghiệp đã nhanh chóng xác định tiềm năng tại các khu vực mới như: Côn Đảo, Cần Giờ... hay vùng ven Thành phố để phát triển sản phẩm đặc thù.

Ông Ngô Tuấn Tú, Giám đốc Công ty Du lịch Amadive cho biết, hiện nay, sản phẩm du lịch Côn Đảo khá đặc thù và là sản phẩm hút khách trong và ngoài nước. Tuy nhiên, sản phẩm này đang gặp phải các vấn đề như hoạt động theo mùa, giá cả bị đẩy cao do đầu cơ vé và phòng, hướng dẫn viên không đạt chuẩn và sản phẩm du lịch đơn điệu, thiếu hoạt động giải trí ban đêm... “Để phát triển bền vững, du lịch Côn Đảo cần một chiến lược rõ ràng để đa dạng hóa sản phẩm, kiểm soát giá cả và nâng cao chất lượng nhân lực”, ông Tú nhấn mạnh.

Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Thùy Nga, Giám đốc Kinh doanh và Tiếp thị resort Lan Rừng cho biết, khu nghỉ dưỡng 4 sao với hơn 400 phòng của doanh nghiệp hiện đang đạt công suất cao nhờ khách nội địa và in-bound, tuy nhiên vẫn cần thêm hoạt động quảng bá, nhất là cho khách ở thị trường quốc tế.

“Hiện nay, Phước Hải, Long Hải có biển đẹp, hệ sinh thái phong phú, hải sản rẻ và ngon, lại gần các điểm như núi Minh Đạm, chùa Khỉ… rất phù hợp phát triển du lịch nghỉ dưỡng kết hợp văn hóa, tâm linh. Tuy nhiên, về lâu dài, chúng ta cần đẩy mạnh hoạt động kết nối giao thông, vận tải đến các điểm nhanh chóng thuận lợi hơn nhằm rút ngắn thời gian di chuyển từ trung tâm TP Hồ Chí Minh đến các bãi biển trên; đẩy mạnh hoạt động kết nối từ điểm đến với công ty du lịch, các cơ sở dịch vụ tại điểm đến cần nâng cao chất lượng phục vụ để giữ chân du khách lâu hơn...", bà Thùy Nga cho biết thêm.

Tam giác du lịch chiến lược

Theo bà Huỳnh Phan Phương Hoàng, Phó Tổng Giám đốc Vietravel, hiện nay, việc hợp nhất tạo ra một vùng liên kết du lịch giàu tài nguyên với sự đan xen của đô thị hiện đại, công nghiệp, biển, rừng và văn hóa truyền thống.  Khi đó, TP Hồ Chí Minh không còn bị giới hạn bởi ranh giới hành chính mà giờ đây mở ra cơ hội lớn để thiết kế các tour du lịch combo đa điểm trong 2 - 4 ngày, phù hợp với nhóm khách MICE, khách doanh nghiệp hay khách quốc tế ngắn ngày. 

leftcenterrightdel
 TP Hồ Chí Minh phát triển nhiều sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng cao cấp để gia tăng nguồn thu.

Theo bà Phương Hoàng, TP Hồ Chí Minh có thể đẩy mạnh phát triển các mô hình du lịch mới, đang được nhiều công ty đề xuất triển khai. Những mô hình này bao gồm du lịch chăm sóc sức khỏe gần đô thị dành cho doanh nhân, tuyến nghỉ dưỡng biển - núi - rừng kết nối bằng cao tốc, du lịch sinh thái trải nghiệm tại Cần Giờ hay Côn Đảo, kết hợp với nghỉ dưỡng cao cấp tại Long Hải. TP Hồ Chí Minh có lợi thế về di chuyển ngắn, hạ tầng kết nối đồng bộ và mật độ dân cư đông, điều này tạo ra cơ hội lớn để phát triển các mô hình du lịch này.

Hiện nay, TP Hồ Chí Minh đang tiến gần đến mục tiêu trở thành "trạm trung chuyển du lịch" quy mô lớn hàng đầu Việt Nam. Từ TP Hồ Chí Minh, các tuyến điểm du lịch sẽ được kết nối, giúp du khách có thêm nhiều trải nghiệm phong phú. Điều này cũng góp phần tái định vị du lịch TP Hồ Chí Minh trên bản đồ khu vực, không chỉ là điểm đến văn hóa - lịch sử mà còn là trung tâm tổ chức sự kiện, triển lãm, nghỉ dưỡng, chữa lành và khám phá thiên nhiên.

Ông Từ Quý Thành, Giám đốc Công ty Du lịch Liên Bang cho biết, việc sáp nhập là một sự kiện “hâm nóng thị trường” du lịch. Khi các địa phương không còn rào cản hành chính, doanh nghiệp dễ dàng liên kết để mở rộng sản phẩm, kết nối điểm đến và chia sẻ nguồn lực về logistics, nhân sự, marketing… tạo sức bật lớn cho toàn ngành. 

Chia sẻ về triển vọng sau sáp nhập, ông Lê Trương Hiền Hòa, Phó Giám đốc Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh cho biết, TP Hồ Chí Minh đang hình thành một “siêu đô thị du lịch vùng” dựa trên cấu trúc tam giác chiến lược: Đô thị thông minh - nghỉ dưỡng biển đảo - công nghiệp sáng tạo. Đây là cơ hội để đa dạng hóa sản phẩm, kéo dài thời gian lưu trú, tăng chi tiêu bình quân và giảm chi phí kết nối nhờ vào hạ tầng như cao tốc, metro, cảng và sân bay quốc tế Long Thành

Theo ông Lê Trương Hiền Hòa, vai trò của TP Hồ Chí Minh sẽ thiên về điều phối và tổ chức các sự kiện văn hóa lớn, đẩy mạnh ứng dụng du lịch thông minh, trong khi Bình Dương phát triển các sản phẩm công nghiệp, Bà Rịa – Vũng Tàu khai thác thế mạnh nghỉ dưỡng biển đảo. Sự cộng hưởng này sẽ giúp du lịch TP Hồ Chí Minh vừa phong phú, vừa đậm bản sắc, đủ sức giữ chân du khách lâu hơn và hấp dẫn hơn.

Sắp tới, TP Hồ Chí Minh sẽ tiếp tục đẩy mạnh các chương trình kích cầu, hoàn thiện sản phẩm du lịch vùng, phát triển nhân lực chất lượng cao và cải thiện môi trường kinh doanh - đầu tư. Trong đó, các hoạt động famtrip, hội chợ du lịch, xúc tiến thị trường quốc tế và hỗ trợ doanh nghiệp sẽ là trọng tâm của chiến lược ngắn và trung hạn.

Hiện nay, sự chuyển mình của TP Hồ Chí Minh không chỉ nằm ở thay đổi bản đồ hành chính mà còn là bước ngoặt chiến lược để định hình một vùng du lịch phát triển bền vững, kết nối chặt chẽ giữa đô thị và thiên nhiên, giữa truyền thống và hiện đại, giữa người dân và doanh nghiệp và chính quyền. Với quyết tâm cao và định hướng đúng đắn, TP Hồ Chí Minh đang mở ra một kỷ nguyên mới cho ngành du lịch  và ngành kinh tế không khói đầy tiềm năng trong tương lai gần.

Ông Trần Phú Lữ, Giám đốc Trung tâm xúc tiến thương mại và đầu tư TP Hồ Chí Minh cho biết, việc sáp nhập các đơn vị hành chính từ ngày 1/7/2025 đã mở ra nhiều tiềm năng mới cho ngành Du lịch TP Hồ Chí Minh, góp phần mở rộng không gian phát triển, đa dạng hóa sản phẩm du lịch và tăng cường liên kết vùng. Đây là cơ hội quan trọng để TP Hồ Chí Minh tái tổ chức hệ sinh thái du lịch theo hướng đồng bộ, hiện đại và phù hợp với định hướng phát triển bền vững trong dài hạn. Đồng thời, việc đầu tư vào hạ tầng giao thông và các dịch vụ hỗ trợ du lịch sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn cho việc thu hút nguồn lực xã hội hóa, nâng cao khả năng kết nối giữa các điểm đến.
Theo TTXVN