leftcenterrightdel
 Đoàn Việt Nam tham gia Kỳ họp họp lần thứ 47 của Ủy ban Di sản Thế giới tại Thủ đô Paris, Cộng hòa Pháp. Ảnh: TTTT QN

Sự kiện trọng đại này đánh dấu Di sản Thế giới thứ 9 của Việt Nam được UNESCO vinh danh, đồng thời là Di sản thế giới liên tỉnh thứ hai sau Vịnh Hạ Long - Quần đảo Cát Bà.

Quyết định công nhận được đưa ra bởi Giáo sư Nikolay Nenov (Bulgaria) – Chủ tịch kỳ họp – người đã chính thức gõ búa công nhận di sản tại phiên họp quan trọng này. Quần thể Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc bao gồm các điểm di tích thuộc ba địa phương là Quảng Ninh, Bắc Giang và Hải Dương, gắn liền với lịch sử hình thành và phát triển của dòng Thiền Trúc Lâm, do Phật hoàng Trần Nhân Tông sáng lập vào thế kỷ XIII.

leftcenterrightdel
 Chùa Đồng trên đỉnh Yên tử. Ảnh: ST

Phật giáo Trúc Lâm không chỉ là một dòng Thiền mang bản sắc Việt Nam mà còn là sự kết tinh đặc sắc của nhiều hệ tư tưởng lớn: tinh thần từ bi, vị tha của Phật giáo Đại thừa; đạo đức và nghĩa lý của Nho giáo; vũ trụ quan của Đạo giáo; cùng các tín ngưỡng dân gian bản địa. Dòng Thiền này đã định hình nền tảng tinh thần của quốc gia Đại Việt thời Trần, khẳng định vai trò của tư tưởng hòa bình, khoan dung, tự chủ và hòa hợp với thiên nhiên. Những giá trị đó hoàn toàn tương thích với mục tiêu của UNESCO về giáo dục, phát triển bền vững và xây dựng nền văn hóa hòa bình.

Việc ghi danh Quần thể Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc là Di sản Văn hóa Thế giới được thực hiện theo hai tiêu chí nổi bật của UNESCO là (iii) và (vi). Theo tiêu chí (iii), di sản là minh chứng cho sự kết hợp hài hòa giữa nhà nước, tôn giáo và cộng đồng trong quá trình hình thành bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam, đồng thời góp phần thúc đẩy hòa bình và ổn định khu vực. Dưới tiêu chí (vi), Phật giáo Trúc Lâm thể hiện ảnh hưởng sâu rộng của tôn giáo đến xã hội thế tục, khơi nguồn cảm hứng cho lối sống yêu chuộng hòa bình, hướng thiện và sống hài hòa với tự nhiên.

leftcenterrightdel
 Yên Tử là địa điểm được lựa chọn để tổ chức các sự kiện Phật giáo trọng đại. Ảnh: TTTT QN

Quần thể di sản bao gồm 12 cụm, điểm di tích chính, phản ánh đầy đủ quá trình hình thành, phát triển và lan tỏa của Phật giáo Trúc Lâm. Từ cảnh quan linh thiêng của núi Yên Tử với những đền, chùa, tháp cổ, am thiền cho tới chùa Vĩnh Nghiêm – nơi lưu giữ nhiều mộc bản quý – hay khu di tích Côn Sơn – Kiếp Bạc với những dấu ấn của Phật giáo kết hợp văn hóa Nho - Lão, mỗi địa điểm đều thể hiện rõ mối quan hệ gắn bó giữa con người và thiên nhiên, giữa tâm linh và đời sống.

Không chỉ mang giá trị lịch sử và tinh thần sâu sắc, các điểm di tích trong quần thể còn là trung tâm văn hóa tâm linh quan trọng, thu hút hàng triệu lượt khách hành hương mỗi năm. Qua hàng thế kỷ, nơi đây vẫn là không gian thực hành và truyền bá các giá trị văn hóa, tôn giáo, đồng thời góp phần bảo tồn bản sắc dân tộc.

leftcenterrightdel
 Khu di tích Côn Sơn. Ảnh: TP HP

Thành công trong việc đưa Quần thể Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc vào danh sách Di sản Thế giới là kết quả của quá trình chuẩn bị công phu và lâu dài. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Ngoại giao cùng chính quyền các địa phương đã phối hợp triển khai hàng loạt dự án bảo tồn, tu bổ di tích, nghiên cứu, nhận diện giá trị và xây dựng hồ sơ đệ trình UNESCO. Sự kiện không chỉ nâng tầm vị thế văn hóa của Việt Nam trên trường quốc tế, mà còn mở ra cơ hội phát triển bền vững thông qua du lịch, giáo dục và gìn giữ di sản cho các thế hệ tương lai.

Theo cam kết của Việt Nam, công tác bảo tồn và phát huy giá trị của Di sản Thế giới Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc sẽ tiếp tục được đẩy mạnh theo đúng quy định của Luật Di sản Văn hóa và Công ước 1972 của UNESCO. Mục tiêu là phát triển hài hòa giữa bảo tồn và phát triển, gắn di sản với đời sống cộng đồng, đồng thời quảng bá các giá trị văn hóa đặc sắc của Việt Nam ra thế giới.

Trúc Quyên