|
|
Thác Bản Giốc là điểm di sản nằm trong vùng Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng. |
Sức hấp dẫn của Công viên địa chất Toàn cầu UNESCO
Sau khi được Công nhận danh hiệu Công viên địa chất Toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng với 130 điểm di sản độc đáo, phản ánh lịch sử hình thành trên 500 triệu năm của trái đất, tỉnh đã xây dựng 4 tuyến du lịch Công viên địa chất, gồm "Hành trình về nguồn cội", "Khám phá Phja Oắc - vùng núi của những đổi thay", "Trải nghiệm văn hóa bản địa ở xứ sở thần tiên", "Một thời hoa lửa". Đây là lợi thế để Cao Bằng quảng bá rộng rãi các giá trị di sản địa chất, văn hóa đặc sắc riêng có với bạn bè trong nước và quốc tế.
Du khách Đoàn Hải Lê (thành phố Hà Nội) đã nhiều lần đến Cao Bằng tham quan. Mỗi lần tới đây, cô đều chọn những điểm đến khác nhau. Lần đến tham quan, khám phá thác Bản Giốc dịp lúa chín vàng; ăn hạt dẻ, cốm vò nếp ong thơm ngọt… đã để lại nhiều ấn tượng trong cô. Hải Lê cho biết, Cao Bằng thật sự có một vẻ đẹp độc đáo, giàu bản sắc, lôi cuốn khách tham quan. Đến Khu di tích quốc gia đặc biệt Pác Bó nghe giới thiệu về Bác Hồ trong thời gian hoạt động cách mạng ở Cao Bằng hay ngắm Mắt thần núi và ngồi trong những homestay thưởng thức những câu Then, điệu Tính mượt mà, say đắm lòng người… cũng là những trải nghiệm đáng nhớ.
Bà Jitka Hertig (Chuyên gia về Công viên địa chất người Thụy Sỹ) trong dịp đến Cao Bằng tham dự Hội nghị Công viên địa chất Toàn cầu UNESCO khu vực châu Á - Thái Bình Dương năm 2024 đã chia sẻ, mỗi tuyến trải nghiệm Công viên địa chất Toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng có sự cuốn hút riêng. Tham quan tuyến "Khám phá Phja Oắc - Vùng núi của những đổi thay" huyện Nguyên Bình, bà Jitka Hertig được đi trong rừng trúc xanh ngút ngàn; ngắm những cô gái dân tộc Dao Tiền thêu sáp ong. Trong tuyến trải nghiệm hướng Nam "Một thời hoa lửa", bà đã leo những ngọn núi đá cao hùng vĩ để xem nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh trực tiếp chỉ huy mặt trận trong Chiến dịch Biên giới năm 1950… Du khách người Thụy Sỹ này cho biết, bà sẽ sắp xếp thời gian để trở lại Cao Bằng khám phá, tìm hiểu lễ hội truyền thống của đồng bào các dân tộc nơi đây…
Kể từ khi chính thức được công nhận, thông qua việc xây dựng và phát triển giá trị Công viên địa chất toàn cầu UNESCO, du lịch Cao Bằng tăng trưởng khá nhanh. Từ năm 2020 đến hết tháng 8/2024: Tổng lượt khách du lịch đến tỉnh đạt trên 5,4 triệu lượt, bằng 108% kế hoạch. Đến nay, các chỉ tiêu phấn đấu chung về du lịch đã đạt và vượt so với mục tiêu đề ra trong giai đoạn 2020-2025.
|
|
Thung lũng Xuân Trường nằm trong vùng Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng. |
Phát huy giá trị Công viên địa chất Toàn cầu UNESCO
Qua hơn 6 năm xây dựng và phát triển, Công viên địa chất Toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng tích cực triển khai các nhiệm vụ bảo tồn và phát huy giá trị di sản; xây dựng, khai thác ở khía cạnh tạo ra những sản phẩm du lịch mới đặc trưng, tạo sinh kế cho đồng bào dân tộc thiểu số.
Chủ tịch UBND xã Phúc Sen Lương Văn Huấn cho biết: ở Phúc Sen có điểm du lịch cộng đồng làng hương thơm Phja Thắp, điểm du lịch cộng đồng làng rèn Pác Rằng. Tại đây, bà con dân tộc Nùng An trong làng nghề rèn nông cụ, làm hương thơm và giấy dó đã tham gia làm đối tác Công viên địa chất nên vừa có cơ hội được tập huấn, nâng cao chất lượng sản phẩm làng nghề và giới thiệu sản phẩm đến với bạn bè trong nước và quốc tế, vừa nâng cao ý thức bảo vệ các giá trị di sản, môi trường sinh thái...
Phó Chủ tịch UBND huyện Trùng Khánh Chu Thị Vinh nhấn mạnh, huyện có trên 20 điểm di sản Công viên địa chất, nổi bật là thác Bản Giốc. Để thu hút khách, hằng năm, huyện tổ chức Lễ hội thác Bản Giốc với nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật dân tộc Tày, Nùng; thi ẩm thực giới thiệu sản phẩm nổi tiếng như hạt dẻ, gạo nếp ong, vịt cỏ, thạch trắng mác púp… Huyện cũng khuyến khích doanh nghiệp, hộ kinh doanh đầu tư, nâng cấp dịch vụ du lịch. Đến nay, huyện có điểm du lịch cộng đồng làng đá Khuổi Ky, 22 dịch vụ lưu trú homestay, 22 khách sạn và nhà nghỉ đạt tiêu chuẩn, thành lập 67 câu lạc bộ dân ca...
Giám đốc Ban Quản lý Công viên địa chất Toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng Vi Trần Thùy cho biết, thời gian tới, đơn vị tiếp tục tham mưu cho UBND tỉnh, sở, ngành đầu tư hạ tầng cho 4 tuyến trải nghiệm Công viên địa chất; hướng dẫn, tập huấn cho người dân vùng di sản làm du lịch cộng đồng gắn với làng nghề truyền thống và các sản phẩm OCOP. Các huyện quan tâm phục dựng nhiều lễ hội văn hóa các dân tộc thiểu số, động viên nghệ nhân sưu tầm dân ca, dân vũ cổ, xây dựng đội văn nghệ xóm, bản phục vụ phát triển du lịch…