Ngày mới ở làng chài Long Hải

Người dân làng chài hành nghề đánh bắt gần bờ bắt đầu một ngày làm việc từ khoảng chừng giữa đêm về sáng. Hàng đoàn thuyền thúng nối nhau ra khơi để tung những tay lưới đánh cá. Khi tờ mờ sáng, quang cảnh nơi đây trở nên nhộn nhịp bởi không khí khẩn trương của những chiếc thuyền thúng đầu tiên ăm ắp cá vào bờ. 

leftcenterrightdel
Bình minh trên bãi biển Long Hải. 

Thuyền vừa vào tới bờ, những người đàn ông trong những bộ quần áo sờn cũ nhanh chóng xuống thuyền, khẩn trương và nhanh mắt tìm người nhà. Chiếc xe công nông (sáng kiến của người dân - PV) từ bờ lao ra sát mép nước, dây được buộc vào chiếc thuyền thúng để ì ạch chuyển bánh, kéo chiếc thuyền thúng vào sâu trong bãi cát. “10 nghìn đồng cho một lần kéo, khỏi phải hò nhau đẩy thuyền trên cát, vừa nhàn, vừa nhanh”, người “tài xế” xe vui vẻ chia sẻ, mang theo tiếng cười giòn tan. Khi những chiếc thuyền ăp ắp, lấp lánh những thân cá trắng tròn còn mắc lưới, được di chuyển vào sâu trong bãi cát, những người phụ nữ lập tức bắt tay vào công việc như đã thành thói quen. 

Ông Minh Phát (50 tuổi), nước da đen sạm vì gió biển, tóc đã điểm màu muối tiêu, cười cho biết: “Chuyến này được luồng cá trích, nên cá thu được nặng mẻ lưới, mọi người cứ từ từ mà gỡ”. Rồi ông trầm ngâm: “Biển nuôi tôi từ nhỏ, mà nuôi cả cha ông tôi. Hồi tôi còn trẻ, có sức khỏe thì đi theo thuyền lớn đánh bắt ngoài khơi xa. Giờ già rồi, về đánh bắt gần bờ thôi, được mẻ cá trích cũng có tiền cho bà ấy sắm lặt vặt trong nhà”. 

Vừa thoăn thoắt cầm một đầu lưới gỡ cá, vợ ông Phát vừa chia sẻ: “Dân làng chài Long Hải đánh bắt gần bờ cũng nhiều, biển Long Hải có nhiều cá trích, cá nhỏ, giá trên thị trường không cao nhưng chế biến được nhiều món, nên thương lái thu mua đều đều, giá dao động trên dưới 10 ngàn đồng/kg, nhưng cả buổi đi làm cũng được tiền trăm. Cái nghề lấy công làm lãi, chỉ cần chiếc thuyền thúng, mái chèo là có thể ra khơi”. 

Những tấm bạt nylon được trải cạnh mỗi chiếc thuyền thúng, lưới được chia mỗi người một đầu đối nhau. Những cánh tay phối hợp nhịp nhàng, những con cá trích tròn mẩy, lấp lánh vẩy trắng dưới ánh mặt trời, nhảy tanh tách rơi khỏi lưới, nằm gọn trên chiếc bạt được trải. Sau đó, cá được gom lại gọn gàng trong những chiếc sọt mây, khoảng 10 kg/giỏ. Những người phụ nữ lại hò nhau khiêng xuống biển. Cá xuống biển để được “đãi” lại cho sạch bùn đất rồi mang cân cho thương lái. Những giỏ cá trích đầy ăm ắp được xếp hàng dài bên những chiếc cân. Cá còn tươi nhảy tanh tách, ánh lên cái bụng béo trắng, cái thân tròn lẳn thịt, mùi tanh tanh nồng nồng. Mỗi chiếc giỏ được cân, thương lái thoăn thoắt nhận cá, trả tiền, rồi nhấc lên chiếc xe máy chờ sẵn để chở vào chợ. 

leftcenterrightdel
 Ngư dân được mùa lộc biển.

Ngồi trầm ngâm nhìn mẻ lưới về không, ông Trần Minh động viên vợ: “Thôi, hôm nay xui rủi, gỡ nhanh tay rồi về kẻo trời trưa trỏng”. Thuyền nhà ông Minh hôm nay quăng lưới gặp phải đàn sứa, những thân sứa bầy nhầy bám riết vào lưới, chẳng còn chỗ cho cá, chỉ có một vài con cá nhỏ xíu mắc lưới vào theo. Vừa không có cá, lại vừa phải gỡ sứa, sứa còn làm hỏng cả mắt lưới, nên vợ chồng ông chỉ biết nhìn nhau thở dài. Cái nghề đánh bắt ven bờ nó thế, cũng nhiều hên xui, thu nhập bấp bênh như con sóng. 

Hướng mắt về phía khơi xa, ông Minh trầm ngâm: “Chúng tôi trân quý biển nên coi những mẻ cá là lộc biển. Chúng tôi đánh bắt bằng lưới tuy ăn may rủi nhưng cũng là vì muốn giữ nguồn tài nguyên biển cho muôn đời sau. Thế nhưng, ngoài kia những chiếc thuyền máy vẫn đánh bắt bằng phương pháp sử dụng cào gây nguy cơ tận diệt nguồn thủy sản, tận diệt món quà của biển cả”. 

Trân quý món quà từ thiên nhiên

Thực tế, từ năm 2015, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã ban hành Chiến lược “Khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên và bảo vệ môi trường biển đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”. Theo đó, Chiến lược sẽ hướng đến 9 dự án lớn, gồm: Điều tra, đánh giá trữ lượng và tình hình khai thác các loại khoáng sản, vật liệu xây dựng vùng bờ; kiểm soát các nguồn thải trực tiếp gây ô nhiễm, suy thoái môi trường vùng biển ven bờ và các cửa sông ven biển; điều tra, đánh giá, lập bản đồ các hệ sinh thái đất ngập nước, rừng ngập mặn, các hệ sinh thái đặc thù, khu vực có đa dạng sinh học cao, các khu vực sinh sản, các loài được ưu tiên bảo vệ, loài xâm hại vùng bờ tỉnh; điều tra, đánh giá hiện trạng môi trường ven biển, đánh giá mức độ nhạy cảm và chống chịu của vùng ven biển và cửa sông đối với các tai biến tự nhiên và sự cố môi trường phục vụ định hướng phát triển kinh tế - xã hội vùng bờ biển; quy hoạch mạng lưới quan trắc tổng hợp tài nguyên - môi trường biển, đảo và vùng bờ tỉnh...

leftcenterrightdel
Những chiếc thuyền thúng, lưới cụ đã gắn bó với ngư dân Long Hải từ bao đời nay. 

Trong những năm qua, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã khai thác hiệu quả tiềm năng tài nguyên của biển để phát triển nền kinh tế biển với nhiều ngành nghề như: Khai thác dầu khí; đánh bắt, chế biến hải sản; du lịch biển - đảo; công nghiệp ven biển; cảng nước sâu… Đến nay, địa phương này được biết đến là “thủ phủ” của ngành công nghiệp khai thác và chế biến dầu khí, là trung tâm du lịch lớn của cả nước. Trong đó, Bà Rịa - Vũng Tàu đang tập trung khai thác, tận dụng những lợi thế về vị trí gần biển và tài nguyên biển phong phú để xây dựng các trung tâm dịch vụ logistic, phát triển mạnh hệ thống cảng tại các khu vực: Cái Mép - Thị Vải, Vũng Tàu, Côn Đảo; đẩy mạnh phát triển dịch vụ du lịch, với các loại hình du lịch biển đa dạng, phong phú dọc các khu vực ven biển: Vũng Tàu, Long Hải, Bình Châu và Côn Đảo…

Đặc biệt, Bà Rịa - Vũng Tàu đã nghiêm túc triển khai các quy định của Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo, trong đó có vấn đề nhận chìm vật chất nạo vét ở biển. Mặc dù, tỉnh đã quy hoạch khu vực biển được phép tiến hành nhận chìm, nhưng đến nay, UBND tỉnh chưa đồng ý cho bất kỳ một đơn vị nào được tiến hành nhận chìm ở biển do không đáp ứng được các quy định của Luật. Tuy nhiên, để quản lý và khai thác hiệu quả tài nguyên biển, từng cơ quan, đoàn thể, mỗi người dân càng phải nâng cao ý thức về quản lý, bảo vệ, phát triển bền vững biển và hải đảo. Đây chính là “chìa khóa” để phát huy được lợi thế, tiềm năng về biển, hải đảo, tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội cho địa phương. 

Vẫn cần những cơ quan đầu mối tổ chức và phối hợp với các đoàn thể, địa phương triển khai các lớp tập huấn, phổ biến kiến thức về tài nguyên biển và ý thức bảo vệ môi trường biển cho cộng đồng dân cư, khách du lịch để giữ nguồn lộc biển. 

Hà Nhân